Kết quả đã thu hút được các nhà khoa học tích cực tham gia nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, ĐMST. Các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, an toàn và theo chuỗi giá trị, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hiệu quả thấp sang phương thức sản xuất chuyên nghiệp, an toàn, bền vững và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống, gắn với sản phẩm được chứng nhận VietGAP đã góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Các nhiệm vụ khoa học công nghệ bám sát các chương trình, nghị quyết, đề án và kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra. Từng bước đổi mới theo hướng thiết thực, hướng về cơ sở, có tính khả thi cao và tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn sản xuất, đời sống; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe người dân; tạo vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân; từng bước tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Các Đề tài thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã nghiên cứu phục tráng giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn, khoai sọ Miễu Sơn - Thái Học, dưa chuột gai Hải Dương là những giống có giá trị kinh tế, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại nhưng do người dân tự lưu giữ giống nên theo thời gian đã bị thoái hóa giống làm giảm năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Việc phục tráng giống thành công góp phần ổn định năng suất, chất lượng so với giống truyền thống ban đầu, khẳng định và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tại các địa phương, góp phần bảo tồn, lưu giữ, quản lý, sử dụng và khai thác, phát triển bền vững nguồn gen có giá trị ứng dụng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, các nghiên cứu ứng dụng khoa học đã giúp người dân tiếp cận với một số giống cây đặc sản, có giá trị kinh tế của tỉnh khác thông qua các nghiên cứu thử nghiệm sự thích ứng của giống lúa Séng cù đặc sản của huyện Mường Khương - Lào Cai; các giống hồng ngâm Gia Thanh, Hạc Trì và Lục Yên của Phú Thọ.
Việc lựa chọn các giống cây trồng mới để đưa vào thử nghiệm trong sản xuất đã hướng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, tiếp cận được với thị trường tiêu thụ như sản xuất giống lúa mới Gia Lộc 516 gắn với “gói kỹ thuật canh tác tiên tiến” tại một số vùng chuyên canh lúa của các huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách với năng suất từ 61,5 - 70,3 tạ/ha; sử dụng nguồn giống chuối, hành từ nuôi cấy mô sạch bệnh, có độ đồng nhất cao, khả năng sinh trưởng đồng đều để sản xuất theo hướng an toàn, giá trị hiệu quả kinh tế cao; thử nghiệm sản xuất giống lạc mới L 29 năng suất cao, kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, vụ thu đông năng suất từ 3 - 3,2 tấn/ha, giống ngô đường lai Thái Ngọt số 2 có khả năng thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất khoảng 14 tấn/ha, khả năng chống đổ tốt trong điều kiện mưa bão; nghiên cứu giống nghệ N8 năng suất từ 26 - 30 tấn/ha, chất lượng tốt, chống chịu bệnh thối củ, hàm lượng curcumin cao làm cơ sở đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Thử nghiệm giống dưa chuột VC 09 với ưu điểm thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất từ 42 - 55 tấn/ha, khoai tây KT7 mang gen kháng bệnh mốc sương, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước, năng suất từ 18 - 20 tấn/ha; thử nghiệm xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến theo đặt hàng của doanh nghiệp đối với giống khoai tây Bliss, năng suất 18 - 20 tấn/ha; nghiên cứu gắn phát triển sản xuất lúa lai thơm 6 được chọn tạo trong nước năng suất trung bình 75 tạ/ha, chất lượng cơm gạo tốt và có mùi thơm; lúa Séng cù đặc sản, chất lượng, theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình 52,5 tạ/ha, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đã chú trọng tới việc nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà bằng việc sử dụng một số thảo dược bổ sung vào khẩu phần thức ăn; Thử nghiệm nuôi thương phẩm 2 giống vịt mới SHST 53 và CT 1234 theo hướng an toàn sinh học, 7 - 8 tuần tuổi đạt trên 3,3 kg/con, lãi từ 10 - 18 triệu đồng/1.000 con; mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGap, năng suất đạt trung bình 49,3 - 55,5 tấn/ha/vụ; lợi nhuận mang lại trung bình trên 216 - 311 triệu/ha. Phát triển mô hình nuôi thỏ New Zealand theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm, hình thành Hợp tác xã để kết nối tiêu thụ sản phẩm tại huyện là Tứ Kỳ, Nam Sách, Kim Thành, TP. Hải Dương, TP. Chí Linh, thỏ sinh sản lãi từ 25 - 26 triệu đồng/lứa (6 con/lứa), thỏ thương phẩm 4 tháng nuôi đạt 2,6 kg/con, quy mô 20.000 con/3 đợt nuôi thu lãi khoảng hơn 800 triệu đồng; Phát triển sản xuất thủy sản tại huyện Ninh Giang, Gia Lộc với mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGAP cá thu hoạch từ 0,2 - 0,3 kg/con, năng suất từ 42 - 45 tấn/ha.
Lĩnh vực khoa học y, dược nghiên cứu đánh giá thử nghiệm sự thích nghi của một số cây dược liệu có giá trị như Ké đầu ngựa, Diệp hạ châu đắng, Diệp hạ châu ngọt, Kim tiền thảo; bào chế dung dịch xịt hỗ trợ điều trị tổn thương da từ nano bạc và một số dược liệu như hoàng đằng, hoàng liên, kim ngân hoa, nhọ nồi, nghệ vàng. Xác định được quy trình tối ưu nhất để chẩn đoán xác định Parvovirus B19 và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc bệnh lý thận; nghiên cứu bào chế các sản phẩm dược tác dụng chống oxy hóa để bảo vệ tế bào gan, có hàm lượng các hoạt chất adenosin, cordycepin cao để hỗ trợ hạ đường huyết và tăng cường miễn dịch;….
Lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ nghiên cứu thử nghiệm hệ thống phối trộn, đồng nhất vật liệu rời (xi măng OPC và phụ gia) theo nguyên lý khí động học với công suất 50 tấn/giờ; thử nghiệm kéo dài thời gian bảo quản cà chua sau thu hoạch kéo dài lên đến 30 ngày bằng công nghệ tro phủ sinh học kết hợp với dung dịch hoạt tính góp phần giảm thiểu sự mất giá, ảnh hưởng chất lượng của cà chua khi thu hoạch đồng loạt; xây dựng hệ thống dữ liệu địa chất công trình trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực Khoa học xã hội đánh giá những khó khăn, vướng mắc và rào cản đang gặp phải trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hải Dương làm cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vào năm 2024; đánh giá thực trạng, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp và đã đề xuất một số giải pháp chung, đặc thù góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp của tỉnh; đánh giá thực trạng, tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh làm cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh và đề xuất các giải pháp thu hút FDI trên địa bàn tỉnh vào năm 2024; đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của học sinh phổ thông từ 11 - 18 tuổi trên địa bàn tỉnh và đã đề xuất một số giải pháp về cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách, giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11-18 tuổi trên địa bàn.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bắt đầu thực hiện từ năm 2024 có 29 đề tài thuộc các Lĩnh vực Khoa học nông nghiệp; Lĩnh vực Khoa học y, dược; lĩnh vực Khoa học xã hội; Lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025”.
Các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh và có sức cạnh tranh trên thị trường, chuyển giao cho người dân nhân rộng trong sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, bổ sung vào cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; ứng dụng các tiến bộ, giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống có hiệu quả các loại bệnh hại chính trên cây rau màu, cây ăn quả theo hướng an toàn, ổn định sản xuất, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Nghiên cứu bào chế dung dịch hỗ trợ điều trị viêm mũi xoang từ cây ngũ sắc và một số dược liệu; xây dựng mô hình trồng một số cây dược liệu như Cà gai leo, Dong Riềng Đỏ theo hướng GACP-WHO làm vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hải Dương, định hướng cho người dân trồng, sơ chế dược liệu đáp ứng yêu cầu mới của Bộ Y tế. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần ở học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất mô hình phòng ngừa, can thiệp. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED và công nghệ IoT trong việc kích thích ra quả trái vụ cho cây thanh long; nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đa lượng nhả chậm từ nguồn cơ chất hữu cơ tạo ra từ rác thải sinh hoạt; xây dựng hệ thống thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản tại huyện Tứ Kỳ; nghiên cứu quy trình sản xuất tinh bột giàu tinh bột kháng từ chuối tiêu phục vụ sản xuất thực phẩm; ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát, vận hành cống thủy lợi - hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu; giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo hướng hình thành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ theo hướng số hoá góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như mô hình khởi nghiệp hợp tác xã nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm, du lịch sinh thái bền vững gắn với du lịch trải nghiệm; xây dựng nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển Hải Dương đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp xã tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 - 2030; Đánh giá thực trạng bạo lực gia đình và đề xuất giải pháp phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu thực trạng, đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Những năm tiếp theo, ngành KHCN tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn cao, thiết thực trong sản xuất và đời sống. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, công nghệ tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như IOT smart, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nghiên cứu giải quyết những vấn đề về bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng nông thôn mới, giải quyết ô nhiễm môi trường, khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm và ứng dụng chuyển giao kịp thời các tiến bộ KHCN mới vào sản xuất, đời sống.
Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024