Cá nheo Mỹ là đối tượng nuôi thuỷ sản đã được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnhHải Dương lựa chọn để phát triển nhờ ưu điểm là cá phàm ăn, nhanh lớn và ít bị bệnh, giá trị kinh tế cao. Cá nheo Mỹ chủ yếu được nuôi theo hình thức nuôi lồng bè trên sông, tại các vụng, eo sông nước sâu như khu vực hồ chứa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hồ chứa Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), ven sông Hồng của Hà Nội, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy (Hải Dương)…với số lồng nuôi ước đạt khoảng 1.500 lồng, nhu cầu con giống hàng năm khoảng 7 - 10 triệu con. Tuy nhiên, phong trào nuôi phát triển nhanh và với quy mô lớn nhưng nguồn giống lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên không kiểm soát được xuất xứ, dịch bệnh và chất lượng con giống. Để giải quyết việc cung cấp con giống nay tại tỉnh, đáp ứng được nhu cầu con giống cá nheo Mỹ phục vụ nuôi thương phẩm, Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ (Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương) thực đã hiện Dự án, với sự phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia giống nước ngọt miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản) với mục tiêu của dự án là tiếp nhận thành công các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình sản xuất để chủ động sản xuất giống cá nheo Mỹ góp phần phát triển sản xuất thủy sản địa phương.
Để tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất giống cá nheo Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thuỷ sản Tứ Kỳ đã tổ chức tốt công tác tập huấn kỹ thuật, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, ao nuôi để tiếp nhận đàn cá bố mẹ do Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chuyển giao với số lượng 500 con (trung bình 2 kg/con) đảm bảo các tiêu chí cá bố mẹ hậu bị. Đồng thời, tái sản xuất quần đàn được 500 con cá bố mẹ hậu bị đảm bảo tiêu chí về kiểu hình và trọng lượng thân. Các cán bộ kỹ thuật của Công ty đã tiếp nhận và làm chủ được 6 quy trình công nghệ bao gồm: tái sản xuất quần đàn cá bố mẹ, tuyển chọn đàn và nuôi vỗ cá bố mẹ, chọn cá bố mẹ cho đẻ và kích thích sinh sản, thụ tinh và ấp nở trứng cá ra cá bột, ương cá bột lên cá hương, ương cá hương lên cá giống.
Theo Thạc sỹ Đào Văn Thượng, chủ nhiệm dự án, quy trình sản xuất giống cá nheo Mỹ về cơ bản bắt đầu từ việc lựa chọn cá bố mẹ đạt chuẩn khoẻ mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, ngoại hình đẹp. Sau đó sử dụng thuốc kích thích sinh sản để tiêm cho cá đực, cá cái, tiến hành thu trứng, thu sẹ và thụ tinh. Sau khi thụ tinh, trứng được rửa lại nhiều lần bằng nước sạch, đưa vào ấp trong các bình weis trong thời gian từ 100 - 120 giờ. Khi cá bắt đầu nở thì chuyển trứng vào các khay ấp hoặc thùng xốp, sục khí mạnh để cung cấp đầy đủ dưỡng khí cho phôi phát triển và nở tốt hơn. Sau khi cá nở được 3 - 5 ngày thì tiêu hết noãn hoàng bắt đầu ăn thức ăn ngoài thì tiến hành thu cá bột để mang sang các bể ương hoặc giai ương và ao ương nên cá hương và cá giống.
Với việc áp dụng các quy trình này, đơn vị đã sản xuất được trên 101.000 con giống cá nheo Mỹ, trong đó: Năm 2019 sản xuất được 20.800 con; năm 2020 sản xuất được 80.800 con; kích cỡ cá đạt 300 con/kg và 900 con/kg, đảm bảo tiêu chuẩn cá giống. Không chỉ chủ động sản xuất con giống tại cơ sở trong những năm tiếp theo, Trung tâm cũng đã cải tiến, đưa ra quy trình sản xuất phù hợp nhất cho các cơ sở, trạm, trại với quy mô vừa và nhỏ cùng tham gia sản xuất cung ứng giống cá nheo Mỹ tại địa phương.
Sau 3 năm triển khai, Dự án đã đóng góp quan trọng trong nâng cao kỹ năng, kỹ thuật áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất giống thuỷ sản, đặc biệt là đối tượng cá nheo Mỹ, tạo một cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này. Thành công từ việc làm chủ quy trình nhân giống cá nheo Mỹ bằng phương pháp nhân tạo sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả nhất đối với hộ nuôi thuỷ sản để có thể chủ động về con giống nhằm phát triển trên diện rộng không phải phụ thuộc vào nhập con giống từ Trung Quốc. Ðồng thời, góp phần đưa nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng và hiệu quả cao vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nuôi thủy sản. Đây là cơ sở quan trọng cho Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ (Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương) tiếp nhận kết quả nghiên cứu của Dự án để tiếp tục thực hiện và duy trì, nhân giống cung ứng cho người nuôi thử sản trong và ngoài tỉnh.
Bài của Anh Nguyên
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2021