Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm đồng Macrobrachium lanchesteri phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương ở 8 hộ tại 3 xã Quảng Nghiệp, Ngọc Kỳ, Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ với diện tích 2 ha thả 10.000 con/200 gram, trung bình 200 con/m2. Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên đồng thời là cơ sở để nghiên cứu sản xuất giống tôm cung cấp đại trà nuôi trên địa bàn huyện, tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm đem lại thu nhập cho người nuôi.
Toàn bộ Tôm đồng giống được Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Thủy sản Xuyên Việt giao tận các hộ nuôi tham gia đề tài, Tôm đồng giống được đóng túi nilon bơm ôxy, bảo quản đúng quy trình và vận chuyển kịp thời xuống các hộ nuôi, khi thả xuống ao tôm an toàn khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, đồng đều về kích cỡ, kích cỡ đảm bảo đúng theo quy định 1 vạn con/200 gram. Mỗi túi được đóng 2 vạn con/túi. Tôm đồng của các mô hình nuôi đều sinh trưởng phát triển tốt. Trọng lượng trung bình của đàn tôm các hộ nuôi tương đối đồng đều.
Đề tài được thực hiện 2 vụ/năm. Vụ 1: NSNN hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống. Vụ 2: Nguồn đối ứng của dân 100%.
Mô hình nuôi thương phẩm Tôm đồng trong ao đất đã sinh trưởng phát triển tốt, tốc độ sinh trưởng tương đối đồng đều. Sau 2,5 - 3 tháng nuôi, vụ nuôi 1: Tôm đồng đạt kích cỡ thương phẩm 4,2 - 5,2 gram/con; tỷ lệ sống đạt được từ 60 - 70%; hệ số thức ăn thấp từ 1,26 - 1,34; sản lượng đạt 16.518,78 kg, năng suất đạt được hơn 8 tấn/ha. Vụ 2: tôm đồng đạt kích cỡ thương phẩm 4 - 4,57 gram/con; tỷ lệ sống đạt được từ 50 - 60%; hệ số thức ăn thấp từ 1,2 - 1,25; sản lượng đạt 10.332 kg; năng suất đạt được hơn 5 tấn/ha. Lợi nhuận trung bình từ ao nuôi Tôm đồng từ 141.011.667 - 164.139.343 đồng/ha. Trong đó, vụ nuôi 1 với mức giá bán buôn từ 100.000-120.000 đồng/kg; thu lợi nhuận trung bình 164.139.343 đồng/ha. Vụ nuôi 2 với mức giá bán buôn từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, thu lợi nhuận trung bình 141.011.667 đồng/ha.
Hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sản lượng tôm thu hoạch, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn, con giống, tiết kiệm các chi phí khác trong quá trình nuôi.
Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, Ban chủ nhiệm đề tài đã kết hợp cùng với các hộ tham gia đề tài chủ động thương thảo với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thủy sản Đức Huy, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh Anh; Công ty Cổ phần Thương mại Đô Lương, HTX Sản xuất và Thương mại Thủy sản Xuyên Việt... tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ 100% tôm đồng thương phẩm cho đề tài; chức năng của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Thủy sản Xuyên Việt cung cấp con giống thủy sản; thu mua, phân phối sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đi các tỉnh lân cận và trong tỉnh. Tổng sản lượng tôm đồng đã được tiêu thụ vụ 1: 14 tấn, vụ nuôi 2: 7,5 tấn được tiêu thụ ở chợ đầu mối tỉnh Hải Dương, TP. Hà Nội, chợ đầu mối TP. Hải Phòng, chợ đầu mối tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận…
Sau khi đề tài kết thúc, mô hình vẫn được bà con tại xã Quảng Nghiệp, Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ và một số hộ tại phường Tân Dân, thị xã Kinh Môn đã áp dụng và nhân rộng. Đặc biệt nên khuyến khích mở rộng mô hình nuôi tôm ở những khu ruộng trũng cấy lúa không hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản, khu nuôi gần kênh mương cấp, thoát nước thuận tiện và có nguồn nước sạch; nằm trong vùng quy hoạch thủy sản. Nguồn nước trong ao nuôi phải đảm bảo các điều kiện sau: pH 7 - 7,8; nhiệt độ 22 - 320C; ôxy 4,6 - 6,8 mg/lít; độ trong 30 - 40 cm; NH3, NH4, H2S nằm trong khoảng thích hợp, không nhiễm chất độc hữu cơ và nước thải công nghiệp, khu vực nuôi tôm đồng không ngập nước vào mùa mưa, chủ động cấp và thoát nước.Nên nuôi đúng vụ để tôm sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, mang lại hiệu quả và năng suất cao cho người nuôi.
Bài của Hải Ninh
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8/2021