Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Tứ Kỳ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều địa phương, nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân ở huyện Tứ Kỳ thực hiện nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường.
Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Tứ Kỳ

Những bông lúa nếp chín vàng trĩu hạt là minh chứng cho một vụ mùa bội thu của gia đình anh Đặng Quang Ánh ở thôn An Vĩnh, xã Quang Trung (Tứ Kỳ). Được biết, đây là vụ thứ 2 gia đình anh Ánh cấy giống nếp cái hoa vàng. Với diện tích 4 sào, mỗi vụ gia đình anh thu được khoảng từ 6 - 7 tạ thóc. Anh Ánh phấn khởi nói: “Việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và tiêu thụ thuận lợi hơn so với cấy lúa truyền thống”.

Mô hình sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng trong vùng cải tạo hữu cơ của xã Quang Trung (Tứ Kỳ) được triển khai từ vụ đông xuân năm 2023, với diện tích 41 ha, 67 hộ dân tham gia. Đến vụ mùa năm nay, địa phương này tiếp tục mở rộng thêm 25 ha, nâng tổng diện tích mô hình lúa - rươi canh tác theo quy trình hữu cơ lên 66 ha. Toàn bộ quá trình canh tác từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch hoàn toàn không sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà dùng 100% phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ông Nguyễn Việt Dự, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Trung (Tứ Kỳ) cho biết: “Nhờ canh tác lúa theo quy trình hữu cơ, đã tạo điều kiện môi trường sinh thái trong lành, giúp rươi phát triển tốt, lúa cũng bán được giá cao, mang lại “lợi ích kép”, tăng thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích. Năng suất ước đạt 190 - 200 kg/sào".

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh, Tứ Kỳ hiện có 8 vùng khai thác rươi cáy kết hợp sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 367 ha. Với quan điểm sản xuất nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, nông nghiệp “vị nhân sinh” cùng những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Tứ Kỳ xác định đặt mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, bền vững lên hàng đầu. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, huyện luôn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, trong đó đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ cả trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sự lan tỏa trong sản xuất. Điển hình như mô hình nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng hữu cơ kết hợp cho chim ăn cám thảo dược của Hợp tác xã Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát ở xã Bình Lãng; mô hình trồng chuối già Nam Mỹ ở xã Hà Thanh; Công ty BB GreenFood, xã Quang Phục chuyên sơ chế, đóng gói, thương mại sản phẩm nông nghiệp, liên kết cung cấp cám thảo dược và bao tiêu sản phẩm cho 5 trại nuôi 6.000 cặp chim bồ câu bố mẹ trên địa bàn xã Bình Lãng và xã Văn Tố...

Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ rất phù hợp với định hướng chỉ đạo của tỉnh trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tới, đó là tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả của những mô hình này, từ đó khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tập, mở rộng và lan tỏa ra sản xuất”.

  Hằng năm, tổng sản lượng nông sản hữu cơ của Tứ Kỳ đạt khoảng 2.300 tấn, gồm: 1.230 tấn lúa, 200 tấn rươi; cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, xã An Thanh có khoảng 137 ha đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ và là vùng sản xuất đầu tiên của Hải Dương đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Sản lượng rươi của xã cũng lớn nhất tỉnh với khoảng 120 tấn, ngoài ra xã còn thu được 40 tấn cáy và 450 tấn thóc mỗi năm.

Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, Tứ Kỳ sẽ hướng toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp, tất cả vùng chuyên canh, sản xuất rau màu, cây ăn quả, lúa gạo, chăn nuôi… sang sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, tiến tới nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ.

Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Hiện nay, theo chủ trương, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ đã và đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao.Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, từ đó làm tiền đề mở rộng quy mô trên địa bàn huyện nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, quan trọng là nâng cao đời sống và thu nhập cho bà con nông dân”.

Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ của huyện Tứ Kỳ phát triển bền vững, hiệu quả cần sự quan tâm về chính sách và nguồn lực của nhà nước; liên kết phát triển vùng; sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành trong sản xuất, tiêu thụ.

Bài của Trần Yến

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2023


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây