(1) Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. (2) Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự. (3) Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia. (4) Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao.
Những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học & Công nghệ phải luôn bám sát vào định hướng, chủ trương, quan điểm phát triển của Thủ tướng Chính phủ để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các giải pháp về khoa học công nghệ nhằm phát triển, đẩy mạnh ngành công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước. Trong đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của tỉnh ngành KHCN đã đề xuất tập trung hướng nghiên cứu vào các giải pháp về khoa học công nghệ đó là:
(1) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bào chế tiên tiến, nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng có giá trị kinh tế cao. (2) Nghiên cứu chiết xuất dược liệu theo công nghệ tiên tiến, bào chế, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng từ một số dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế cao trong nước, phát triển các sản phẩm dược của tỉnh. (3) Phân lập, định danh hoạt chất chính, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm từ dược liệu mang tính đặc thù của Hải Dương. Chứng minh khoa học tác dụng dược lý của thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu nguồn gốc trong nước. (4) Nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu và lợi thế ở tỉnh và nhập nội nguồn gen và giống cây dược liệu tiên tiến.
Kết quả trong 2 năm 2021 - 2022 đã tập trung tuyển chọn, nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án như:Nghiên cứu trồng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất dược liệu tại Chí Linh theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO) và gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm với một số đối tượng cây trồng như thiên môn đông, kim ngân hoa, tỏi, hành... Nghiên cứu, sưu tầm, thử nghiệm và áp dụng rộng các bài thuốc cổ truyền chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; nghiên cứu và phát triển các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Trên cơ sở bài thuốc “Cao lỏng tiêu viêm HD” gồm các vị thuốc nam như Lá móng, Huyết giác, Khương hoàng...Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương đã phát triển thành sản phẩm thuốc “Cao lỏng tiêu viêm HD” thuận tiện cho sử dụng và nâng cao hiệu quả điều trị và đã được chứng minh qua các nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại, chiết xuất dược liệu, phát triển một số sản phẩm dược liệu mới, đánh giá tác dụng dược lý, thử nghiệm lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị của một số dược liệu như: chiết xuất cao giàu hàm lượng lignans từ diệp hạ châu đắng; chiết xuất dầu béo từ hạt tía tô và sản xuất viên nang mềm hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu; bào chế viên nang cứng từ dược liệu tỏi có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan; sản xuất viên nang cứng hỗ trợ điều trị bệnh GOUT từ cây lá lốt; phát triển sảnphẩm hỗ trợ hạ đường huyết và tăng cường miễn dịch từ đông trùng hạ thảo.
Việc xây dựng, phát triển vùng dược liệu ở các địa phương trong tỉnh tạo ra nghề mới cho người dân, đó là trồng cây dược liệu đồng thời góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dược tại các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp dược trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dược giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian nghiên cứu các quy trình sản xuất từ đó sản xuất các sản phẩm dược liệu có giá trị cao, cung cấp ra thị trường; người dân tỉnh nhà có cơ hội được tiếp nhận với nhiều sản phẩm có hiệu quả cao và chi phí thấp.
Để ngành dược liệu tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, hiệu quả và bám sát định hướng, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp:
Về đào tạo:Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành y, dược triển khai nghiên cứu các đề tài, dự án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đào tạo chuyên sâu về tiếp nhận chuyển giao sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế, nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trong chương trình đào tạo dược sĩ đại học...
Về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất dược liệu: Năng lực cạnh tranh về sản phẩm được quyết định bởi lợi thế về chi phí sản xuất và năng suất. Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp được quyết định bởi việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong lẫn bên ngoài để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thu hút người dùng. Để đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh, các nhiệm vụ khoa học công nghệ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc, quý, đặc hữu để đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc; huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất thuốc công nghệ cao, sản xuất thuốc nhượng quyền và chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu; khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật EU - GSDP bên cạnh việc áp dụng tiêu chuẩn GACP - WHO.
Về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu: Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh nhanh tiến độ số hóa ngành dược, xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu về thuốc cho hoạt động quản lý, kinh doanh dược; Bảo tồn các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu quốc gia; khai thác bền vững, hạn chế xuất khẩu các dược liệu quý hiếm, nguy cấp; Xây dựng cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, quy trình kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, chế biến đối với dược liệu trong nước.
Về thông tin, truyền thông: Xây dựng kế hoạch và nội dung truyền thông đảm bảo đúng chất lượng, an toàn, hiệu quả có truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh thông tin về giá thuốc sản xuất trong nước, ngoài nước; xác định rõ nguồn, tác dụng của dược liệu, nhất là các dược liệu đặc hữu của đại phương nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong bảo tồn, khai thác, sử dụng dược liệu. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam". Hỗ trợ hiệu quả việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuốc, dược liệu mang thương hiệu quốc gia ./.
Nguyễn Đình Bộ - Vũ Thị Thu Hiền