Phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu giống lúa nếp Quýt Kim Thành

Giống nếp Quýt là giống lúa bản địacủa huyện Kim Thành đãđược bà con nông dân một số xã như Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Cộng Hòa…phát triển sản xuất. Chất lượng tương đương Nếp Cái hoa vàng nhưng có đặc trưng riêng về mùi thơm, độ dẻo và giá trị dinh dưỡng cao, có đặc điểm sinh học nổi trội: cứng cây, khả năng chịu úng, chống đổ tốt, tỷ lệ gạo lật cao.
Phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu giống lúa nếp Quýt Kim Thành

Năm 2004 - 2005 giống đã được các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam lên kế hoạch và thực hiện phục tráng, duy trì với mục đích tạo ra nguồn giống tốt phục vụ sản xuất tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành nhưng chưa đạt được yêu cầu của sản xuất, nhất là về giống lúa nếp Quýt. Đến nay, việc gieo cấy chủ yếu vẫn tự phát, đồng nghĩa với việc tồn tại một số vấn đề cần giải quyết đó là xây dựng bản mô tả tính trạng đặc trưng cho giống nếp Quýt; khắc phục nguy cơ thoái hóa giống, khôi phục tính trạng tốt của giống với độ thuần cao, duy trì phẩm chất hạt, cải thiện một số đặc tính nông học, tăng năng suất; sản phẩm đưa ra thị trường cần phải có dấu hiệu nhận biết “Nếp Quýt Kim Thành”.

Trong 3 năm từ năm 2018 - 2020, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Khảo nghiệm giống (Sở Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện đề tài “nghiên cứu phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu giống lúa nếp Quýt huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương”; nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản xuất hàng hóa; xác định những thuận lợi, khó khăn trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Vật liệu ban đầu được thu thập từ cánh đồng chuyên sản xuất nếp Quýt thuộc xã Cổ Dũng - Kim Thành trên cơ sở căn cứ một số tư liệu, mô tả của người dân địa phương và hướng dẫn của chuyên gia thuộc Trung tâm Khảo nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia đã thực hiện sàng lọc, lựa chọn vật liệu khởi đầu là những cá thể lúa nếp Quýt ưu tú được chọn lọc từ vùng sản xuất vụ mùa năm 2017. Sau đó phục tráng giống, sản xuất thử 3 vụ tại Xí nghiệp Giống cây trồng Kim Thành từ năm 2018 (sản xuất G0, G1, G2),  kết quả:

Năm 2018, sản xuất G0 với diện tích 460 m2.Cây mạ sinh trưởng phát triển tốt, đanh dảnh, không có sâu bệnh hại, lúa sau cấy nhanh hồi xanh. Đánh giá dựa trên sinh trưởng, kiểu lá, mức độ xanh của lá. Đánh giá các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa theo QCVN01- 65:2011/BNNPTNT. Ở giai đoạn này lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, trên đồng ruộng có 2 dạng: Dạng cây sinh trưởng khỏe, thân to, lá xanh trung bình và dạng cây sinh trưởng trung bình, thân nhỏ, lá xanh nhạt.Trong giai đoạn khi bắt đầu đẻ nhánh, tiến hành lựa chọn và loại những cá thể có tính trạng khác giống, còn lại tiếp tục theo dõi 200 cá thể được phân thành 4 nhóm được ký hiệu A = 110 cá thể, B = 30 cá thể, C = 30 cá thể, D = 30 cá thể. Qua đo đếm, quan sát trong phòng phát hiện sai khác với bản dự thảo mô tả tính trạng,..Kết quả, Ban chủ nhiệm đề tài cùng chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật đã xác định được 100 cá thể có những tính trạng, đặc điểm đặc trưng các nhóm như sau.

-Nhóm A: 40 cây có chiều cao trung bình, cứng cây, nhiều dảnh hữu hiệu, lá xanh nhạt, cổ bông trung bình, hạt bầu vàng, mỏ hạt tím nhạt, không râu (hoặc râu ít).

- Nhóm B: 20 cây cao trung bình, cứng cây, nhiều dảnh hữu hiệu, lá xanh nhạt, cổ bông trung bình, hạt bầu vàng, mỏ không tím, không râu (hoặc râu ít).

- Nhóm C: 20 cây cao trung bình, thân mảnh, lá xanh nhạt, cổ bông dài, hạt bầu vàng, mỏ tím đậm, nhiều râu và râu dài.

- Nhóm D: 20 cây cao trung bình, thân mảnh, lá xanh nhạt, cổ bông dài, hạt bầu vàng, mỏ không tím, râu ít hoặc không râu.

04 nhóm cá thể này được lưu giữ để tiếp tục chọn lọc vụ thứ 2: G1

Chọn G­1 hoàn toàn dựa trên bản mô tả sơ bộ điều tra từ người dân, không thấy có sự phát sinh, không có sự điều chỉnh và hoàn thiện bản mô tả.

Năm 2019, sản xuất G1 với diện tích ruộng thí nghiệm là 400 m2.Vật liệu chọn dòng G1 là 100 cá thể G0 được chọn lọc từ vụ mùa 2018 với nhóm A: Cấy 40 dòng, nhóm B: Cấy 20 dòng, nhóm C: Cấy 20 dòng, nhóm D: Cấy 20 dòng.

Kết quả lựa chọn: Năm thứ hai lựa chọn được 11 dòng G1 gồm: 1A, 3A, 4A, 7A, 8A, 11A và 13A, 2B, 5C, 2D và 6D (theo biên bản kiểm định).

Giống nếp Quýt Kim Thành tương đối ổn định về đặc điểm sinh trưởng và đặc điểm hình thái từ cá thể G­0 vụ Mùa 2018 đến dòng G­1 vụ Mùa 2019. Mức độ phân ly trong mỗi dòng G1 cũng không quá lớn, hoàn toàn có thể phân lọc làm thuần được.

Kết quả hoàn thiện bản mô tả: Giữ nguyên và làm rõ 29 tính trạng được mô tả sơ bộ năm 2018, đồng thời bổ sung 32 tính trạng trong bản mô tả sơ bộ: Chi tiết hơn cho một số tính trạng theo dõi theo từng giai đoạn.

Sắc tố: Giai đoạn sinh trưởng thân lá toàn bộ thí nghiệm sinh trưởng tốt, bước đầu phân biệt được màu tím rất rõ (sắc tố antoxian) trên gối lá và bẹ lá ở các dòng G1 thuộc nhóm C. Tại các nhóm khác tính trạng này thể hiện không rõ ràng rất khó phân biệt.

Màu sắc lá: các nhóm không có sự sai khác rõ ràng, nhìn tổng thể đều có lá màu xanh nhạt như mô tả năm 2018. Tuy nhiên trong mỗi nhóm có một số dòng xuất hiện lá màu xanh ở mức trung bình (xanh đậm hơn so với mô tả ban đầu).

Dạng cây: Được chia thành hai dạng chính, thân cứng (nhóm A và B) và thân mảnh (nhóm C và D). Tuy nhiên đều ở dạng cứng cây đa số không bị đổ ngã trong quá trình sinh trưởng. Trong mỗi nhóm cũng được phân thành hai dạng thân trên tuy nhiên vẫn giữ được tính điển hình của nhóm.

Dạng hạt: Hầu hết các dòng trong 4 nhóm đều có dạng hạt tròn bầu căng, vỏ hạt vàng sáng như bản mô tả. Một số dòng có dạng như dạng bầu dẹt, có gân nâu, có vỏ vàng nâu, những dòng này loại - không tiếp tục theo dõi.

Màu mỏ hạt và râu: Duy nhất ở nhóm C đa số các dòng có mỏ hạt màu tím, râu dài màu nâu nhạt- nâu. Các nhóm A, B và D có mỏ hạt tím nhạt đến không thấy màu tím và râu ở mức ít đến không có.

Thời gian sinh trưởng (TGST): Đa số các dòng có TGST dài, 155 - 160 ngày.

Chiều cao cây: Đa số các dòng G1 được đánh giá là cao cây và không đồng đều giữa các nhóm. Chiều cao trung bình của các dòng từ 120 - 130 cm, trong đó các dòng G1 của nhóm B và C có cây cao nhất.

Chiều dài bông: Trong khoảng 20 - 30 cm, trong đó các dòng thuộc nhóm B và C có chiều dài bông dài nhất 23 - 27 cm, nhóm A và nhóm D có dạng bông ngắn hơn 21 - 25cm.

Chiều dài cổ bông: Các dòng G1 đều có cổ bông dài trung bình 7 - 8 cm.

Chiều dài lá đòng: Các dòng G1 đều có dạng lá đòng từ TB đến dài (29 - 35cm)

Chiều rộng lá đòng:Các dòng G1 đều có bản lá trung bình đến rộng (1,43 - 1,74 cm)

Số hạt/bông: Từ 160-210 hạt, trong đó nhóm A có số hạt/bông ít hơn và hạt xếp thưa hơnnhưng số bông nhiều hơn. Năng suất tương đương năm 2018.

Nhóm kỹ thuật đánh giá và chọn được 20 dòng G1 để đăng ký chứng nhận chất lượng. Đa số các dòng được chọn đều ổn định về đặc điểm sinh trưởng và đặc điểm hình thái.

Năm 2020, chọn dòng G2, thực hiện trong vụ mùa 2020. Từ 11 dòng G1 đã được lưu giữ từ vụ mùa 2019, đề tài chọn ra 10 dòng để tiếp tục gieo trồng và chọn G2 (có 01 dòng bị hủy do không đảm bảo tỷ lệ nảy mầm sau khi bảo quản) với diện tích 4.000 m2. Với 10 dòng đặc trưng (G1) được chọn ở vụ thứ hai (2019) đã được kiểm định theo biên bản kiểm định dòng G1 số 1969 SNC ngày 12/11/2019 của Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương.

Kết quả sinh trưởng và phát triển của 10 dòng G1, cho thấy: các dòng chọn được đều có khả năng đẻ nhánh khoẻ, hệ số đẻ khá, ổn định. Chiều cao cây từ 120 - 125 cm (của nhóm A đạt); 126,5cm (của nhóm B đạt). Độ thuần đồng ruộng đồng đều; Chiều dài trục chính bông 24 - 26 cm, thời gian trỗ tập trung và đều trỗ sau cấy 60 - 65 ngày, thời gian sinh trưởng 150 - 158 ngày.

Kết quả kiểm định dòng G2 với tổng diện tích 3.600 m. Số dòng gieo cấy 10 dòng thì có 7 dòng đạt yêu cầu (Biên bản kiểm định G2 số 2014 SNC ngày 09/11/2020 của công ty CP Giống cây trồng Hải Dương), lượng giống thu được là 509 kg đạt chất lượng siêu nguyên chủng.

Từ nghiên cứu củađề tài đã xây dựng được 39 tính trạng, đây là những tính trạng cơ bản dễ nhận biết và dễ thực hiện làm cơ sở để chọn giống, nhân giống tại địa phương và căn cứ thực hiện các thí nghiệm khảo nghiệm giống, công nhận giống.

Hiện nay, giống siêu nguyên chủng đãbàn giao cho Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp Quýt Kim Thành 500 kg theo cam kết để bảo quản và sản xuất nguyên chủng ở vụ mùa 2021. Hiệp hội đã tổ chức sản xuất trêndiện tích đất của Công ty Nam Điền và sản xuất tập trung tại 02 cánh đồng thuộc xã Cổ Dũng (Kim Thành). Giống nếp Quýt được chọn lọc có các đặc tính sinh trưởng cơ bản giống với dạng nếp Quýt được người dân tự để giống như tỷ lệ nảy mầm cao, sớm bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh khỏe, tập trung, thời gian sinh trưởng dài, cây tương đối cao.Mô hình sản xuất bằng giống chọn lọc chi phí cao hơn mô hình sản xuất đại trà của nông dân trên 1,0 triệu đồng/ha. Với giá bán thóc 15.000 đồng/kg, mô hình sản xuất tập trung đã đem lại lãi cao hơn mô hình sản xuất đại trà khoảng 2 triệu đồng/ha. Nhờ sấy kịp thời ngay sau khi phơi bằng công nghệ trục đứng có mức nhiệt phân bố đều, chủ động điều tiết nên thóc được giảm ẩm độ dần đều do vậy tỷ lệ gạo nguyên, tỷ lệ xay xát đều cao hơn thóc phơi trên sân bằng nhiệt mặt trời, tỷ lệ bạc bụng và rạn nứt không đáng kể,... tăng hiệu quả lên 3 - 5%.

Kết quả thực hiệnđề tài “nghiên cứu phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu giống lúa nếp Quýt huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương”đã phục tráng, nhân giống lúa nếp quýt, mở rộng sản xuất, nhận dạng phát triển sản xuất hàng hóa; thành lập Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp Quýt Kim Thành có gần 1.000 hội viên tham gia. Giống lúa nếp quýt đã đượcđăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ và phát triển, vận hành nhãn hiệu theo quy định. Để tiếp tục nhân rộng và trở thành thương hiệu hàng hóa đủ mạnh, đề án tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật 13 lớp cho gần 1.000 lượt người. Thông qua tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học giúp người dân và cán bộ cơ sở nắm được quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản.

Bài của Phùng Thị Tuyền

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2021


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây