Năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã nghiên cứu thực hiện đề tài “Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trí thức tỉnh Hải Dương” nhằm đánhgiá thực trạng năng lực và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của trí thức tỉnh Hải Dương đồng thời đề xuất các giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trí thức tỉnh Hải Dương là một bộ phận không thể thiếu, với đội ngũ trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo sẽ phát huy tốt vai trò động lực của KHCN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh; đồng thời là lực lượng xung kích, đột phá vào KHCN, ĐMST, đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kết quả điều tra cho thấy: Đội ngũ nhân lực KHCN của tỉnh tăng về số lượng và trình độ đào tạo nhưng chất lượng còn chưa tương xứng, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực KHCN quan trọng. Theo kết quả phân tích 90% khách thể nghiên cứu có trình độ từ đại học trở lên, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là trình độ đại học 52,4%; 36,6% trí thức có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương. Số trí thức là Tiến sĩ hoặc tương đương và Phó Giáo sư/Giáo sư rất ít 2,9% và 0,2%. Tính đến ngày 31/12/2018 số cán bộ KH&CN của tỉnh Hải Dương có trình độ trên đại học đang công tác trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh và một số doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học là 2.914 người, trong đó: giáo sư 11 người, phó giáo sư 48 người, tiến sỹ 213 người, thạc sỹ 1.316 người, đại học 1.078 người, cao đẳng và dưới cao đẳng là 307 người. Chiếm tỷ lệ cao nhất là khoa học kỹ thuật và công nghệ 21,3%; tiếp đến là các ngành: khoa học y, dược 15,4%; kinh tế/kinh doanh 14,8%; khoa học xã hội 14,4%. Trí thức học ngành khoa học nhân văn chiếm tỉ lệ thấp nhất 2,3%.
Kết quả đánh giá cho thấy: Có 2/3 trí thức tỉnh Hải Dương tự nhận có hiểu biết kiến thức khoa học chuyên ngành ở mức khá 64,8%. Tỉ lệ này đối với kiến thức về phương pháp nghiên cứu; kiến thức chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý lần lượt là 55,2%; 51,1%; 46,7%. Có trên 70% trí thức tỉnh Hải Dương cho rằng mình dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, dám chịu trách nhiệm. Trí thức say mê công việc với tỷ lệ 23,4% giỏi; 58,5% khá; 17,5% trung bình.
Hiện nay có rất nhiều trí thức Hải Dương không tự tin và kém trong thu hút đầu tư, huy động các loại vốn; chưa đến 5% trí thức có sản phẩm ĐMST trong 5 năm gần đây. Trong 2000 trí thức được hỏi, chỉ có trên dưới 10 người có bằng khen, danh hiệu hay giải thưởng về lĩnh vực KHCN. Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là trí thức có bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, nhưng cũng chưa tới 5%.
Đa số trí thức tỉnh Hải Dương chưa có năng lực rõ ràng về ĐMST. Trong 14 thành phần năng lực thực hành, kỹ năng thì “tổ chức sắp xếp công việc” được nhiều trí thức nhất tự đánh giá ở mức khá 59,7% và mức “giỏi” 12,6%. Tiếp đến là kỹ năng “lập luận logic, hệ thống” với 51,2% đánh giá mức “khá” và 10,6% đánh giá mức “giỏi”; tỉ lệ này ở kỹ năng “nghiên cứu và phát triển” là 53,4% và 9,6%.
