Do lúa chiêm xuân thu hoạch sớm hơn 3 - 5 ngày so với trung bình nhiều năm (TBNN) nên vụ mùa 2017 gieo cấy thuận lợi, thời gian bắt đầu gieo cấy từ 15/6 đến ngày 20/7/2017 kết thúc gieo cấy, sớm hơn so với cùng kỳ năm trước (CKNT) khoảng 5 - 7 ngày. Trong đó, trà mùa sớm gieo cấy tập trung từ ngày 20/6 - 25/6/2017, trà mùa trung gieo cấy tập trung từ ngày 25/6 - 5/7/2017, trà mùa muộn gieo cấy từ ngày 10/7 - 20/7/2017. Diện tích trà mùa sớm 11.208 ha, chiếm 19,1%, tăng 2,1% so CKNT, trà mùa trung 44.517,3 ha, chiếm75,7%, giảm 2,4%, trà mùa muộn 3.057,7ha, chủ yếu gieo cấy các giống nếp đặc sản nếp Cái Hoa Vàng, nếp Xoắn chiếm 5,2% tăng 0,4%. Diện tích lúa chất lượng đạt 40.401,2 ha, chiếm 68,46% diện tích gieo cấy, tăng 2.037,4 ha so vụ mùa 2016. Diện tích lúa lai 1.719,9 ha, bằng 2,93% diện tích, thấp hơn CKNT 58,8 ha. Diện tích cấy mạ dược chiếm 30,4%, thấp hơn so với vụ mùa năm trước 0,4%; diện tích cấy mạ sân 41,8%, cao hơn 2,7% CKNT; diện tích gieo vãi chiếm 26,4%, giảm 3% so với CKNT; diện tích cấy máy 1,7%, tăng 0,7% CKNT. Nhiều giống lúa tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất như Kim Cương 111, ADI 168, ADI 28,TL12,… cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt.Mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy và thu hoạch bằng máyđạt năng suất tăng cao hơn lúa cấy thủ công từ 5-8%, hiệu quả kinh tế tăng từ 30,1 - 38,4%.Cũng trong vụ mùa năm 2017 khâu làm đất bằng máyđã chiếmtrên 95%, gặt lúa bằng máy trên 85% tăng 15% so với vụ mùa năm 2016, diện tích cấy máy 981 ha, tăng 419,2 ha so với vụ mùa2016. Cơ giới hóa đã giúp giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giải quyết lao động thiếu hụt do thời vụ và chuyển dịch sang làm công nghiệp, dịch vụ cho thu nhập cao hơn. Mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa, rau màu với quy mô tập trung từ 5 ha trở nên/hộ với diện tích 265 ha/22 hộ, là những mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch, sản xuất hàng hóa tập trung, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập sản xuất.
Vậy nguyên nhân vì sao tỉnh Hải Dương bị mất mùa nặng năm 2017?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lúa của tỉnh Hải Dương bị mất mùa. Thời tiết và sâu bệnh vụ mùa thường khắc nghiệt, diễn biến phức tạp.Đầu vụ thời tiết thuận lợi, liên tục có nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, từ giai đoạn làm đòng đến hết vụ liên tục bị ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu bão nên sâu bệnh phát sinh gây hại nặng. Bệnh bạc lá xuất hiện từ trung tuần tháng 8, sớm hơn so trung bình nhiều năm và có diễn biến phức tạp làm cho nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng. Bệnhvàng lụi, lùn sọc đen phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa bắt đầu phân hóa đòng với tốc độ lây lan nhanh. Toàn tỉnh bị 1.742,2 ha nhiễm bệnhvàng lụi, lùn sọc đen, trong đó 679,9 ha thiệt hại trên 70%; 1038,85 ha thiệt hại từ 30 - 70%, tập trung tại huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Chí Linh, các huyện, thành phố còn lại bị thiệt hại nhẹ hơn.
Giai đoạn thu hoạch thời tiết diễn biến phức tạp, liên tục mưa dông cùng với hoàn lưu của bão số 10, đặc biệt đợt mưa lớn từ ngày 9 đến ngày 13/10/2017 đã làm 3843,69 ha lúa mùa đang trong giai đoạn chính bị bị ngập. Trong đó, 668,86 ha bị thiệt hại trên 70%; 3.174,83 ha thiệt hại từ 30 - 70%, đã làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa mùa năm 2017. Do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, theo dự kiến của các địa phương trong tỉnh, năng suất lúa mùa 2017 bình quân chỉ đạt 49,13 tạ/ha, thấp hơn 6,92 tạ/ha so với vụ mùa 2016 (56,05 tạ/ha) đã lấy đi của tỉnh Hải Dương hàng chục nghìn tấn thóc và là vụ có năng suất thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Huyện đạt năng suất cao nhất là Nam Sách 52 tạ/ha, Kinh Môn 54,34 tạ/ha, Cẩm Giàng 50,5 tạ/ha; thấp nhất là thị xã Chí Linh 44,91 tạ/ha.
Để có cơ chế hỗ trợ thiệt hại, bù đắp một phần cho nông dân ngày 12/10, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3122/QĐ-UBND ngày 12/10/2017 về việc công bố dịch bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúa mùa năm 2017 tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà và Chí Linh. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có công văn số 1857 đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ gần 250 tấn giống để nông dân khôi phục sản xuất do bão số 10 và mưa lớn từ ngày 09 - 13/10, trong đó có 244,8 tấn giống lúa và 3,5 tấn giống ngô.
Bài của Phạm Ninh Hải
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2017