Xã An Thượng (TP. Hải Dương) là địa phương đi đầu trong phát triển giống cà chua hồng ghép trên cây cà tím cho hiệu quả kinh tế cao. Giống cà chua ghép cho năng suất cao, khả năng phát triển, chịu hạn, chịu ngập úng tốt, thời gian sinh trưởng và phát triển của cây ngắn, thời gian cho thu hoạch dài.
Cây cà chua ghép vẫn có tính thời vụ, mỗi năm chỉ ươm trồng một vụ từ tháng 6 đến tháng 10 và cho thu hoạch tới tháng 2 năm sau. Muốn bảo quản kéo dài thời gian ổn định chất lượng cà chua sau thu hái, cần phải tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cà chua trong quá trình bảo quản, nhằm bảo quản được cà chua trong thời gian lâu nhất liên quan đến yếu tố: độ chín cà chua khi thu hái, những biến đổi sinh hóa của cà chua sau thu hoạch, yếu tố vật lý môi trường, yếu tố con người trong quá trình chăm sóc và thu hoạch cà chua. Từ đó ảnh hưởng đến thời hạn bảo quản cà chua sẽ góp phần tìm ra phương pháp bảo quản, kéo dài thời gian lữu trữ cà chua,kéo dài thời gian tiêu thụ cà chua, tránh tình trạng mất giá khi đến thời điểm chính vụ phải thu hoạch cà chua với số lượng lớn.
Các yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình chíncủa cà chualà sự hô hấp, quá trình sinh tổng hợp ethylene và hoạt động của các enzyme chuyển hóa sinh học trong quả. Tốc độ sinh tổng hợp ethylene chính là yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình chín. Từ khi quả xanh già cho đến khi chín khoảng 7 - 10 ngày. Khi quả chín hoàn toàn sẽ có mầu đỏ thẫm nhưng quả còn chắc, cứng, sau đó quả chở nên mềm. Giai đoạn chín của quả cà chua khi thu hoạch là một yếu tố quan trọng quyết định nhiều đặc điểm chất lượng. Cà chua là loại quả có thể được thu hoạch ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình chín, chẳng hạn như giai đoạn chín xanh, nửa chín hoặc chín đỏ.
Cà chua ở xã An Thượng (TP. Hải Dương)sau thu hoạch trong quả cà chua luôn diễn ra các biến đổi sinh hóa như sự thay đổi về màu sắc, cấu trúc quả, hô hấp, khối lượng, bay hơi nước, sinh nhiệt, các biến đổi về hóa sinh như biến đổi thành phần gluxit, biến đổi hợp chất pectin, biến đổi của các hợp chất chứa nitơ, biến đổi vitamin và khoáng chất, biến đổi axit hữu cơ.
Bên cạnh các yếu tố về sinh hóa, thì yếu tố vật lý môi trường như: Kỹ thuật thu hoạchcà chua, dụng cụ, bao bì chứa đựng, thu hái, thời gian thu hái, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng môi trường lưu giữ cà chua cũng có ảnh hưởng lớn đến thời hạn bảo quản cà chua nói chung và cà chua ở xã An Thượng, TP. Hải Dương nói riêng.
Chất lượng của cà chua đạt hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật trồng và chăm sóc cây của con người. Nếu cây cà chua được chăm bón thích hợp thì cà chua sẽ cho năng suất cao, đồng thời chất lượng quả tốt, sau thu hái thời gian bảo quản sẽ được lâu, không nhiễm sâu bệnh. Ảnh hưởng của con người đến cà chua thông qua các thao tác kỹ thuật và các biện pháp xử lý diễn ra trong suốt quá trình trồng, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, phân phối, tiêu thụ. Trong quá trình trồng và chăm sóc, nếu được chăm sóc thích hợp thì cà chua sẽ cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, có nghĩa là quả sau thu hái sẽ có thời gian bảo quản được lâu hơn và khả năng nhiễm bệnh ít hơn. Nếu đeo găng tay vải, móng tay dài, đeo trang sức không đúng cũng sẽ ảnh hưởng đến những tổn thương trong quá trình thu hái.
Sự nhiễm vi sinh vật có thể xảy ra sau thu hoạch khi vận chuyển, hay bảo quản tại nơi lưu trữ. Khi quả bị tổn thương cơ học thì nguy cơ nhiễm vi sinh vật rất cao. Những vết nứt vỡ, trầy xước là nơi xâm nhập của vi sinh vật, dịch bào thoát ra ở những vị trí này sẽ là nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật phát triển. Kết quả phân tích mẫu cà chua ở xã An Thượng, thành phố Hải Dương cho thấy tổng số vi sinh vật hiếu khí đạt tới 2,6 x 103 CFU/gram, tổng số nấm men và nấm mốc đạt tới 9,2 x 102 CFU/gram. Các chỉ số về vi sinh vật này trên cà chua sau thu hoạch khá cao. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho cà chua nhanh hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn.
Qủa cà chuahồng ở xã An Thượng (TP. Hải Dương) là loại có vỏ mỏng, độ cứng nhỏ, rất dễ bị hư hại do các yếu tố bên ngoài và bên trong như yếu tố vật lý,môi trường, yếu tố con người, phương pháp bảo quản, yếu tố sinh hóa. Thời hạn bảo quản và ổn định được chất lượng cà chua chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các yếu tố như: độ chín khi thu hoạch, các biến đổi hóa sinh của quả cà chua khi chín nhưsự biến đổi của các vitamin, hàm lượng đường, hàm lượng axit tổng, nước, biến đổi của hợp chất pectin, gluxit, protit, vi khuẩn hiếu khí, nấm men, nấm mốc, dụng cụ chứa đựng cà chua, nhiệt độ môi trường, độ ẩm và sự thông thoáng gió trong quá trình lưu trữ cà chua sau thu hoạch, phương pháp thu hái cà chua. Ảnh hưởng bởi các yếu tố con người bao gồm thời điểm thu hái, kỹ thuật thu hái của người trồng cà chua. Việc thu hoạch cà chua là một trong các yếu tố làm cho thời hạn bảo quản, lưu giữ cà chua ngắn chỉ khoảng 3 - 4 ngày. Vì vậy, việc tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cà chua sau thu hoạch giúp tìm ra các biện pháp khắc phục hiện tưởng tổn thất sau thu hoạch và bảo quản cà chua được lâu hơn.
Bài của Hoàng Thanh Đức, Nguyễn Văn Mạnh, Lê Lương Thịnh
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2023.