Theo người viết, khái niệm đăng ký nhãn hiệu và khái niệm chế độ đăng ký nhãn hiệu mặc dù đều có liên quan đến một nội dung, nhưng phạm vi, tính chất và mức độ đề cập của vấn đề lại có sự khác nhau. Nếu đăng ký nhãn hiệu thiên về nhìn nhận hoạt động đăng ký nhãn hiệu dưới dạng một loại hành vi pháp lý thì chế độ đăng ký nhãn hiệu lại thiên về nhìn nhận hoạt động này dưới dạng một loại chế độ pháp luật mang tính chỉnh thể với mức độ đề cập bao quát và toàn diện hơn. Thông thường khi nhắc đến “đăng ký nhãn hiệu” người ta có thể chỉ hiểu là hành vi đăng ký nhãn hiệu của một chủ thể nào đó nhưng khi nhắc đến “chế độ đăng ký nhãn hiệu” người ta thường nghĩ đến nhiều nội dung khác liên quan như điều kiện, trình tự thủ tục, cách thức đăng ký v.v...
Xuất phát từ sự khác biệt nêu trên, từ nội hàm cần bao quát của khái niệm, chúng ta có thể hiểu chế độ đăng ký nhãn hiệu là chế độ pháp luật mà theo đó người sử dụng nhãn hiệu để được nhà nước công nhận và bảo hộ quyền nhãn hiệu thì họ cần phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục nhất định, đem nhãn hiệu mình đã sử dụng, đang sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Với cách hiểu như vậy thì chế độ đăng ký nhãn hiệu có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, chế độ đăng ký nhãn hiệu là một chế độ mang tính pháp lý. Chế độ này được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình đăng ký nhãn hiệu mà pháp luật sở hữu trí tuệ quy định. Nói cách khác, chế độ đăng ký nhãn hiệu nó xác định khuôn khổ, hành lang pháp lý cho các chủ thể trong hoạt động đăng ký nhãn hiệu, thông qua đó để đảm bảo trật tự, tính công bằng pháp luật của hoạt động đăng ký nhãn hiệu.
Thứ hai, chủ thể trong chế độ đăng ký nhãn hiệu rất phong phú. Trong đó chủ thể cơ bản tham gia vào quá trình đăng ký nhãn hiệu có người đăng ký nhãn hiệu và cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhãn hiệu. Đây là hai loại chủ thể không thể thiếu trong quá trình đăng ký. Ngoài hai loại chủ thể trên, tùy theo từng giai đoạn, từng trường hợp nhất định, chủ thể tham gia vào hoạt động đăng ký nhãn hiệu còn có thể là người có quyền và lợi ích, người có ý kiến về hành vi đăng ký nhãn hiệu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các bất đồng trong quá trình đăng ký nhãn hiệu. Sự tham gia của các chủ thể này vừa có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi của chính người liên quan, vừa có ý nghĩa đối với việc bảo đảm pháp chế trong hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Thứ ba, đối tượng nhãn hiệu xin đăng ký có thể tồn tại ở trạng thái đã sử dụng, đang sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do chế độ đăng ký nhãn hiệu của nước ta thực hiện theo nguyên tắc nộp đơn trước (first to file) nên đối tượng nhãn hiệu xin đăng ký không bị ràng buộc bởi việc sử dụng hay chưa sử dụng.
Thứ tư, mục tiêu các chủ thể hướng tới trong chế độ đăng ký nhãn hiệu là khác nhau nhưng đều có liên quan chặt chẽ với quyền nhãn hiệu. Nếu mục tiêu hướng tới của người đăng ký nhãn hiệu là được nhà nước công nhận và bảo hộ quyền nhãn hiệu thì mục tiêu của cơ quan đăng ký nhãn hiệu lại hướng vào việc trao quyền nhãn hiệu được chính xác, có cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm trật tự pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về nhãn hiệu và bảo vệ lợi ích chung của xã hội…
Thứ năm, chế độ đăng ký nhãn hiệu mang tính chất là một trình tự, thủ tục pháp lý cần thiết và bắt buộc trong việc xác lập quyền nhãn hiệu. Khác với phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu (first to use) mà Mỹ áp dụng, phương thức đăng ký giành được quyền nhãn hiệu phải thông qua con đường đăng ký để xem xét trao quyền nhãn hiệu. Do đó, chế độ đăng ký nhãn hiệu chính là cách thức, là thủ tục cần thiết để thực hiện công việc này.
Chế độ đăng ký nhãn hiệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh cũng như đối với cơ quan quản lý nhà nước và cả xã hội. Ý nghĩa này được thể hiện như sau:
- Chế độ đăng ký nhãn hiệu là con đường chủ yếu để người đăng ký đạt được sự công nhận và bảo hộ của nhà nước đối với quyền nhãn hiệu của mình. Thông qua chế độ đăng ký nhãn hiệu nhà nước đã thiết lập một cơ chế công khai, minh bạch để xem xét, công nhận và trao quyền nhãn hiệu cho những chủ thể có nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ mà nhà nước quy định. Nói cách khác, đăng ký nhãn hiệu là cách thức hợp pháp để đạt được quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mà mình sử dụng.
- Trong chế độ đăng ký nhãn hiệu, quyền nhãn hiệu của người sản xuất kinh doanh được xác lập và bảo hộ trên cơ sở hành vi đăng ký. Cho nên các chủ thể này chỉ cần sớm thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ khi bắt đầu tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh là họ sớm có thể tạo ra cho mình một sự bảo đảm pháp lý trong suốt quá trình gây dựng uy tín thương hiệu sau này. Hơn nữa, với chế độ đăng ký nhãn hiệu người sản xuất kinh doanh đã nắm trong tay một chứng cứ ban đầu có giá trị cho việc bảo hộ quyền nhãn hiệu, từ đó họ có thể đạt được quyền nhãn hiệu ngày càng ổn định, với trình độ bảo hộ ngày càng cao. Nhãn hiệu được biết đến không chỉ là một dấu hiệu để phân biệt nguồn gốc hàng hóa dịch vụ, một phương tiện để chuyển tải thông tin của nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ, mà còn là một tài sản có giá trị, thậm chí còn lớn hơn cả giá trị hữu hình của doanh nghiệp. Để có được một tài sản vô hình có giá trị cao như vậy kết tinh trong nhãn hiệu, doanh nghiệp đã phải hao tổn biết bao thời gian, công sức, tiền của đầu tư vào đó. Nhưng quá trình tạo dựng uy tín cho nhãn hiệu có thể gặp phải những rủi ro nhất định nếu thiếu đi một cơ chế hữu hiệu để mang lại sự an toàn và niềm tin cho người sản xuất kinh doanh. Cho nên, về phương diện này chế độ đăng ký nhãn hiệu đã tạo ra một cơ chế có tính an toàn, chắc chắn hơn ngay từ giai đoạn đầu trong việc bảo vệ quyền lợi và các thành quả đầu tư của doanh nghiệp.
- Chế độ đăng ký nhãn hiệu cũng mang đến cho người đã đăng ký nhãn hiệu những lợi thế nhất định khi tham gia đăng ký nhãn hiệu quốc tế. Trong công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và trong pháp luật nhãn hiệu của các nước đều thừa nhận và xác lập quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, người đã đăng ký nhãn hiệu trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lần thứ nhất tại nước mình, lại xin đăng ký nhãn hiệu này cho hàng hóa tương đồng tại nước ngoài (hoặc ngược lại), thì có thể dựa trên hiệp nghị ký kết giữa nước mình và nước ngoài đó hoặc điều ước quốc tế mà hai nước cùng tham gia, hoặc dựa theo nguyên tắc thừa nhận lẫn nhau về quyền ưu tiên để hưởng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu. Khi đó ngày ưu tiên sẽ được xác định trên cơ sở ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lần đầu.
- Chế độ đăng ký nhãn hiệu còn có lợi cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về nhãn hiệu, duy trì trật tự thị trường, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như lợi ích chung của xã hội. Trong chế độ đăng ký nhãn hiệu, người sở hữu nhãn hiệu không được tự ý thay đổi nhãn hiệu đã đăng ký, không thể tùy ý đem nhãn hiệu này dùng cho những sản phẩm/dịch vụ nằm ngoài phạm vi bảo hộ, đồng thời họ cũng không thể tùy tiện xử lý nhãn hiệu của mình. Khi muốn thay đổi nhãn hiệu hay phạm vi danh mục sản phẩm/dịch vụ đã đăng ký, họ phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được cơ quan này thẩm định, cho phép thì mới có giá trị bảo hộ. Như vậy, thông qua cơ chế đăng ký, nhà nước không chỉ nắm bắt được hiện trạng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ của người sản xuất kinh doanh mà còn có thể cập nhật được những biến động liên quan đến các nhãn hiệu đã bảo hộ để phục vụ cho công tác quản lý của mình. Đồng thời, với cơ chế đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế được những biến động tự phát, tùy ý trong quá trình sử dụng nhãn hiệu, mang đến cho nhãn hiệu một trạng thái ổn định tương đối, có lợi cho việc phát huy giá trị của nhãn hiệu, nâng cao tính bảo đảm và niềm tin với người tiêu dùng, từ đó góp phần tích cực vào việc ổn định trật tự thị trường.
Nói tóm lại, chế độ đăng ký nhãn hiệu là một chế độ mang tính pháp lý, nó tạo cơ sở và hành lang pháp lý công bằng cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về đăng ký nhãn hiệu. Chế độ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các chủ thể tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn có ý nghĩa tích cực về phương diện quản lý nhà nước./.
Bài của TS. Lê Lương Thịnh - Trưởng phòng Quản lý khoa học
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2017