Kỷ niệm 90 năm Ngành Tuyên giáo

Cách đây 90 năm, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”. Tài liệu này khi được phát hành đã có sức cổ vũ to lớn đối với nhân dân Việt Nam, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Kỷ niệm 90 năm Ngành Tuyên giáo

Từ đó, trải qua thực tiễn nhiều thập niên lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và nhân dân ta càng nhận rõ tầm quan trọng và vai trò, đi đầu của công tác tuyên giáo - một nhiệm vụ gồm các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục…luôn tác động đến tư tưởng, tình cảm, trí tuệ…của con người. Bởi nhiều nhà kinh điển đã khẳng định “Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chỉ dẫn công tác tư tưởng là quan trọng nhất, phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng lợi, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa hoàn toàn thất bại. Người nhắc phải kiên quyết chống thói xem nhẹ tư tưởng và quan trọng là thực hiện tuyên truyền phải làm cho “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy, cán bộ để có một đội ngũ làm công tác tuyên giáo đạt yêu cầu “vừa hồng vừa chuyên”. Đảng đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp thực hiện nhiệm vụ trên. Đơn cử, tại Nghị quyết 16-NQTW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ngày 01/8/2007 về “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, đã nhấn mạnh: Công tác tư tưởng của Đảng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí với tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực…

Ở tỉnh ta, nhờ coi trọng công tác tuyên giáo mà trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, có những thời kỳ đầy khó khăn, ác liệt, thách thức như hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng, phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, đảng bộ và nhân dân ta đã xây dựng được một hệ thống chính trị vững mạnh, biến sự đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng thành lực lượng vật chất to lớn, vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.

Trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, từ những năm 60 của thế kỷ trước đã tỉnh Hải Dương đã thành lập Hội phổ biến khoa học kỹ thuật tỉnh. Hoạt động của Hội ngày đó tuy còn hạn chế, nhưng đã phục vụ thiết thực cho thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng và văn hóa, trong đó khoa học - kỹ thuật là then chốt. Bước sang thời kỳ xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tổ chức và đội ngũ những người làm khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, nhất là từ khi thế giới tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Đội ngũ trí thức khoa học trong tỉnh  đang  sát cánh, đồng hành cùng các ngành kinh tế - xã hội, ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…phấn đấu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, giàu mạnh, văn minh trong thập niên tới./.

Bài của Thế Nguyễn 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 8/2020


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây