Gà trong đời sống người Việt

Gà là loại gia cầm không thể thiếu trong các gia đình ở nông thôn. Thịt gà còn là nguồn thực phẩm ngon và bổ dưỡng cho con người. Thời bao cấp hình ảnh “gà đầy sân” đã được dùng làm biểu tượng cho sự no ấm. Con gà, hay thịt gà trong bửa cơm đãi bạn là truyền thống hiếu khách của các gia đình ngày xưa và cả hôm nay: khách đến nhà không gà thì vịt ...

* Trong văn học nghệ thuật  

Con gà có mặt trong các đề tài của thơ ca dân gian, văn học hiện đại, và cả ở lĩnh vực điêu khắc, âm nhạc... gà là nguồn cảm hứng của giới văn nghệ sĩ xưa và nay. Những bức tranh gà của các họa sĩ được in thành tem thư bưu chính cũng đã đi ra thế giới. Trên bộ sưu tập tem của nước ta từ năm 1945 đến nay có hàng chục con tem giới thiệu về gà. Con tem chủ đề về gà Việt Nam được các họa sĩ thể hiện chú gà rất gần gũi, quen thuộc trong đời sống nhân dân. Đó là loài gà ri vóc nhỏ, đầu nhỏ, cổ dài, lưng dài, chân thấp, trứng, thịt dều thơm ngon. Hoặc hình ảnh chú gà trống Đông Tảo ở Hưng Yên với bộ lông màu hung đỏ, to lớn, hai chân to, xù xì, nhiều thịt, nhiều mỡ; Chú gà Hồ ở Bắc Ninh với bộ lông màu tía, cổ to, chân to, da vàng, nặng đến 4 - 5 kg. Hoặc hình ảnh con gà đen ở Văn Phú, (Phú Thọ), xương nhỏ, béo, đẻ nhiều ...

Các họa sĩ vẽ gà Việt đã dành cho loài gà một vị trí xứng đáng trong đề tài sáng tác tem thư bưu chính của mình. Những bức tranh gà in bằng sắc màu tự nhiên tươi tắn, hình ảnh gà mẹ nằm hiền từ, xốc bộ lông như tấm chăn ấm, đàn gà con vây quanh mẹ, con thì rúc vào bụng, con thì núp dưới cánh, có con lại nhảy lên lưng gà mẹ…

* Thi luộc gà ngày tết

Các cụ kể rắng, xưa cứ gần đến Tết là các bà nội trợ Hà Nội về các thôn Uông Phú, Đông Sàn, Phú Khang thuộc xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây để tìm mua gà mía thuần chủng lông tía, mình ngắn, chân không cao, có 3 hàng vảy, da mỏng mịn ở nách, đỏ ở bụng, thịt vàng, thơm ngon. Hoặc mua những chú gà trống thiến vừa béo vừa thơm về cho cả nhà ăn Tết.

Hội xuân xưa còn có tiết mục thi luộc gà. Gà sau khi đã cắt tiết, nhổ lông, mỗ bụng, xát muối… sẽ được bỏ vào một cái nồi to, đun đến khi nước trong nồi sủi tăm thì rút củi, gạt than để giảm nhiệt, rồi đậy vung kín cho tới nửa ngày, khi kiểm tra thấy gà nổi lên là chín tới. Trước khi luộc, gà được người dự thi uốn nắn trình bày theo năng khiếu thẩm mỹ riêng như: hình tượng gà bay, hoặc gà nằm chầu  ...

Giám khảo làng chấm thi cũng rất độc đáo. Thường thì gà đi thi con nào cũng nặng trên dưới 5 kg, nhưng điều lệ của hội thi chỉ dùng cân 2 kg là mức tối đa. Vì vậy khi đem gà ra cân, người ta phải bỏ thêm tiền kẽm vào phía đầu cân bên đối trọng để giữ thăng bằng. Con gà luộc nào càng to béo, thì đầu cân bên kia phải bỏ thêm nhiều tiền xu vào và số tiền đó được coi là tiền thưởng cho người thắng cuộc. Gà luộc của người nào khi đã bỏ hết số tiền kẽm quy định ở đầu cân bên kia mà vẫn còn thừa cân thì người dự thi phải tự cắt bớt một phần thit gà mang về. Tuy vậy gà to chưa chưa chắc thắng cuộc.  Nếu các giám khảo kiểm tra thấy trong thịt gà còn tia máu, hoặc xương gà luộc còn tủy màu đỏ, tức là kỹ thuật luộc chưa khéo nên chưa chín, người dự thi không những không được giải mà còn bị nộp phạt ...