Dưới 0,5% tham gia các đề tài/nhiệm vụ/đề án khoa học cấp quốc gia, cấp quốc tế hoặc có sáng chế/phát minh đã được công nhận quyền sở hữu trí tuệ. Một số ít trí thức (1,4%) rất tự tin về năng lực ĐMST của mình. Tỷ lệ trí thức tự tin chiếm 42,5%. Số trí thức thể hiện ý kiến trung lập khá cao 39,3%. Chỉ có 45,2% trí thức trả lời rằng họ có ĐMST tại nơi họ làm việc và 16% có hoạt động ĐMST ngoài công việc ở cơ quan/công sở/doanh nghiệp của mình. Các hoạt động ĐMST tại nơi làm việc được trí thức; đổi mới phương pháp làm việc; cải tiến thủ tục hành chính; đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo án, giáo trình; nghiên cứu chọn tạo, lai tạo các giống lúa và cây ăn quả mới; chế tạo máy móc phù hợp với sản xuất nông nghiệp Việt Nam; đăng ký giúp khách hàng nhiều tiện ích của EVN; xây dựng quy định của trường theo chuẩn ISO 9001:2015; công tác quản lý chống thất thu thoát nước; áp dụng hệ thống cấp nước thông minh, sử dụng vật liệu mới trong sản xuất; cải thiện dây chuyền sản xuất…là hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và ĐMST.
Có tới 45,8% trí thức được hỏi trả lời rằng họ chưa từng làm gì để ĐMST. Trong số 54,2% trí thức đã từng ĐMST ở các mức độ khác nhau thì có 25,5% đã nhận ra nhu cầu cần có cách tiếp cận mới; 25,9% trí thức thay đổi cách tiếp cận hiện có; 31,5% đưa ra cách tiếp cận mới; 8,8% tạo ra khái niệm, mô hình, phương pháp mới và 22,2% trí thức nuôi dưỡng và truyền được cảm hứng sáng tạo cho người khác.
Chỉ có 8,8% trí thức Hải Dương trả lời họ đã đưa ra khái niệm, mô hình, phương pháp, sản phẩm mới. Trong số 54,2% trí thức từng tiến hành ĐMST ở các cấp độ khác nhau thì có 21,2% trí thức tạo ra ý tưởng mới; 11,3% tạo ra quy trình mới; 5,4% tạo ra công nghệ mới; 6,1% tạo ra tri thức mới; 6,5% tạo ra sản phẩm sáng tạo mới và 20,5% tạo ra phương pháp mới.
Hoạt động ĐMST của trí thức Hải Dương chủ yếu chỉ có hiệu quả và tác động trong phạm vi cấp phòng, ban, tổ/nhóm chiếm 30,3% và cấp cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp đang làm việc chiếm 24,4%. Chỉ có 4,7% trí thức có hoạt động đổi mới sáng tạo có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh/bộ/ngành, chủ yếu thể hiện ở việc tham gia các đề tài/dự án/nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh/bộ/ngành. Có tới 45,8% trí thức tỉnh Hải Dương chưa từng ĐMST; 13,1% thậm chí chưa từng nghĩ về việc sẽ ĐMST; 45% trí thức đôi khi có ý tưởng thoáng qua; 30,4% thường xuyên nghĩ tới ĐMST nhưng không khẳng định là tương lai sẽ tiến hành ĐMST bởi tâm lý e dè. Điều khiến trí thức lo lắng nhất là thiếu kiến thức, kĩ năng nghiên cứu, ĐMST 31%, tiếp đến là nỗi lo thiếu vốn 26,6%, 13,6% trí thức thừa nhận tâm lý ngại thay đổi, thiếu ý chí quyết tâm là rào cản lớn nhất nếu họ ĐMST.
Do thực trạng ĐMST trầm lắng và phạm vi ảnh hưởng không rộng như trên nên thu nhập từ ĐMST của trí thức Hải Dương rất ít, 81,3% trí thức trả lời rằng thu nhập từ ĐMST chỉ chiếm dưới 10% so với tổng thu nhập của họ. Chỉ có 0,9% trí thức có thu nhập từ ĐMST chiếm 50 - 70% so với tổng thu nhập. Không có trí thức nào có thu nhập từ ĐMST chiếm trên 70% tổng thu nhập.
Đánh giá chung về năng lực ĐMST của tổ chức nơi làm việc, gần một nửa 47,8% trí thức Hải Dương trả lời rằng tổ chức nơi họ làm việc có năng lực đổi mới sáng tạo tương đối tốt. Nổi bật nhất là tiêu chí “lãnh đạo dám nghĩ, dám làm” được trí thức đánh giá 53,5% tương đối tốt và 16,9% rất tốt. ba năng lực của tổ chức bị đánh giá kém nhất là: khả năng huy động tài chính từ tổ chức tín dụng để ĐMST 21,1% đánh giá rất kém; 23,8% kém; tiếp đến là sự đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của tổ chức 10,2% rất kém; 44,8% kém. 33,2% trí thức đánh giá tổ chức họ làm việc có mối liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học kém.
Năng lực ĐMST của trí thức phụ thuộc vào những yếu tố: tuổi, trình độ học vấn, mức sống gia đình của trí thức; yếu tố liên quan đến tổ chức; các chính sách của Nhà nước để thúc đẩy, hỗ trợ trí thức ĐMST đã được kiểm chứng thông qua các mô hình hồi quy đa biến đối với các nhóm năng lực tri thức, thái độ và kỹ năng. Các biến tác động tỷ lệ thuận tới năng lực ĐMST của trí thức là: tuổi; trình độ học vấn; sự quyết đoán, ý chí quyết tâm của trí thức; lãnh đạo, đồng nghiệp ủng hộ.
Từ những kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá năng lực ĐMSTcủa trí thức. Bộ tiêu chí này được sử dụng để mỗi cá nhân tự đánh giá mức độ năng lực ĐMST của mình để trau dồi, phấn đấu; tổ chức cũng có thể sử dụng để đánh giá năng lực ĐMST của nhân viên mình để sắp xếp phù hợp, đúng năng lực, sở trường công tác.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp đối với thể chế chính sách, đối với tổ chức/doanh nghiệp và đối với trí thức nhằm nâng cao năng lực ĐMST của trí thức tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị đối với Trung ương, với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, với tổ chức/doanh nghiệp và cá nhân trí thức. Đặc biệt đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần quan tâm xây dựng thể chế tạo môi trường cho trí thức ĐMST; có chính sách thỏa đáng để trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhất là đối với trí thức là cán bộ đầu ngành, những người có trình độ chuyên môn - kỹ thuật cao, năng lực ĐMST tốt. Tiếp tục có chính sách đối với những trí thức đã hết tuổi lao động nhưng còn đủ sức khỏe, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt để tiếp tục được cống hiến; các trí thức người Hải Dương có năng lực ĐMST ở tỉnh ngoài và nước ngoài. Củng cố và phát triển các hội trí thức nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức này trong việc tập hợp, đoàn kết, góp phần phát huy năng lực ĐMST. Tăng tỉ lệ đầu tư ngân sách chi cho KHCN theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong ĐMST lấy doanh nghiệp là trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu; đồng thời, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Hải Dương để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ĐMST và hình thành văn hóa ĐMST nhằm khai thác được trí tuệ sáng tạo của trí thức thông qua việc ghi nhận các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo; Khuyến khích, ủng hộ trí thức mạnh dạn ĐMST; bổ sung những người tài, dám nghĩ, dám làm vào ban lãnh đạo (các vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức nhà nước); thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của tổ chức (hoạt động R&D); chủ động ứng dụng công nghệ mới vào việc sản xuất và kinh doanh, tích cực hợp tác nghiên cứu với viện, trường đại học. Cùng với tạo nền tảng để tập hợp năng lực, trí tuệ, thái độ làm việc tích cực, chủ động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận rủi ro, có phẩm chất, nhân cách tốt, trung thực, cởi mở, hợp tác; có lòng yêu nghề, tư duy độc lập, có kỹ năng thực hành, quyết tâm rất cao, kiên trì theo đuổi ý tưởng, có ý chí mạnh mẽ để ĐMST.
Bài của Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ số 4 ra tháng 8 năm 2021