Hải Dương: Mô hình nuôi lợn thịt chất lượng cao từ các tổ hợp lai

Chăn nuôi ở nước ta có vị trí vô cùng quan trọng, cung cấp thực phẩm cho xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu, và nâng cao vị thế ngành nông nghiệp nước ta. Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Hải Dương: Mô hình nuôi lợn thịt chất lượng cao từ các tổ hợp lai

Năm 2015, tổng số đàn lợn của tỉnh là 586.135 con, số đàn lợn nái của tỉnh là 76.364 con. Trong đó, giống lợn Móng Cái và lợn Meishan là các giống lợn có nhiều ưu điểm như khả năng sinh sản cao, bình quân 12-14 con/lứa, khả năng kháng bệnh và chất lượng thịt được người tiêu dùng ưu chuộng. Sử dụng lợn nái Móng Cái và lợn Meishan làm con nái nền trong các tổ hợp lai kinh tế đã được nhiều nơi áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Các giống lợn đực PiDu 25 và PiDu 50 được cho lai với giống lợn Móng Cái, Meishan khai thác được các ưu thế lai, vừa lợi dụng khả năng sinh trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao của các giống cao sản, vừa giữ được những đặc tính quý của các giống bản địa như sinh sản, thích nghi tốt, chất lượng thịt thơm ngon. Hiện nay lợn đực lai PiDu 25 và PiDu 50 đang được nhiều cơ sở giống sử dụng bởi những ưu điểm về khả năng sinh trưởng nhanh cũng như chất lượng thịt tốt.

Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn của tỉnh Hải Dương nói riêng và ngành chăn nuôi lợn nói chung. Cải thiện chất lượng con giống và thức ăn chăn nuôi theo hướng sử dụng nguồn thức ăn sẵn có từ nông nghiệp, chất lượng con giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi tạo ra sản phẩm chăn nuôi không chỉ có năng suất cao mà còn có chất lượng tốt. Sử dụng các dòng lợn thương phẩm có máu lợn nội, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn, tạo đà phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi. Trong hai năm 2015 - 2016 được phép của UBND tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Giống gia súc Hải Dương đã thực hiện đề tài “Xây dựng và phát triển mô hình nuôi lợn thịt chất lượng cao từ các tổ hợp lai giữa nái F1(Yorkshire × Móng Cái), F1(Yorkshire × Meishan) với đực PiDu 25 và PiDu 50 trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Tổng số lợn nái được lựa chọn để thí nghiệm là 50 con nái ở các tổ hợp F1 (YMC), F1 (YMS) tại 2 địa điểm đó là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương và 6 hộ chăn nuôi thuộc thị xã Chí Linh, Hải Dương.

+ Địa điểm 1:Thực hiện tại Công ty TNHH MTV giống gia súc Hải Dương với 20 nái lai, trong đó 07 con giống F1(YMC) và 13 con giống F1( YMS).

+ Địa điểm 2:Thực hiện tại Phường Văn An, thị xã Chí Linh, Hải Dương: 30 con được phân bổ tại các hộ

Kết quả về năng suất sinh sản của lợn nái lai F1 (Yorkshire×Meishan) phối với lợn đực PiDu 25 và PiDu 50 cho thấy: Thời gian mang thai của hai tổ hợp lai PiDu 25 F1× (YMS) vàPiDu 25×F1 (YMS) bằng nhau đều là 115 ngày. Kết quả này là phù hợp và nằm trong khoảng thời gian mang thai chung của loài, thời gian mang thai của lợn dao động từ 110 - 117 ngày, trung bình là 114 ngày.

Số con đẻ ra/ổ và số con còn sống/ổ của tổ hợp nái lai PiDu 25 x F1 (YMS) tương ứng là 12,13 con và 11,50 con, cao hơn so với ở tổ hợp nái lai PiDu 25×F1(YMC) là 11,80 con và 11,40 con. Tuy nhiên sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (P>0,05).

Thức ăn lợn mẹ tiêu tốn từ giai đoạn chửa đến nuôi con của hai tổ hợp lai PiDu 25 × F1 (YMC), PiDu 25×F1 (YMS) lần lượt là 362,94 kg và 378 kg, chênh lệch không đáng kể có thể được giải thích là do thời gian nuôi của nái lai F1 (YMS) × PiDu 25 nuôi ngắn hơn so với F1 (YMS) × PiDu 50.

Thời gian mang thai của tổ hợp lai trung bình PiDu 50 × F1 (YMS) là 115,2 ngày và nái lai PiDu 50 × F1 (YMC) là 114,60 ngày, thời gian mang thai của các giống là tương đương. Sự khác nhau không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Kết quả này là phù hợp với lợn nái và nằm trong khoảng thời gian mang thai chung của loài, thời gian mang thai của lợn dao động từ 110 - 117 ngày, trung bình là 114 ngày. Tổ hợp lai PiDu 50 × F1 (YMS) là 13,25 con, tổ hợp lai PiDu 50 × F1 (YMC) là 11,63 con. Tổng số con đẻ ra của PiDu 50 x F1 (YMS) cao hơn so với tổ hợp lai  PiDu 50 × F1 (YMC) là 1,62 con/ổ, sự chênh lệch này có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Số con còn sống/ổ của nái lai PiDu 50×F1(YMS) trung bình là 12,75 con, tương đương với tỷ lệ sống đạt 96,29%, cao hơn số con còn sống/ổ của nái lai PiDu50× F1(YMC) là 11,13 con với tỷ lệ sống đạt 95,69% khối lượng cai sữa đạt trung bình 6,47 kg/con. Số con để nuôi trên ổ ở tổ hợp nái lai PiDu 50× F1 (YMS) trung bình là 11,25 con và của nái lai PiDu50 ×F1(YMC) là 10,75 con.

Khối lượng giết mổ trung bình của các tổ hợp lai lần lượt là: PiDu 25 × F1 (YMC) là 84,75 kg; tổ hợp lai PiDu25 × F1(YMS) là 92,00 kg; PiDu 50 x F1 (YMC) là 89,67 kg và PiDu 50 x F1(YMS) là 90,75 kg. Khối lượng lúc giết mổ của các tổ hợp lai có máu Meishan cao hơn so với tổ hợp lai có máu Móng Cái. Tỷ lệ móc hàm là chỉ tiêu nói nên tình trạng đặc hay rỗng của lợn khi giết thịt. Tỷ lệ móc hàm và tỷ lệ thịt xẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, tuổi, khối lượng giết mổ, tính biệt, chế độ dinh dưỡng... Nếu tỷ lệ móc hàm cao nghĩa là tỷ lệ sản phẩm thịt của con vật đạt cao, tỷ lệ các phần của đường tiêu hóa thấp. Tỷ lệ móc hàm của tổ hợp lai PiDu 25 × F1 (YMS) là 77,02%, tổ hợp lai PiDu 25 x F1 (YMC) là 77,92%,  PiDu 50 × F1 (YMC) là 80,66% và PiDu 50 x F1 (YMS) là 80,16%. Tổ hợp lai tổ hợp lai PiDu 50 x F1 (YMC) cho tỷ lệ móc hàm cao nhất.

Khả năng sinh trưởng của các tổ hợp lai thí nghiệm tốt và hiệu quả sử dụng thức ăn ở các tổ hợp lai là tương đương nhau. Khối lượng kết thúc nuôi ở tổ hợp lai PiDu 25 × F1 (YMC) trung bình là 84,46 kg/con, PiDu 25 × F1 (YMS) là 86,17 kg/con, PiDu 50 x F1(YMS) là 86,42 kg và tổ hợp lai PiDu 50 x F1 (YMC) đạt 79,48 kg. Với mức tiêu tốn lần lượt là 2,85 kg; 2,91 kg; 3,05 kg và 2,95 kg. Sử dụng tổ hợp lai PiDu 50 x F1 (YMS) cho năng suất sinh trưởng tốt nhất. Các tổ hợp lai của mô hình đều cho chất lượng thịt tốt và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Các tổ hợp lai có thành phần di truyền của lợn đực Pietrain nhiều hơn sẽ cho tỉ lệ nạc cao hơn.

Các quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn được áp dụng tại trang trại của Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương và các hộ chăn nuôi của phường Văn An, thị xã Chí Linh cho kết quả tốt và phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương để sản xuất lợn thương phẩm có chất lượng cao.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và phương thức nuôi dưỡng để xây dựng và phát triển mô hình nuôi lợn thương phẩm chất lượng từ các tổ hợp lợn lai mới nhằm tạo ra sản phẩm thịt lợn chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và vùng phụ cận.

Bài của Ninh Hải - Văn Định

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 năm 2017


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay47,233
  • Tháng hiện tại1,072,437
  • Tổng lượt truy cập3,777,641
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây