Nghệ nhân đúc đồng tâm huyết giữ gìn văn hóa Việt truyền thống

Năm 2023, toàn huyện Tứ Kỳ có 20 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Trong số này, có sản phẩm“Trống đồng Thuận Thiên” của cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách ở xã Văn Tố, là một trong số ít những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp có chỗ đứng vững trên thị trường. Kỹ sư, nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách với hoạt động sản xuất, kinh doanh này hiện đang góp một phần rất lớn vào việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc, tạo công ăn việc làm cho hơn lao động nông nhàn tại địa phương.
Nghệ nhân đúc đồng tâm huyết giữ gìn văn hóa Việt truyền thống

Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách, sinh năm 1962 tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng); song lại “có duyên” với mảnh đất xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ nhờ đam mê với nghề đúc đồng truyền thống. Được học tại khoa Luyện kim, chuyên ngành đúc của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, ông vào bộ đội đến năm 1986 thì giải ngũ và gắn bó với nghề chế tác vàng, bạc, đá quý tại Hà Nội. Mối duyên đưa ông Sách quay lại với nghề đúc rất ngẫu nhiên vào mùa thu gần 20 năm trước.

Khi đó, Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ông kể: “Tôi bắt gặp không ít những Việt kiều về thăm nước hoặc du khách nước ngoài muốn mua một sản phẩm kỷ niệm về văn hóa Việt Nam nhưng tìm mãi mà vẫn chưa thấy có sản phẩm nào hài lòng; những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống ở Việt Nam lại vắng bóng… Những điều đó làm tôi trăn trở, được học chuyên ngành, có kiến thức tại sao chúng ta không tự giới thiệu về văn hóa nước ta tới bạn bè thế giới thông qua những tặng phẩm ý nghĩa này. Mục đính chính khi nghiên cứu của tôi gồm 3 sản phẩm chính đó là: Trống đồng, chùa Một cột (đại diện cho Phật giáo) và Khuê Văn các (đại diện cho Nho giáo) vì thế tôi tập trung vào phát triển công nghệ, nhưng công nghệ phải hướng tới tương lai và thân thiện với môi trường”.

Công nghệ đúc mới của nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách là một bước ngoặt lớn, hướng đi sáng tạo cho ngành đúc tại Việt Nam. Công nghệ đúc chính xác bằng phương pháp mẫu chảy trong môi trường chân không có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tinh xảo, chính xác, đẹp và chất lượng đồng đều. Đặc biệt, đây là một công nghệ sạch thân thiện với môi trường có khả năng cơ khí hóa và tự động hóa cao. Với công nghệ tiên tiến và sự dày công tìm hiểu, nghiên cứu các yếu tố văn hóa Việt Nam, sự tâm huyết gìn giữ nét đẹp truyền thống của nghệ nhân, sản phẩm trống đồng được đặt tên là “Thuận Thiên” khi “trình làng” đã gây không ít bất ngờ tại một triển lãm về thủ công mỹ nghệ.

Năm 2013, bộ trống đồng Việt Nam của ông Nguyễn Thượng Sách được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề. Hơn 10 năm qua, sản phẩm liên tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Năm 2016, ba bộ sản phẩm: Trống đồng, đồ thờ và Khuê Văn Các được UBND tỉnh Hải Dương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Những “đứa con tinh thần” được yêu chuộng như tiếp lửa cho người nghệ nhân tiếp tục sáng tạo các mẫu mã mới.

Không chỉ đam mê làm nghề, ông Sách còn mong tạo thêm nhiều việc làm giúp người dân nông thôn có nghề phụ, cuộc sống khấm khá hơn. Mở xưởng từ năm 2008, cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách đặt tại xã Văn Tố đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Năm 2014, ông được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam; năm 2017, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp. Thông qua sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách, góp phần vào khôi phục, gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ sau về đặc trưng văn hóa của người Việt.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 5 năm 2024


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây