Phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu Di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên

Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa phận TP. Chí Linh (Hải Dương) đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, danh thắng công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được các cấp chính quyền từ Trung ương và địa phương hết sức quan tâm. Tỉnh Hải Dương cũng đã từng bước hoàn thiện không gian kiến trúc, cảnh quan khu di tích làm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ, công năng sử dụng, phục vụ phát triển du lịch, công tác nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu Di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 11.215 ha, trong đó diện tích rừng Dẻ chiếm trên 1000 ha được phân bố chủ yếu tại các xã, phường là Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Bến Tắm, Lê Lợi và Hoàng Tiến (TP. Chí Linh). Hiện trạng nay rừng Dẻ ở đây chủ yếu là Rừng Dẻ tự nhiên thuần loài; Rừng tự nhiên gồm Rừng hỗn giao Dẻ và các loài cây mọc nhanh như Keo, Bạch đàn. Do chưa được quan tâm đúng mức nên hiện nay, phần lớn diện tích rừng Dẻ đã bị suy thoái, cây sinh trưởng kém, sâu bệnh, thảm cây bụi và dây leo dày đặc, tỷ lệ đậu quả ít, hạt nhỏ, bị lép nhiều…

Trong 2 năm 2020 - 2021, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) đã thực hiện Đề tài: Nghiên cứu giải pháp phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu Di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên trên địa bàn thành phố Chí Linh nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ mục tiêu phục hồi, bảo tồn, nâng cao giá trị và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên làm cơ sở khoa học cho phục hồi, bảo tồn, nâng cao giá trị và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên ở TP. Chí Linh. Đồng thời xây dựng mô hình cảnh quan, phục hồi, bảo tồn, nâng cao giá trị và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên ở TP. Chí Linh.

Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy: Diện tích rừng tại khu di tích Côn Sơn hầu hết là diện tích rừng Thông nhựa đã trồng từ lâu đời. Trải qua thời gian dài dưới nhiều sự tác động khác nhau như khai thác, phát luỗng, có sự chăm sóc, trồng bổ sung cây bản địa, trồng phủ xanh bằng các loài Keo, Bạch đàn; ngoài ra còn chịu tác động của cháy rừng, hoạt động du lịch,…đã tạo thành 4 kiểu rừng khác nhau và một phần diện tích là rừng trồng cây bản địa (vườn thực vật).

Mật độ cây gỗ chủ yếu là các loài cây rừng trồng với các loài phổ biến như Thông nhựa, Keo, Bạch đàn. Kiểu rừng trồng Thông nhựa và cây bản địa có mật độ cao từ 1.260 - 1.380 cây/ha. Các cây bản địa được trồng dưới tán có tỷ lệ sống rất thấp, sinh trưởng kém và chưa tham gia được vào cấu trúc tầng cây cao và tầng cây kế cận mặc dù thời gian trồng đã rất lâu 5 - 10 năm. Các loài cây còn sót lại chủ yếu là lim xanh. Kiểu rừng tự nhiên phục hồi xen Thông nhựa rải rác, mật độ dao động 600 - 770 cây/ha. Kiểu rừng trồng Thông nhựa thuần loài xen cây bản địa tái sinh tự nhiên và kiểu rừng trồng Thông nhựa, Keo, Bạch đàn xen cây bản địa tái sinh tự nhiên có mật độ tương đồng, dao động từ 680 - 760 cây/ha. Các cây Thông nhựa, Keo, Bạch đàn đã thoái hóa chất lượng hình thân kém, rỗng ruột và sâu bệnh do đã quá thành thục. Kiểu Rừng trồng cây bản địa (Vườn thực vật) các loài cây đều là cây bản địa nên tỷ lệ sống không cao và dao động từ 440 - 480 cây/ha.

Để đảm bảo chất lượng và yêu cầu của vườn thực, cần thiết phải trồng bổ sung thêm các loài cây bản địa khác và tỉa thưa nhằm loại trừ loài Keo lai với khoảng 400 loài cây bản địa sinh trưởng và phát triển tốt gồm Lim xanh, Gội trắng, Re gừng, Long não, Trúc tiết, Lim xẹt, Dẻ ăn hạt, Giổi ăn hạt, Dẻ đấu nứt, Sến mật, Sừng trâu, Thẩu tấu, Bời lời nhớt, Thằn mát, Mò cau trắng, Sầm bù. Số lượng cây tái sinh dao động mạnh giữa các kiểu rừng, thấp nhất là Kiểu rừng 1 với mật độ dao động từ 8.800 - 10.000 cây/ha và cao nhất là Kiểu rừng trồng cây bản địa với mật độ dao động từ 16.400 - 58.000 cây/ha. Đối với các ô tiêu chuẩn (ÔTC) có sự xuất hiện của loài Dẻ yên thế thì mật độ cây tái sinh tăng mạnh so với các ÔTC khác. Nguyên nhân là do loài Dẻ yên thế là loài cây có khả năng tái sinh tự nhiên rất tốt với hai hình thức là tái sinh hạt và tái sinh chồi.

Đề tài đã xây dựng mô hình cảnh quan, phục hồi rừng di tích khu vực Tam Quan (sau Đền thờ Nguyễn Trãi) với diện tích 0,3 ha tại phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh. Mô hình được trồng phía sau đền thờ Nguyễn Trãi, dọc theo suối Côn Sơn gồm 2 cây Lộc vừng, 150 Lim xanh, Lim xẹt, Muồng hoa vàng, Sao đen đảm bảo đúng kỹ thuật, cự ly, kích thước hố, mật độ và diện tích. Sau 01 năm trồng các loài cây Lộc vừng, Sao đen, Lim xanh và Lim xẹt cho thấy sự thích nghi cao nhất. Các cây bản địa có diện tích 0,3 ha bao quanh đã khép tán trong khi nhu cầu về ánh sáng của các loài cây bản địa ngày càng tăng. Mô hình cảnh quan, phục hồi rừng di tích khu vực đường lên Ngũ Nhạc Linh Từ  với diện tích 1 ha tại phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh. Các loài cây được đem trồng gồm Linh xanh, Lim xẹt, Giổi, Chò chỉ và Thông đều đảm bảo tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh.

Mô hình Rừng Dẻ yên thế tự nhiên và được phân thành 02 kiểu rừng chính gồm Rừng Dẻ yên thế tự nhiên và Rừng Dẻ yên thế tự nhiên xen cây rừng trồng rải rác. Mật độ Dẻ yên thế dao động từ 270 (ÔTC 04) - 510 (ÔTC 01) cây/ha tương ứng với các tỷ lệ từ 45 - 87,93%. Qua phân tích số loài cây trong các lâm phần có sự thay đổi rất lớn từ 4 - 14 loài tùy theo từng địa điểm điều tra. Dẻ có sự dao động rất mạnh với việc chiếm từ 36,64% - 89,36% trong công thức tổ thành. Riêng đối với kiểu rừng yên thế xen cây rừng trồng rải rác có sự xuất hiện của loài cây thông nhựa trong cấu trúc tổ thành (CTTT) với sự dao động từ 11,63 - 61,71%. Độ tàn che của kiểu rừng Dẻ yên thế tự nhiên xen cây gỗ rừng trồng rải rác là 0,5. Độ tàn che của kiểu rừng Dẻ yên thế tự nhiên là 0,7. Số lượng cây tái sinh dao động mạnh giữa các ÔTC, thấp nhất là ÔTC 02 (39 cây) và cao nhất là ÔTC 08 (120 cây). Tỷ lệ số cây Dẻ yên thế tái sinh giữa các ÔTC lại không khác biệt nhiều, trung bình chiếm khoảng 80,44% tổng số lượng cây tái sinh.

Kiểu rừng Dẻ yên thế tự nhiên xen cây rừng trồng rải rác: Số lượng cây tái sinh dao động mạnh giữa các ÔTC, thấp nhất là ÔTC 07 (41 cây) và cao nhất là ÔTC 03 (146 cây). Tương tự, tỷ lệ số cây Dẻ yên thế tái sinh giữa các ÔTC lại có sự khác biệt, thấp nhất vẫn là ÔTC 07 (26,83%) và cao nhất ÔTC 03 (86,99%), tổng số lượng cây tái sinh. Tỷ lệ cây Dẻ yên thế tái sinh trong lâm phần cũng có sự khác biệt lớn giữa hai kiểu rừng và Kiểu rừng Dẻ tự nhiên có tỷ lệ trung bình cao hơn (80,44%). Đa phần các loài đều có chất lượng và giá trị sử dụng không cao. Số lượng loài cây tái sinh dao động từ 6 (ÔTC 01) - 14 (ÔTC 04) loài. Đối với kiểu rừng Dẻ yên thế tự nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất ở ÔTC 01 (8,86). Các loài cây tái sinh khác chưa thể hiện đươc vai trò về mặt tổ thành và chiếm tỷ lệ không cao, nhiều nhất là ÔTC 02 với sự xuất hiện của 6 loài nhưng chỉ đạt tỷ lệ 2,82. Đối với kiểu rừng Dẻ yên thế tự nhiên xe cây rừng trồng rải rác Dẻ yên thế tự nhiên vẫn là loài cây đứng đầu trong công thức tổ thành và chiếm tỷ lệ cao nhất ở ÔTC 03 (8,70). Ngoài Dẻ yên thế, Mật nhân và Sầm bù cũng là 02 19 loài cây tái sinh tương đối mạnh với việc xuất hiện trong CTTT với tỷ lệ 1,62 Sb (ÔTC 06) và 2,43 Mn (ÔTC 07). Các loài cây tái sinh khác chưa thể hiện đươc vai trò về mặt tổ thành và chiếm tỷ lệ không cao, nhiều nhất là ÔTC 04 với sự xuất hiện của 13 loài nhưng chỉ đạt tỷ lệ 3,09.

Sau khi điều tra, phân tính đặc điểm và đánh giá chất lượng, năng suất và khả năng bảo vệ môi trường, nguồn nước trên địa bàn, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện mô hình 3 ha tại Khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm, TP Chí Linh. Đề tài tiến hành các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để vừa đảm bảo nâng cao năng suất cây Dẻ cũng như nâng cao khả năng bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với diện tích có Dẻ trên địa bàn. Đã số hóa bản đồ hiện trạng rừng Dẻ ăn hạt khu vực TP. Chí Linh gồm 05 bản đồ hiện trạng rừng Dẻ tại các xã, phường Bắc An, Hoa Thám, Lê Lợi, Hoàng Tiến và Bến Tắm (TP. Chí Linh). Rừng Dẻ tại TP. Chí Linh với trên 1.000 ha được phân bố tại các xã, phường: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Hoàng Tiến và Lê Lợi (TP. Chí Linh).

Tiến hành tỉa thưa rừng Dẻ theo các mật độ cây từ 500 đến 600 cây Dẻ/ha. Mô hình bảo tồn đã thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp như phát dọn, chặt nuôi dưỡng, bón phân định kỳ cho nên cây dẻ đã sinh trưởng tốt, tán phát triển rộng vì có không gian dinh dưỡng. Hằng năm người dân thu nhặt được từ 62 kg/ha - 250kg/ha hạt, cá biệt đạt có thể đạt 274 kg/ha. Sau khi thực hiện các biện pháp lâm sinh trên diện tích 3 ha thì toàn bộ cây Dẻ trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân nhặt hạt Dẻ trong khu vực mô hình nhận thấy chất lượng hạt Dẻ đã to, đều hơn đạt khoảng 350 - 400 kg/ha, tăng trên 15% so với trước đây do trước khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, chiều cao trung bình rừng Dẻ ăn quả (Hvn) là 8,54 m và 4,11 m, đường kính trung bình cây Dẻ là 20,2 cm. Lớp tán dày chiếm đến trên 50% chiều cao cây làm cho ánh sáng chưa đến được những cành phía dưới để kích thích cho cây Dẻ ra hoa, quả. Việc tác động biện pháp kỹ thuật vào diện tích rừng Dẻ đã tạo điều kiện cho những cây Dẻ được chọn để lại sinh  trưởng, phát triển tốt, tạo ra nguồn hạt Dẻ nhiều, năng suất hơn góp phần vào bảo vệ nguồn nước, môi trường khu vực. So sánh hai cánh rừng được cải tạo, phục hồi và cánh rừng chưa được cải tạo, phục hồi có sự khác biệt rõ rệt. Cây Dẻ có sự sinh trưởng và phát triển rất tốt, hạt Dẻ cho số lượng nhiều hơn, to hơn người dân trong vùng đi nhặt hạt, đem lại thêm thu nhập tốt hơn trước.

Kết quả sau 2 năm thực hiện các giải pháp quản lý bền vững tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu và giải pháp phục hồi, bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn và rừng Dẻ tự nhiên ở TP. Chí Linh với quy mô 15 ô tiêu chuẩn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ mục tiêu bảo tồn và quản lý bền vững rừng dẻ tự nhiên ở TP. Chí Linh với quy mô điều tra 5 tuyến, 9 ô tiêu chuẩn. Xây dựng hệ thống bản đồ hiện trạng, phân bố rừng Dẻ ở 5 xã, phường Lê Lợi, Hoàng Tiến, Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm (TP. Chí Linh). Phục hồi, bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên và cảnh quan rừng khu Di tích Côn Sơn từ khu vực đường vào lên cổng Tam Quan với quy mô 0,3 ha, gồm 2 cây Lộc vừng, 150 cây gồm Lim xanh, 24 Lim xẹt, Muồng hoa vàng; Sao đen. Đến nay cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại và thích nghi với điều kiện tại Chí Linh.

 Mô hình trình diễn cải tạo, phục hồi và nâng cao năng suất rừng Dẻ ăn hạt với diện tích 3 ha đang sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng hạt Dẻ đã to, đều hơn mọi năm trung bình thu nhặt được khoảng từ 350 - 400 kg/ha thuộc khu vực mô hình, việc tác động biện pháp kỹ thuật vào diện tích rừng Dẻ đã tạo điều kiện cho những cây Dẻ được chọn để lại sinh trưởng, phát triển tốt, tạo ra nguồn hạt Dẻ nhiều, năng suất hơn góp phần vào bảo vệ nguồn nước, môi trường khu vực. Việc thực hiện 02 mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả về yếu tố cảnh quan, môi trường và kinh tế góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

 Hải Ninh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây