Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các các doanh nghiệp và giải pháp “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” đến năm 2025

Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã để lại những hậu quả chưa từng có và tác động trực tiếp đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cùng cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã được nhiều kết quả tích cực.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các các doanh nghiệp và giải pháp “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” đến năm 2025

Năm 2022, Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” của tỉnh Hải Dương đến năm 2025” nhằm đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp (DN) và đề xuất các giải pháp “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” của tỉnh Hải Dương đến năm 2025.

Bốn lần dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở Việt Nam thì cả bốn lần tỉnh Hải Dương đều có ca dương tính. Đợt dịch bắt đầu từ tháng 8/2020 và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 ở Hải Dương lây lan nhanh, trên diện rộng thực sự là thử thách lớn đối với chính quyền và nhân dân trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội…Đặc biệt trong đợt dịch thứ ba bùng phát, lần đầu tiên các ca bệnh dương tính xuất hiện ở khu công nghiệp với tốc độ lây lan nhanh…Lúc này, tỉnh Hải Dương là một trong những địa phương phải đối mặt với những giai đoạn rất cam go, căng thẳng. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường gây ra những tác động tiêu cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Một số khu công nghiệp xuất hiện hàng loạt ca F0 khiến Hải Dương phải phong tỏa diện rộng trong khoảng thời gian khá dài. Tính đến ngày 29/11/2021 toàn tỉnh có 1.398 ca mắc Covid-19.

Ứng phó với các đợt dịch, tỉnh Hải Dương đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt như: Đẩy mạnh tuyên tuyền để người dân nắm vững các quy định phòng, chống dịch. Thực hiện việc kiểm soát người về từ vùng dịch, kịp thời khai báo, khoanh vùng, truy vết thần tốc để dập dịch; phát huy vai trò của tổ công tác phòng, chống Covid-19 cộng đồng và vai trò của người dân trong phát hiện và phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm việc phong tỏa, giãn cách xã hội và truy vết điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly y tế kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid - 19 nặng theo các cấp độ.

Để thực hiện Đề tài, Ban chủ nhiệm đã tiến hành thu thập thông tin từ ngày 5-20/8/2022 bằng phương pháp điều tra chọn mẫu thông qua việc sử dụng bảng hỏi tự điền trên phiếu giấy. Với 1.500 phiếu khảo sát, trong đó khảo sát 10 doanh nghiệp (DN) nhà nước, đạt tỷ lệ 83,3%; khảo sát 1.256 DN ngoài nhà nước, đạt 16,7%; 234 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt tỷ lệ 67%. Mặc dù số DN thực hiện khảo sát chỉ chiếm 19% số DN đang hoạt động của tỉnh (1.500/7.922 DN) nhưng số lao động của 1.500 DN thực hiện khảo sát lại chiếm 2/3 số lao động trong các DN đang hoạt động của tỉnh (235.963 lao động, chiếm 66,1%). Nguyên nhân là do phương án chọn mẫu khảo sát tập trung chọn các DN có quy mô lớn, nhiều lao động (Tỷ lệ thực hiện khảo sát của DN lớn đạt 81,5%; DN vừa là 52,4%; DN nhỏ là 22,6%; DN siêu nhỏ là 9,3%).

Kết quả cho thấy: Số liệu năm 2021 có tới 70% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực và chỉ có 5,5% nhận thấy có tác động tích cực. Tỷ lệ này cao hơn năm 2020 không đáng kể, cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong 2 năm 2020-2021 ít có sự khác biệt. Năm 2022 chỉ còn 60,8% số DN chịu ảnh hưởng tiêu cực và 13,8 cho rằng có tác động tích cực, ảnh hưởng của dịch đã giảm đi rất nhiều. Các ngành sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm điện tử, dịch vụ lưu trú ăn uống, hành chính hỗ trợ, giáo dục, vui chơi giải trí. Ngành có nhiều DN sụt giảm doanh thu trên 30% đó là giáo dục, lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí…

Qua khảo sát 955/1500 DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy: Giai đoạn 2020-2021 có 31,7 DN thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào và 31,9% DN không bị ảnh hưởng; tỷ lệ này thấp hơn so với cả nước (cả nước là 36,6%). Tỷ lệ thiếu hụt bình quân của DN nhỏ và siêu nhỏ là 31,5% và 28,4% (đều cao hơn mức bình quân là 27,5%). DN càng nhỏ thì việc thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào có phần nghiêm trọng hơn. Các DN có quy mô lớn và DN FDI có tỷ lệ thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào lớn hơn; xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2022 nhưng tỷ lệ đã thấp hơn khá nhiều. Trong năm 2022 tỷ lệ DN trên địa bàn tỉnh thiếu nguyên liệu đầu vào giảm hẳn, chỉ còn 21,2% và tỷ lệ DN không bị ảnh hưởng tăng lên là 43%. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ lệ DN thiếu hụt đầu vào cao nhất khi đạt 44,2%, các ngành dịch vụ khác là 22,4%.

Nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào tăng lên (48,7% số doanh nghiệp thiếu hụt); chi phí vận chuyển, lưu kho tăng (42,9%) và khó khăn trong lưu thông từ thị trường nhập khẩu 41,2%. Số DN thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào nghiêm trọng thiếu trên 50% lại không nhiều, chỉ chiếm 4,6%. Các DN nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc chiếm phần lớn, còn lại từ một số nước châu Á, châu Mỹ, Châu Âu… Mức độ ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của DN theo thị trường nhập khẩu giai đoạn 2020-2021 có tỷ lệ thiếu hụt bình quân là 26,9% từ tất cả các thị trường, đến năm 2022 tỷ lệ thiếu hụt bình quân từ tất cả các thị trường đã giảm còn 19,8%. Năm 2022 các DN thương mại phục hồi tốt hơn. DN có quy mô càng nhỏ thì khả năng tiêu thụ trong nước càng khó khăn hơn, mặc dù mức độ chênh lệch giữa các nhóm không quá lớn.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các DN phải cho NLĐ nghỉ việc không lương, tỷ lệ lao động phải giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và giảm lương. Năm 2020 DN ngoài nước có 21,2% người lao động (NLĐ) tạm nghỉ việc không lương là 5,1%, NLĐ giãn việc/nghỉ việc luân phiên là 10,2%, NLĐ bị giảm lương là 5,8%. DN FDI có 12,3% NLĐ chịu ảnh hưởng. Năm 2021 DN ngoài nước có 20% NLĐ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, DN FDI có 11,4% NLĐ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Sáu tháng đầu năm 2022 DN ngoài nước có 8,2% NLĐ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. DN FDI có 6% NLĐ chịu ảnh hưởng.

Tác động của dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng nhưng các DN vẫn duy trì được lực lượng lao động; tỷ lệ người lao động không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chiếm hơn nhiều lần so với tỷ lệ NLĐ bị ảnh hưởng. Trong đó DN FDI có tỷ lệ NLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh ít hơn so với DN ngoài nước; đến 6 tháng 2022, tỷ lệ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 giảm đáng kể (DN ngoài nước chỉ còn 8,2% DN FDI chỉ còn 6%).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các DN đã đẩy mạnh thương mại điện tử, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho NLĐ, tìm nguồn cung mới cho nguyên liệu đầu vào, tìm thị trường đầu ra ngoài thị trường truyền thống, cung cấp sản phẩm/dịch vụ mới trong giai đoạn dịch bệnh; tăng cường sử dụng Internet, mạng xã hội, các ứng dụng (APP) chuyên biệt hoặc các nền tảng số để ứng phó với dịch Covid-19 trong các hoạt động sản xuất; ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số để bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ…các DN đã áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Giai đoạn 2020-2021: Nhiều DN thực hiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động với 90% DN nhà nước, 32,5% DN ngoài nước, và 40,6% DN tư nhân. Các DN tìm thị trường đầu ngoài thị trường truyền thống; tìm nguồn cung mới cho nguyên liệu đậu vào cũng được nhiều DN lựa chọn. Một số DN đã tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT)…

Trong năm 2022: các DN vẫn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động với 90% DN nhà nước, 35% DN ngoài nước và 45,3% DN tư nhân. Các DN chủ động tìm đầu ra ngoài thị trường truyền thống, tìm nguồn cung cho nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh TMĐT…Việc đẩy mạnh TMĐT cũng là giải pháp được nhiều DN sử dụng theo xu hướng chuyển đổi số và giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi thông tin, kịp thời bổ sung nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu hụt đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra hiệu quả.

Nhóm chính sách thuế, phí, lệ phí cũng được đa số các DN đánh giá cao; tỷ lệ DN đánh giá tích cực đạt 43,5%. Việc miễn giảm phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế đã tác động trực tiếp, giúp DN có thêm nguồn vốn trợ lực đáng kể để nhanh chóng củng cố hoạt động SXKD đã hạn chế tối đa phát sinh thêm chi phí của nhà nước và đảm bảo đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

Kết quả nghiên cứu, đề tài đã khảo sát đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các DN trên địa bàn tỉnh với quy mô 1.500 phiếu DN đang hoạt động SXKD trên địa bàn tỉnh và 30 sở, ban ngành, địa phương về việc tuyên truyền, thực thi và ban hành các văn bản về biện pháp tháo gỡ khó khăn trong SXKD của DN bị ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19. Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương trên các phương diện sau: Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến DN; ứng phó của DN trước dịch; đánh giá về chính sách hỗ trợ DN vượt qua dịch bệnh Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới nhiều khía canh của hoạt động SXKD, từ các yếu tố đầu vào cho tới yếu tố đầu ra đều bị ảnh hưởng rõ nét. Nhiều DN đã chủ động, nỗ lực tìm kiếm và áp dụng nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Các nhóm giải pháp đã được DN thực hiện chủ yếu bao gồm: giải pháp đối với lao động, giải pháp đối với các yếu tố đầu vào, đầu ra cho SXKD, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương đã giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Các chính sách về lao động và BHXH; Chính sách về thuế, phí, lệ phí được cộng đồng DN đánh giá cao vì hỗ trợ rất kịp thời, thủ tục hành chính đơn giản dễ thực hiện. Công đồng DN cũng mong muốn môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện thông qua các giải pháp về cải thiện thủ tục hành chính; minh bạch trong tiếp cận thông tin; hỗ tợ các dịch vụ về tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong hai năm 2020-2021 dịch bệnh Covid-19 đã làm cho tình hình SXKD của DN tỉnh Hải Dương chậm lại, số lượng việc làm và thu nhập của NLĐ giảm, đóng góp vào tăng trưởng GRDP thấp. Tuy nhiên, điều này đã tạo áp lực tích cực trong việc thúc đẩy DN thay đổi tư duy, tăng đầu tư, đổi mới công nghệ, phương thức quản lý và điều hành hoạt động SXKD của DN…, tạo lên tính“thích ứng linh hoạt” của DN trong giai đoạn dịch bệnh. Các DN và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm đưa tỉnh Hải Dương đạt“tăng trưởng bứt phá” thành công.

Bài của Nguyễn Trường Cảnh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 6 năm 2023

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập222
  • Hôm nay45,816
  • Tháng hiện tại1,290,450
  • Tổng lượt truy cập3,995,654
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây