Theo những văn bia còn lưu giữ thì trước kia dân cư thưa thớt, lau cỏ mọc đầy bãi sông Thái Bình, chim sếu về sống từng bầy, cho nên mới có tên nôm làng Sếu, chùa làng vì thế cũng gọi là chùa Sếu. Tương truyền, làng Sếu lúc đầu chỉ có một miếu nhỏ gọi là “Đống Cao địa kỳ” để tế lễ trời đất. Năm Giáp Thìn (1304) trong một chuyến du hóa qua trấn Hải Dương, Sơ tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông đã dừng chân ở đây. Thấy thế đất “Huỳnh quy vọng nguyệt, phượng vũ lân triều” (rùa vàng ngắm trăng, phượng múa lân chầu) ngài đã khuyến hóa dân “cải từ vi tự” (chuyển miếu thành chùa). Nghe lời, các vị kỳ mục của ba làng Khuê Liễu, Thanh Liễu, Liễu Tràng đã chung sức xây lại miếu thành ngôi chùa với ba gian tiền tế và hậu cung thờ Phật. Từ đó có Đống Cao linh tự. Xưa kia mỗi khi Thiền sư Như Cảm niệm Phật, chim Sếu cùng nhiều loài chim lạ từng đàn bay về triều tổ, đồng họa Thánh ca Lăng tần già với tiếng chuông nhịp mõ như cảnh giới Thập Phương cực lạc được miêu tả trong Kinh A-di-đà, nhân dân cũng gọi Thiền sư với cái tên thân kính là Tổ Sếu…Thiền sư Như Cảm hóa thân ngày 17/2 năm Ất Mão (1735). Ngày Hóa nhật của Thiền sư cũng là Ngày lễ hội truyền thống của nhân dân trong vùng.
Đến nay ngôi chùa đã gần 700 tuổi do chính Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ thế kỷ XIII khi hạ sơn và về Trấn Hải Dương. Từ khi khởi lập đến nay đã có 10 đời các bậc cao tăng về đây hoằng đạo và đã trở thành một chốn tổ đình ảnh hưởng của dòng Thiền Trúc Lâm, một biệt phái Thiền tông Việt Nam.Chùa chính tọa lạc trên gò đống hình Hoàng quy vọng nguyệt; Phượng múa long triều; nhìn về hướng Đông - Nam, với tổng diện tích khuôn viên chùa trên 1 ha. Phía trước chùa là Liên Trì (ao sen), xung quanh chùa xưa kia được bao bằng những luỹ tre xanh biếc. Nay được thay thế bằng những bức tường thành xây trang nhã. Vì vậy, chùa Đống Cao từ xa xưa đã là chốn tổ đình gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…
Từ năm 2003, Hòa thượng Thích Minh Luân viên tịch,Thượng tọa Thích Thanh Vân kế nhiệm. Với vai trò là trụ trì chùa Đống Cao, Thượng tọa Thích Thanh Vân đã tiếp tục cùng với Tăng ni Phật tử làm nhiều nghĩa cử cao đẹp, trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương.
Thượng toạ Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Hải Dương cho biết: Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Đống Cao từng là nơi che chở cho bộ đội và du kích Việt Minh. Năm 1954, Hòa thượng Thích Minh Luân từ chốn tổ Gia Xuyên về kế đăng tại đây. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngài và các đệ tử đã cùng bộ đội đào hầm, làm lán trại vào năm 1968 để trực chiến phòng không. Năm 1970, chùa là địa điểm tổ chức lớp học sơ tán của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương.
Chùa Sếu hiện nay quay hướng nam, tam quan mở ra đường hương lộ đủ cho xe lớn đưa du khách đến vãn cảnh. Sau tam quan là Điện Phật toạ lạc giữa hồ Liên Trì tôn trí tượng Phật Thích Ca bằng ngọc bích cao 2,95m nặng 14 tấn. Từ đây có hai lối vào ra vòng quanh một hồ nước hình chữ nhật, ở giữa là tượng Quan Âm Bồ tát đứng trên tòa sen. Hai bên tả hữu có các pho tượng La hán tạc bằng đá được đặt ven lối đi. Bên hữu là vườn tháp mộ và khu ký túc xá. Những công trình trên đều có qui mô lớn và mới được hoàn thành hoặc sắp hoàn thành.
Khuôn viên chùa Đống Cao rất lớn sau khi mở rộng ra cánh đồng Khuê Liễu. Tại vị trí trung tâm là chùa chính đứng trên nền cao tới 9 bậc đá, mặt trước nhìn ra hồ nước qua sân rộng. Hai bên sân có các ngọn tháp đá, bên tả là ngôi mộ của Hòa thượng Thích Minh Luân. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”, bên trong bài trí trang nghiêm và đầy đủ các tượng Phật giáo theo hệ phái Bắc tông.
Cách hậu cung chùa chính một khoảng sân rộng là giảng đường, nhà Tổ, trai đường, nhà khách, nhà Tăng, hai bên có tháp to và cao 7 tầng. Khu vực này được xây kiểu “truyền thống kết hợp hiện đại”, bên trong bố trí thoáng đãng, sạch sẽ, đủ tiện nghi phục vụ việc tu tập và giảng dạy Phật pháp cho khoảng 200 học viên. Nhà bếp cũng rất lớn, có thể đảm bảo tổ chức cỗ chay cho hàng nghìn người tham dự.
Chùa Đống Cao trải qua 7 thế kỷ đầy biến động lịch sử, có nhiều cổ vật và tư liệu thất lạc, không còn giữ được. Ngoài những pho tượng đã tô lại và một số tấm bia đá, đáng kể nhất có lẽ là mấy ngôi tháp. Tuy nhiên di sản tinh thần tại đây thì vô giá đối với người dân trong và ngoài tỉnh.
Bài của Thượng tọa Thích Thanh Vân
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017