Ứng dụng KHCN trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Hải Dương là tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng, lợi thế thuận lợi nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Để khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai và các tài nguyên hiện có; những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ đã đồng hành cùng với các hộ nông dân, DN trên địa bàn tỉnh đề xuất và được Bộ KHCN phê duyệt thực hiện một số dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.
Ứng dụng KHCN trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Thông qua chương trình đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cụ thể:  

(1) Dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình chăn nuôi đà điểu sinh sản, thương phẩm mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương, do Trang trại Đà điểu Trung Kiên chi nhánh Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Trung Kiên, xã Hồng Phong (Ninh Giang) chủ trì thực hiện từ năm 2020 đến tháng 4 năm 2024.

Dự án giúp cho DN, các hộ dân tiếp nhận, làm chủ được các quy trình kỹ thuật từ sinh sản cho đến nuôi thương phẩm đối với đối tượng nuôi đà điểu. Tiếp cận quy trình công nghệ, tăng cường tiềm lực KHCN (máy ấp nở trứng đà điểu); nâng cao thu nhập cho người dân khi nuôi đà điểu. Dự án đã đem lại cơ hội chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tận dụng tiềm năng của địa phương đặc biệt là đất đai và thức ăn xanh tại chỗ. Đối với mô hình sinh sản quy mô 50 mái tại doanh nghiệp: Từ năm thứ 2 thu lãi 242 triệu đồng, năm thứ 3 thu lãi 597 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất. Đối với mô hình thương phẩm tại DN và nông hộ cho thu lãi gần 1,8 triệu đồng/con sau 12 tháng nuôi.

Chăn nuôi đà điểu có khả năng chống chịu với bệnh tật cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi. Qua đó, dự án giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Hiện nay, các hộ dân đang có nhu cầu xây dựng sản phẩm chế biến từ đà điểu thành sản phẩm OCOP của huyện Ninh Giang

(2) Dự án: Mô hình chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ cá rô phi bằng công nghệ sinh học tại Hải Dương, do HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt chủ trì thực hiện từ năm 2021 đến tháng 3/2024.

Quy trình chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ cá rô phi bằng công nghệ sinh học như chả cá, nước sốt ăn liền, túi mùn sinh học, bột xương cá... đã giải quyết bài toán đầu ra hiệu quả cao đối với cá rô phi - đối tượng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn về diện tích, năng suất, sản lượng ở miền Bắc.

Đối với mô hình chế biến chả cá: khi dự án hoạt động 100% công suất dự kiến đạt trên 500 tấn sản phẩm, lãi ròng đạt gần 7 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn khoảng 2 năm, tỷ lệ lãi ròng so với vốn đầu tư đạt 40,9% và so với tổng doanh thu đạt 10,7%. Đối với mô hình các sản phẩm giá trị gia tăng khác: theo tính toán của DN, với quy mô 5 tấn nguyên liệu/ngày lợi nhuận đem lại trên 75,6 triệu đồng. Dự án đã giúp giải quyết bài toán về tiêu thụ thuỷ sản của địa phương, ổn định đầu ra đối với cá rô phi, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển bền vững nghề nuôi cá, khai thác tối đa và nâng cao hiệu quả, giá trị của cá rô phi; đồng thời giải quyết lao động nhàn rỗi của địa phương với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến cá rô phi tại địa bàn huyện Gia Lộc với công suất 20 tấn nguyên liệu/ngày, từ đó góp phần mở rộng sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm cũng như thu nhập ổn định cho người dân.

Kết quả thực hiện các dự án KHCN thuộc chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; giúp khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cụ thể: (1) góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực KHCN trên địa bàn tỉnh thông qua việc triển khai thực hiện các dự án, ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất đã được chuyển giao vào trong thực tiễn, đem lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất. (2) thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng tới việc phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. (3) bước đầu hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương và hướng tới sản xuất xanh, sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. (4)việc triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi đã giúp người dân địa phương được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao hiểu biết về KHCN cho người dân, giúp người dân dần thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần tăng giá trị hiệu quả trên một đơn vị canh tác.

Bài của Th.S. Phạm Văn Mạnh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây