Từ năm 2015 đến nay, tình trạng dưa bị chết đồng loạt, nhất là trên dưa lê ngày càng nghiêm trọng tại các vùng chuyên canh như Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Cẩm Giàng, Kim Thành.... dẫn đến diện tích dưa bị giảm mạnh. Đứng trước thực trạng này, cây dưa, đặc biệt là dưa lê đang có nguy cơ mất hẳn ở nhiều vùng chuyên canh tỉnh ta.
Trước thực trạng đó, trong hai năm 2020 - 2021 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nguyên nhân dưa lê, dưa hấu chết đồng loạt tại các vùng chuyên canh và xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả bệnh hại dưa tại Hải Dương” với quy mô 6 ha tại các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách…nhằm xác định nguyên nhân và hoàn thiện quy trình phòng ngừa và xử lý hiện tượng dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt. Xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để khắc phục và hạn chế tối đa tình trạng dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt tại các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Kết quả điều tra, hiện tượng chết đồng loạt trên cây dưa hấu, dưa lê gây hại nặng bệnh thường phát sinh và gây hại nặng tại các vùng chuyên canh rau - dưa trong nhiều năm không được luân canh với lúa nước, đất thịt nặng, đất thâm canh cao. Vụ xuân hè và hè thu bị hại nặng, vụ thu đông bị ít hơn. Giai đoạn bị nhiễm thường gây hại nặng ở giai đoạn phát triển quả; tuy nhiên, bệnh hại có thể xuất hiện từ giai đoạn cây con gây chết đồng loạt nên nhiều nơi đã phải phá đi để trồng lại do chưa có giống kháng bệnh. Sâu, bệnh - dịch hại phổ biến trên cây dưa hấu và dưa lê gồm: Bọ phấn, bọ trĩ, sâu xanh, bệnh lở cổ rễ, bệnh phấn trắng, sương mai, nứt thân xì mủ, xoăn vàng rụt ngọn và chết cây. Hệ vi sinh vật trong đất canh tác hiện ở mức tương đối thấp, từ nghèo đến trung bình, chứng tỏ đất khá chai cứng và thiếu điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật hoạt động. Các vi sinh vật đối kháng rất nghèo nàn, một số mẫu có bắt gặp vi sinh vật đối kháng nhưng khi đánh giá đối kháng thì khả năng đối kháng thấp hầu hết không có khả năng đối kháng đến đối kháng yếu với các tác nhân gây hại nguy hiểm đối với cây trồng. Các vi sinh vật đối kháng phân lập được không có hiệu quả trong việc ức chế tác nhân gây bệnh.
Các Mẫu đất nghiên cứu có phản ứng từ rất chua đến trung tính kiềm yếu pHH2O dao động từ 3,60 - 7,83. Những nơi có pH từ ít chua đến kiềm yếu từ 4,5 - 8 thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Những nơi độ pH thấp, cần có giải pháp cải tạo để nâng cao độ pH, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển và hút dinh dưỡng. Hàm lượng chất hữu cơ (OM%) trong đất từ rất nghèo đến trung bình Hàm lượng đạm tổng số trong đất ở mức nghèo đến trung bình. Hàm lượng lân dễ tiêu trong đất (Oniani) ở tất cả các mẫu đất nghiên cứu đều ở mức giàu. Hàm lượng kali dễ tiêu trong đất đạt từ mức nghèo đến rất giàu. Để thúc đẩy sự sinh trường phát triển của cây trồng và cải thiện đất canh tác, tại các vùng trồng dưa chuyên canh tỉnh Hải Dương cần được bổ sung thêm nhiều phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để thay thế dần cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhằm cải thiện tính chất đất, pH đất,...tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hệ vi sinh vật hữu ích trong đất phát triển, tiến tới tăng cường chuyển hóa chất hữu cơ tạo dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng.
Kết quả đề tài xác định có 9 tác nhân gây hại trên dưa lê và dưa hấu ở Hải Dương gồm: triệu chứng lá xanh vàng, cây lùn do Poty virus gây ra, triệu chứng lá giòn, biến vàng, mặt lá ghồ ghề, lá xoăn cụp xuống dưới khảm do Begomo virus gây ra, thối gốc rễ nguyên nhân do nấm Sclerotium sp gây ra, thối rễ do nấm Rhizoctonia sp. gây ra, phấn trắng lá nguyên nhân do Erysiphe sp. gây ra, vết bệnh là những chấm nhỏ, không màu hoặc màu xanh nhạt (giả sương mai) do nấm Pseudoperonospora cubensis, đốm lá nguyên nhân do nấm Cercospora carotae, nứt thân xì mủ thân nguyên nhân do Mycosphaerella melonis và đốm lá màu vàng, đen (thán thư) do nấm Colletotrichum lagenarium gây ra và cuối cùng là tuyến trùng nốt sưng do Meloidogyne sp. gây ra ở cả 4 huyện, riêng mẫu nhiễm virus chiếm 49,07%.
Xác định được 18 đối tượng sâu bệnh hại chính ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất cây dưa như bệnh virus, Bọ phấn; bệnh lở cổ rễ, thối gốc, nứt dây xỉ mủ và thán thư. Đã xác định được thành phần đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất cây. Các nhóm vi sinh vật hữu ích bao gồm vi sinh vật cố định nito, phân giải lân và hòa tan kali đều ở mức trung bình; CEC của các mẫu đất nghiên cứu dao động ở mức thấp đến trung bình, đất bị nén…ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng của bộ rễ, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, hấp thu nước và cuối cùng là năng suất cây trồng giảm. Xác định được thành phần dịch hại trong đất, bao gồm Nấm, Vi khuẩn và Tuyến trùng ký sinh thực vật. Nhóm các vi sinh vật đối kháng rất nghèo nàn, một số mẫu có vi sinh vật đối kháng nhưng hầu hết không có khả năng đối kháng đến đối kháng yếu với các tác nhân gây hại nguy hiểm đối với cây trồng. Các vi sinh vật đối kháng phân lập được không có hiệu quả trong việc ức chế tác nhân gây bệnh. Nước tưới và việc sử dụng thuốc trừ cỏ không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng và không phải là nguyên nhân gây hiện tượng dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt.
Tùy theo thời vụ gieo trồng (sớm hay muộn), thời gian sinh trưởng của cây dưa hấu từ khi gieo hạt đến thu hoạch giao động từ 60 đến 78 ngày. Mô hình dưa tại Tứ Kỳ do các hộ nông dân trồng sớm nên đầu vụ thời tiết lạnh, nên thời gian sinh trưởng dài hơn. Thời gian từ ngày lấy phấn đến thu hoạch đều ổn định từ 28 - 30 ngày. Cây dưa lê có thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch khoảng từ 56 - 62 ngày tùy thời vụ. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 15 - 16 ngày. Số quả/cây và trọng lượng quả trung bình giữa các ruộng trong mô hình và các ruộng đối chứng là không sai khác. Chỉ tiêu tổng số cây có quả/sào tại các ruộng đối chứng luôn thấp hơn ruộng trong mô hình (do đối chứng có tỷ lệ dưa chết cao) nên năng suất của các ruộng trong mô hình bao giờ cũng cao hơn đối chứng.
Đề tài xây dựng mô hình trình diễn về quản lý tổng hợp trên dưa hấu, dưa lê tại các vùng chuyên canh tỉnh Hải Dương năm 2021 với 4 mô hình trình diễn với quy mô 20 ha cho hai vụ xuân hè và hè thu tại các vùng chuyên canh có 185 hộ tham gia để khắc phục hiện tượng dưa hấu dưa lê chết đồng loạt, cần áp dụng giải pháp quản lý tổng hợp:
- Biện pháp cải tạo đất trước khi trồng: (vùng chuyên canh) đối với những nơi có thể ngâm nước và với những nơi không ngâm được nước. Không tiếp tục trồng dưa trên những chân đất bị gây hại nặng, không cho thu hoạch hoặc năng suất kém trong mấy năm trở lại đây (tỷ lệ bệnh >50%). Nên luân canh với cây trồng khác họ, cây họ đậu đặc biệt nên luân canh với lúa nước ít nhất 02 năm để giảm bớt nguồn gây bệnh tồn tại trong đất; bón phân hữu cơ để cải tạo đất và bón vôi để cải tạo độ chua của đất.
- Biện pháp xử lý đất làm bầu: Đất làm bầu phải tơi xốp không có mầm bệnh, có thể lấy đất lúa hoặc phù sa ven sông; tiến hành xử lý đất làm bầu bằng chế phẩm Tricoderma (lần 2) với lượng 250 gram/sào.
- Biện pháp thủ công, canh tác: Sử dụng giống lai F1, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, giống khỏe, tỷ lệ nảy mầm cao, sạch sâu bệnh,…(Có rất nhiều giống được gieo trồng tại địa phương như: AD 779, Phú điền, Việt Thái, Hoàn châu, Phù đổng, Siêu nhân, Sunny...; Điều chỉnh thời vụ hợp lý, Vụ Xuân - hè: trồng vào trung tuần tháng 3 để tránh hiện tượng quá nóng hoặc quá lạnh ở giai đoạn ra hoa, đậu quả. Luôn đảm bảo ruộng dưa đủ ẩm, đặc biệt là thời kỳ nuôi quả. Khi dưa nuôi quả không được để thiếu nước. Khi tưới cần lưu ý, lúc ruộng ngấm đủ nước cần tháo ngay không để ngập úng khi mưa lớn. Thực hiện bấm ngọn, tỉa nhánh, để quả vào buổi sáng tránh tạo cơ hội cho mầm mống bệnh xâm nhập qua vết thương; chọn để quả khi trời khô giáo,
- Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên cắt bỏ lá già, lá bệnh, loại bỏ cây, bộ phận bị bệnh... đem đi tiêu hủy để không cho lây sang cây khỏe. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cần dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại đem chôn hoặc phơi khô rồi đốt. Sau khi kết thúc vụ dưa xuân hè, cần tiến hành xử lý đất ngay bằng cách cày đất sâu và phơi đất khoảng 1 tháng trước khi trồng vụ dưa tiếp theo. Luân canh với các cây khác họ không cùng ký chủ sâu, bệnh hại làm gián đoạn nguồn thức ăn của sâu bệnh hại (như cây họ đậu, cây cà rốt, mùi, thì là....). Sử dụng bẫy dính màu vàng, màu xanh bắt và tiêu diệt bọ phấn, bọ trĩ, ruồi đục lá...
- Biện pháp sinh học: Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma (Trico ĐHCT) để quản lý nguồn nấm bệnh trong đất; xử lý 3 lần: Sử dụng thuốc hữu cơ sinh học Amtech 100EW 07 ngày/lần ngay từ đầu vụ hoặc chế phẩm Biobac 3 lần bắt đầu xử lý sau khi trồng khoảng 10 ngày và lần sau cách lần trước 12 ngày để quản lý vi khuẩn gây bệnh trong đất;
- Biện pháp hoá học: Sử dụng thuốc Tuyến trùng B2 hoặc Tervigo để quản lý tuyến trùng, bảo vệ bộ rễ cây con ngay khi đặt cây ra ruộng. Ngoài ra, khi cần thiết phải sử dụng thuốc hóa học thì chọn các loại thuốc nằm trong danh mục thuốc BVTV đăng ký sử dụng ở Việt Nam, có tính chọn lọc, ít độc hại cho con người và môi trường; tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và cần luân phiên các loại thuốc khi sử dụng.
Các biện pháp kỹ thuật khác: Giống, lên luống, chăm sóc, cắt tỉa nhánh,...: thực hiện theo quy trình kỹ thuật của từng giống và theo và kinh nghiệm nông dân.
Qua 2 năm nghiên cứu đề tài đã xác định được nguyên nhân gây hiện tượng dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đó là do việc trồng liên tục dưa nhiều năm và không luân canh với cây trồng khác họ, đặc biệt không luân canh với cây lúa nước; do biện pháp chăm sóc và bón phân không phù hợp và do nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu, bệnh trong thời gian dài dẫn đến một số đối tượng sâu bệnh hại bị kháng thuốc. Chất lượng nước tưới và việc sử dụng thuốc trừ cỏ không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng và không phải là nguyên nhân gây hiện tượng dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt. Đồng thời xây dựng các mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để khắc phục và hạn chế tối đa tình trạng dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt tại các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Bảo Châu