* Thịt gà món ăn và vị thuốc

Hiện nay, khi kinh tế hàng hóa phát triển, đặc biệt là công nghệ sản xuất thực phẩm ngày càng hiện đại. Sự câu nệ cũng bớt đi, và cũng có nhiều món ăn độc đáo hơn để mời nhau, thịt gà không còn là thứ nhất thiết phải có trong bữa cơm khách nữa.

Tuy nhiên gà vẫn là món ăn ngon và được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại thực phẩm. Đầu bếp khéo có thể chế biến một con gà thành nhiều món cho một bữa tiệc  như: gà luộc, gà xé phay, gà rán, gà nướng than, nướng chum, nướng đất sét, gà nấu càri ... chưa nói đến cách chế biến đa dạng ở các nhà hàng sang trọng cỡ 4-5 sao. Ở vùng nông thôn hay thành thị khi cúng giỗ, thịt gà vẫn là là món ăn chính. Chú gà trống hoa vẫn thường chễm chệ trên mâm cỗ cúng Tất niên, hoặc lễ cúng Đầu năm…

Gà có màu lông trắng, lông vàng, lông đỏ tía, hoặc lông đen (ô kê) … đều có công dụng bồi dưỡng suy nhược cơ thể, nâng cao thể trạng. Tuy nhiên mỗi giống gà đều có đặc dụng riêng. Cụ thể như gà lông trắng có thể chữa được một số bệnh điều hòa tỳ vị. Gà lông trắng, chân đen, xương đen chữa được bệnh phổi, thận, đái dắt, ra mồ hôi trộm, tai ù, mắt hoa, tức ngực, đau lưng, tay chân yếu. Gà lông vàng chữa đau dạ dày, lỵ cấp và mãn tính, sụt cân... Gà lông đỏ tía, chữa được các bệnh băng huyết, bổ dương, làm ấm dạ dày, ấm phổi. Gà lông đen có công dụng bổ tỵ vì, trừ các chứng phong thấp, tê bại, thận suy, phổi yếu. Phụ nữ sau khi sinh ăn gà đen rất chóng lại sức, Điều hòa kinh nguyệt, (chú ý nữ nên ăn thịt gà trống, nam ăn thịt gà mái thì công dụng tốt hơn). Theo kinh nghiệm dân gian và các thầy thuốc Đông y, y học cổ truyền. Thịt gà lông đen có công dụng chữa được nhiều bệnh hơn các loại gà khác. Gà đen hầm với tam thất hoặc nấm linh chi, là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Thậm chí các nhà dinh dưỡng học khẳng định gà Tây cũng rất bổ dưỡng. Một chuyên gia nước ngoài về dinh dưỡng cho biết: thịt gà Tây ít chất béo hơn các loại gà khác và lại có nhiều axít béo không bão hòa, rất tốt cho các thành mạch máu. Vì vậy, thịt gà Tây có tác dụng làm giảm Cholesteron trong máu, chống xơ vữa động mạch.

Trong nông nghiệp, người ta dùng phân gà để bón cho cây ớt, ớt sẽ rất cay. Đây là loại phân hữu cơ có chứa nhiều lân và kali, những chất mà cây ớt rất cần để có nhiều vị cay và chất dinh dưỡng. Vì gà có ích như vậy nên nghề chăn nuôi gà ở nước ta và trên thế giới rất phát triển. Nhờ áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nên ngày nay gà có tốc độ tăng trưởng nhanh và đẻ trứng nhiều.

Bài của Nguyễn Tấn Tuấn
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây