Từ thời tiền sử con người thông qua các loại động vật hoang dã sử dụng cây cỏ, hoa lá… đã xác định và đúc rút kinh nghiệm tính chất, công dụng của một số loài thực vật để phòng bệnh và chữa bệnh. Ở nước ta, đã xuất hiện nhiều danh y nổi tiếng như: Phạm Công Bân, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… đã nghiên cứu, sưu tập những bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian kết hợp với kinh nghiệm trị bệnh của Trung Quốc đã phát hiện, nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc công hiệu, phổ biến cho nhân dân để mọi người có thể tự chữa các bệnh thông thường với cây nhà, lá vườn có sẵn trong tự nhiên.
Tỉnh Hải Dương có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho trồng nhiều loại cây dược liệu phát triển, nhất là ở vùng Chí Linh, Kinh Môn. Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi trồng cây dược liệu còn manh mún, tự phát, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên nhiều loại cây dược liệu quý bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có các giải pháp quản lý, duy trì phát triển.
Thực hiện Chỉ thị số 24 - CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới, từ năm 2014 tỉnh Hải Dương đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện 25% và tuyến xã đạt 40%. Cùng với đó, triển khai công tác quy hoạch bảo tồn, điều tra, đánh giá và phát triển cây thuốc trên địa bàn tỉnh; đồng thời xây dựng một số dự án nhân rộng các mô hình phát triển cây thuốc để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết quả góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, hạn chế việc nhập khẩu dược liệu góp phần hạ giá thành sản phẩm thuốc; đồng thời cũng sẽ góp phần gìn giữ các gen dược liệu quý.
Hải Dương từ lâu đã có vùng Dược Sơn thuộc thành phố Chí Linh được biết đến là một kho dược liệu từ đời nhà Trần, chuyên trồng cây thuốc để chữa bệnh cho quân và dân. Theo thời gian, vườn thuốc này đã mai một. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là phải khảo sát, đánh giá trữ lượng cây thuốc xem còn những cây thuốc gì, những cây thuốc gì cần phải khôi phục và khoanh vùng bảo vệ.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, từ năm 2015 Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài triển khai nghiên cứu các đề tài:
- Đề tài: Nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của cao khô thân cây chuối tiêu (musa paradisiaca.l) ứng dụng trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường typ 2. Kết quả nghiên cứu thành phần hoá học, độc tính của cao toàn phần thân cây chuối tiêuđã đánh giá tác dụng, cơ chế tác dụng hạ glucose máu của cao toàn phần thân cây chuối tiêu trên động vật thực nghiệm và sản xuất thực phẩm chức năng dưới dạng viên nang cứng.
- Đề tài: Nghiên cứu bào chế viên nang cứng có tác dụng hạ huyết áp của phân đoạn từ các loại hòe hoa (Flos Styphnolibii Japonici) được chế biến theo y học cổ truyền. Kết quả đánh giá hàm lượng quercetin, rutin của các phân đoạn của các loại hòe hoa được chế biến và đánh giá tác dụng hạ huyết áp của các phân đoạn của các loại hòe hoa được chế biến theo y học cổ truyền; xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu hòe hoa được lựa chọn.Nghiên cứu bào chế cao định chuẩn từ nguyên liệu tiêu chuẩn để sản xuất viên nang cứng.
- Đề tài: Xây dựng mô hình trồng, sơ chế dược liệu thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.) theo tiêu chuẩn GACP - WHO trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Kết quả xây dựng mô hình sản xuất dược liệu thiên môn đông theo tiêu chuẩn GACP - WHO đảm bảo chất lượng, giá bán cao, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
- Đề tài: Nghiên cứu quy trình chiết xuất dầu béo từ hạt tía tô và sản xuất viên nang mềm hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu. Kết quả khai thác nguồn nguyên liệu tía tô sẵn có để chiết xuất dầu béo từ hạt tía tô và sản xuất viên nang mềm hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hoá lipid máu.
- Đề tài: Nghiên cứu quy trình chiết xuất cao giàu hàm lượng lignans từ diệp hạ châu đắng. Kết quả đã nghiên cứu quy trình chiết xuất cao giàu hàm lượng lignans (≥ 2%) từ Diệp hạ châu đắng có hàm lượng hoạt chất cao hơn các loại cao chiết bằng phương pháp thông thường từ 3 - 5 lần. Trên cơ sở nghiên cứu đã bào chế sản xuất viên nén là thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ cao diệp hạ châu đắng.
- Đề tài: Nghiên cứu sản xuất thuốc “Cao lỏng tiêu viêm HD” tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương. Kết quả đã nghiên cứu sản xuất thuốc “cao lỏng tiêu viêm HD” có tác dụng chống viêm đối với bệnh nhân sau phẫu thuật trĩ, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
- Đề tài: Nghiên cứu sản xuất viên nang cứng hỗ trợ điều trị bệnh GOUT từ cây lá lốt (Piper Lolot.C.DC). Kết quả xây dựng được tiêu chuẩn kiểm nghiệm cho nguyên liệu đầu vào (8 chỉ tiêu: hình thái, vi phẫu, bột dược liệu, độ ẩm, tạp chất, tỷ lệ vụn nát, định tính, định lượng); Nghiên cứu tác dụng hạ acid uric máu và chống viêm của dịch chiết toàn phần và các phân đoạn chiết từ cây Lá lốt trên mô hình thực nghiệm; độc tính cấp và bán trường diễn, thành phần hóa học trong dịch chiết toàn phần cây Lá lốt và tinh dầu Lá lốt từ đó sản xuất viên nang cứng Gout…
- Đề tài: Nghiên cứu bào chế viên nang cứng từ dược liệu tỏi có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan. Kết quả đánh giá chất lượng của các mẫu tỏi làm dược liệu được thu hái trên địa bàn tỉnh và xây dựng phương pháp định lượng polyphenol trong các mẫu nguyên liệu tỏi sản xuất cao đặc tỏi đạt tiêu chuẩn có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan và tính an toàn của cao đặc tỏi.
- Đề tài: Nghiên cứu phát triển sản phẩm hỗ trợ hạ đường huyết và tăng cường miễn dịch từ đông trùng hạ thảo (Cordyceps Militaris) nuôi trồng tại Hải Dương. Kết quảthực hiện nuôi trồng đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris có hàm lượng adenosin ≥ 0,01% và cordycepin ≥ 0,3%; chiết xuất cao đặc đông trùng hạ và bào chế viên nang cứng.
- Đề tài: Nghiên cứu bào chế dung dịch xịt hỗ trợ điều trị tổn thương da từ nano bạc và một số dược liệu trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Kết quả bước đầu đề tài đã xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của 05 dược liệu đầu vào; xây dựng quy trình chiết xuất và tiêu chuẩn cơ sở cao đặc dược liệu sản xuất dung dịch xịt hỗ trợ điều trị tổn thương da từ nano bạc.
- Đề tài: Xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa (Lonicera japonica Thunb.) theo hướng GACP - WHO trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Kết quả xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP - WHO phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh.
- Đề tài: Xây dựng mô hình trồng, sơ chế dược liệu ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L.) theo hướng GACP - WHO tại tỉnh Hải Dương. Kết quả đã xây dựng quy trình trồng ké đầu ngựa đảm bảo năng suất, phục vụ cho sản xuất thuốc.
Để tiếp tục nhân rộng, phát triển vùng trồng cây dược liệusản xuất theo hướng hàng hóa, tạo thành chuỗi giá trị bền vững; cần tiếp tục quan tâm giới thiệu, quảng bá thị trường trong và ngoài tỉnh; gắn với các hoạt động bảo tồn và văn hoá du lịch, phát huy thế mạnh của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, liên kết chặt chẽ với người sản xuất trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, thu hái các loại cây dược liệu quý, hiếm; cùng với nhân rộng các mô hình sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao, mô hình trồng dược liệu gắn với chế biến, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cây dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời quan tâm nghiên cứu khôi phục lại vùng Dược Sơn thuộc thành phố Chí Linh trở thành trung tâm sản xuất và lưu trữ cây dược liệu quý của tỉnh.
Bài của Nguyễn Đình Bộ
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 4 năm 2024