- Kính thưa đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh
- Kính thưa đồng chí Trần Văn Tùng thứtrưởng Bộ KH&CN
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, nguyên lãnh đạo Sở qua các thời kỳ
- Kính thưa mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tẽo
- Kính thưa các vị đại biểu khách quý TW, Địa phương và các tỉnh bạn
- Thưa toàn thể các đồng chí, đồng nghiệp
Hòa trong không khí chung của cả nước kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên phủ, hướng tới kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và chào đón ngày khoa học công nghệ Việt Nam 18/5, hôm nay được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Sở và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Trong buổi lễ trọng thể này, cho phép tôi được thay mặt lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động SởKH&CNxin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, các qúy vị đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương, các tỉnh bạn, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức đã từng công tác tại Sở và các cơ quan thông tấn, báo chí đã tới dự, đưa tin cho buổi lễ trọng thể này.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Đầu năm 1968, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào thời điểm gay go ác liệt, tỉnh Hải Hưng vừa mới hợp nhất, Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được thành lập. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa phải lo đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, vừa phải lo xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong điều kiện thường xuyên phải sơ tán. Trong giai đoạn này, mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật hết sức khó khăn, đội ngũ nhân lực còn thiếu thốn, nhưng với ý chí quyết tâm, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự đùm bọc, che chở của nhân dân nơi sơ tán, cán bộ, công nhân viên cơ quan đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên giao cho.
Năm 1973, sau Hiệp định Pari được ký kết, cơ quan chuyển về Km2 khu Chợ Mát, bắt đầu xây dựng lại nơi làm việc. Sau đó, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, cơ quan đã có được trụ sởnhàhai tầng tương đối khang trang tại số 21 đường Trần Hưng Đạo là làm việc và nơi để các trang thiết bị và chuẩn đo lường. Đến năm 1980, Ban KHKT được xây dựng thêm hai dẫy nhà cấp 4 tại khu Lăng Đạo làm nơi làm việc chohoạt động Đo lường-Chất lượng và đến tháng 8/1984Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượngđược thành lập tại đây. Tháng 9/1987 Ban Khoa học kỹ thuật và Chi cục TĐC chuyển về làm việc tại số 50 đường Hồng Quang. Có thể nói đến giai đoạn này cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ quan tạm thời ổn định.
Sau khi tái lập tỉnh Hải Dương, chức năng nhiệm vụ được tăng cường, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm cho phép cơ quan được đầu tư tăng cường tiềm lực và phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn. Trong giai đoạn từ 1999 - đến nay, cơ quan đã xây dựng được trụ sở làm việc cho khối Văn phòng Sở, Chi cục cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học như ngày nay. Nhiều thiết bị chuyên dụng, thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác… được đầu tư trang bị tạo môi trường làm việc thuận lợi để công chức, viên chức và người lao động hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Kính thưa toàn thể các đồng chí
Trong 50 năm qua, cùng với mỗi lần thay đổi tên gọi trong từng giai đoạn phát triển, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đã từng bước được bổ sung, đội ngũ nhân lực cũng ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng:
- Giai đoạn 1968-1983, tên gọi của cơ quan là Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Hưng. Khởi điểm lúc thành lập cơ quan chỉ có 06 người, chức năng nhiệm vụ chủ yếu là quản lý đo lường, chất lượng và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật. Sau 8 năm phát triển, biên chế của cơ quan đã tăng lên 24 người. Vị thế của cơ quan dần được khẳng định. Ngoài chức năng nhiệm vụ quản lý khoa học và kỹ thuật ở địa phương, cơ quan đã từng bước triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, bước đầu đưa khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 1977 cơ quan chính thức được phép xuất bản Tờ thông tin khoa học kỹ thuật làm phương tiện phổ biến chính sách, pháp luật và thông tin khoa học và kỹ thuật.
- Giai đoạn 1983-1994, Ban Khoa học và Kỹ thuật được tăng cường nhiệm vụ và đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật. Đến cuối năm 1985 biên chế cơ quan đã phát triển lên 38 người. Lúc này bộ máy tổ chức của cơ quan gồm 3 phòng nghiệp vụ: Hành chính, Tổng hợp - Kế hoạch, Thông tin khoa học kỹ thuật và hai đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ khoa học kỹ thuật.
- Giai đoạn 1994-2003, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Kế thừa sự phát triển của giai đoạn trước, chức năng nhiệm vụ quản lý khoa học và công nghệ trong giai đoạn này đã tương đối ổn định. Ngoài những nhiệm vụ như trước đây, Sở còn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đến cuối năm 1996, trước khi tái lập tỉnh biên chế cơ quan có 57 người. Bộ máy tổ chức gồm 5 phòng nghiệp vụ: Tổng hợp - Hành chính, Quản lý KHCN, Thông tin tư liệu và Sở hữu trí tuệ, Quản lý môi trường, Thanh tra và hai đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lương - Chất lượng và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học. Cho đến khi tái lập tỉnh Hải Dương năm 1997, tên gọi, tổ chức bộ máy của Sở vẫn giữ nguyên như khi còn tỉnh Hải Hưng, biên chế cơ quan còn 42 người.
- Giai đoạn 2003 đến nay, sau khi chức năng quản lý nhà nước về môi trường được điều chuyển sang Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ. Từ đây cơ quan tập trung mọi nỗ lực vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Vị thế, vai trò của cơ quan ngày càng được khẳng định và phát huy.
Bộ máy tổ chức của cơ quan đã được kiện toàn và phát triển. Hiện nay, Sở có 05 phòng chức năng gồm: Văn phòng Sở; Phòng Kế hoạch tài chính; Phòng Quản lý khoa học; Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ; Thanh tra Sở. Có 03 đơn vị trực thuộc gồm: Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học; Trung tâm Thông tin khoa học-công nghệ và Tin học; 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng là Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.
Cùng với sự phát triển về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức và đội ngũ nhân lực, tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng trong cơ quan đã từng bước được quan tâm xây dựng và phát triển. Từ một chi bộ với 03 đảng viên khi mới thành lập, trải qua 50 năm tôi luyện, thử thách và phát triển, đến nay Đảng bộ Sở đã có 67 đảng viên sinh hoạt tại 06 chi bộ. Tổ chức Đảng và đảng viên trong cơ quan luôn phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể lãnh đạo cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi phương diện.
Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội cựu chiến binh cơ quan luôn được coi trọng và tạo mọi điều kiện để phát triển. Trong suốt 50 qua, các tổ chức này luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, là chỗ dựa vững chắc và tin cậy cho lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển trong nửa thế kỷ qua, công chức, viên chức và người lao động của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương rất tự hào về những thành tựu mà các thế hệ nối tiếp nhau đã tạo dựng được. Những thành tựu này đã làm rạng rỡ thêm trang sử hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh nhà, đưa hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng thực sự trở thành một động lực chính trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP của tỉnh. Kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ đã được khẳng định trên nhiều mặt hoạt động đó là:
Về hoạt động tham mưu
Công tác tham mưu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã mang tính chủ động, có chiều sâu và đón bắt được xu hướng, quy luật phát triển. Với vai trò là cơ quan chuyên môn về khoa học công nghệ, Sở đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khoa học và công nghệ một cách có trọng tâm, trọng điểm. Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng làm cơ sở cho việc định hướng và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chương trình thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều văn bản, chính sách pháp luật khác để đưa nhanh Nghị quyết vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội tại địa phương...
Về hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ
Hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng thiết thực, hiệu quả, có tính thực tiễn cao. Hoạt động nghiên cứu trên các lĩnh vực đã góp phần tích cực vào việc giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ bức xúc trong thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong lĩnh vực Khoa học nông nghiệp: đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhân giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng giống tốt cho một số cây dược liệu, giống hoa và một số giống cây trồng khác; khảo nghiệm, sản xuất thử, tuyển chọn giống mới và áp dụng kỹ thuật thâm canh tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp; kết quả nghiên cứu trong này đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung. Nghiên cứu, thử nghiệm lựa chọn các giải pháp về giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh và năng lực của người dân để chuyển giao đưa vào sản xuất đại trà. Sản xuất thử, kết luận và lựa chọn được nhiều giống cây trồng vật nuôi đưa vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cũ từ 7-15%.
Trong lĩnh vực Khoa học, kỹ thuật và công nghệ: đã lựa chọn áp dụng các công nghệ phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh trên thị trường; chuyển giao công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ứng dụng công nghệ giám sát và xử lý môi trường, công nghệ tưới tiêu tiên tiến.
Trong lĩnh vực Khoa học Y, Dược: điều tra cơ bản về cơ cấu bệnh tật và một số bệnh đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh và ứng dụng y học cổ truyền để điều trị các bệnh phổ biến ở địa phương; áp dụng các kỹ thuật tiến bộ về y học trong phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; nghiên cứu sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng từ nguồn dược liệu địa phương.
Khoa học xã hội và nhân văn được quan tâm đầu tư nghiêncứuvề phương thức hoạt động của các cơ quan Đảng, đoàn thể, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước; nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và con người Hải Dương. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khoa học và công nghệ luônđược coi là một trong những giải pháp quan trọng để triển khai, thực hiện.
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ
Công tác quản lý khoa học và công nghệ của tỉnh đã có chuyển biến tích cực và luôn hướng vào phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư cho khoa học và công nghệ hàng năm đã có trọng tâm, trọng điểm. Việc kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo khách quan, chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng mở rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, hạt nhân đã đi vào nề nếp. Đến nay đã có 100% các cơ sở bức xạ được cấp giấy phép hoạt động. Các nguồn bức xạ và phóng xạ đã được theo dõi, quản lý chặt chẽ. Hoạt động quản lý về sở hữu trí tuệ từ những năm 2000 trở lại đây đã phát triển mạnh, hỗ trợ đắc lực cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực canh tranh ... Từ năm 2013-2017 đã tổ chức xét và công nhận cho 446 sáng kiến cấp tỉnh.
Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là hoạt động có tính khởi đầu ngay từ ngày thành lập Ban khoa học, kỹ thuật tỉnh Hải Hưng. Từ một bộ phận Tiêu chuẩn - Chất lượng với hoạt động lấy tuyên truyền, phổ biến và vận động áp dụng tiêu chuẩn là chủ yếu, đến nay hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã trưởng thành về mọi mặt. Nhiều nội dung hoạt động như công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã được duy trì đi vào hoạt động có nề nếp.
Hoạt động thông tin KH&C N luôn được đổi mới và phát triển qua các thời kỳ. Thông tin KH&CN đã thực sự trở thành cầu nối chuyển tải kiến thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn đời sống sản xuất của người dân và các địa phương trong tỉnh. Có thể nói, hoạt động thông tin khoa học và công nghệ đã hoàn thành tốt mục tiêu tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ cho việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN, trong những năm qua công chức, viên chức của Sở đã chủ trì nhiều chương trình, đề án, dự án, đề tài khoa học và công nghệ, góp phần tích cực vào việc giới thiệu văn hóa, lịch sử vùng đất địa linh, nhân kiệt của tỉnh Hải Dương, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong sản xuất công nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan. Nhiều kết quả của các công trình khoa học, công nghệ do Sở chủ trì được cấp trên vinh danh.
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý. Thưa các đồng chí:
Trong nửa Thế kỷ xây dựng và trưởng thành, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của Sở Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụđược giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Mỗi thành công của Sở đều kết tinh sự đoàn kết nhất trí, tinh thần chủ động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và tập thể Lãnh đạo cơ quan. Những kết quả ấy là nền tảng để Sở liên tục được Tỉnh ủy công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh có thành tích tiêu biểu; nhiều lần được UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ khen thưởng, đặc biệt Sở đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba vào các năm 1985, 2000, 2008 và hôm nay lại vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Trong buổi lễ trọng thể này, thay mặt cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, tôi xin trân trọng cám ơn Bộ KH&CN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh qua các thời kỳ đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi và thường xuyên chỉ đạo, động viên để Sở hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Xin trân trọng cám ơn các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện ủy, thị uỷ, thành ủy, HĐND, UBND các huyện , thị, thành phố trong tỉnh; các tổng cục, cục, vụ, viện thuộc Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan, các Viện nghiên cứu, Trường đại học trong và ngoài tỉnh, các Sở KHCN tỉnh bạn đã phối hợp, giúp đỡ Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương trong công tác quản lý, nghiên cứu và ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh.
Tôi xin trân trọng cám ơn các Đ/c nguyên là lãnh đạo, công chức, viên chức của Sở qua các thời kỳ, đã đóng góp nhiều tâm huyết, công sức vào việc xây dựng và phát triển cơ quan, để lại cho thế hệ chúng tôi ngày nay cả một bề dày truyền thống rất đáng tự hào và hãnh diện, cùng một đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được rèn luyện, thử thách trong một môi trường đoàn kết, dân chủ, năng động và sáng tạo, với tinh thần “tất cả vì sự nghiệp KHCN của quê hương”.
Toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Sở Khoa học và Công nghệ xin nguyện phát huy truyền thống cơ quan, phấn đấu vươn lên xứng đáng với sự tin cậy của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và nhân dân trong tỉnh, tích cực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý và toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cám ơn.
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2018