Phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong đông xuân

Trong vụ đông xuân, thời tiết diễn biến phức tạp kết hợp với mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp: rét đậm, rét hại (dưới 120c) kéo dài làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Khi nhiệt độ thấp, ẩm độ cao cũng là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát triển và gây bệnh. Hơn nữa, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán, việc giao thương và vận chuyển, buôn bán, giết mổ vật nuôi, sản phẩm vật nuôi dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh; Mặt khác do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán cùng tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh của nhiều hộ dân góp phần làm cho dịch bệnh phát triển và lan rộng. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong vụ Đông, xuân các địa phương trong tỉnh cũng như người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong đông xuân

Về chuồng trại: Gia cố, tu sửa chuồng trại, đảm bảo cao ráo, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, ấm áp về mùa đông, che chắn mưa tạt, gió lùa. Theo dõi diễn biến của thời tiết để điều chỉnh tiểu khí hậu trong chuồng nuôi cho phù hợp. Những ngày mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé chăn thả muộn, về sớm. Những ngày trời rét dưới 15oC không chăn thả gia súc, gia cầm ra ngoài đồng. Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, vệ sinh máng ăn, máng uống cho đàn gia súc gia cầm, đảm bảo nền chuồng nuôi luôn khô ráo. Xây hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi, thay thuốc sát trùng thường xuyên. Có hệ thống xử lý chất thải.

Chăm sóc, nuôi dưỡng: gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng chống lại các tác động bất lợi của thời tiết và hạn chế dịch bệnh động vật phát sinh.Thức ăn luôn sạch sẽ hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng cho mỗi loại vật nuôi và theo từng giai đoạn phát triển. Bổ sung vào thức ăn, nước uống các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Đối với trâu bò cần dự trữ thức ăn xanh và khô như ủ chua rơm rạ, cỏ khô; bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, ngô, gạo, khoai, sắn; trong những ngày rét đậm, rét hại (nhiệt độ dưới 100C) có thể dùng bao tải sạch hoặc chăn cũ làm áo chống rét; đốt củi, trấu, than sởi ấm cho trâu, bò.Phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường. Nếu vật nuôi mắc bệnh, chết có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân thì phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất.

Vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi: Bằng các loại thuốc khử trùng như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid,…Phát quang bụi rậm xung quanh chuồng, khơi cống rãnh, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt ruồi, muỗi, côn trùng và ký chủ trung gian gây truyền bệnh. Tăng cường phun thuốc khử trùng tiêu độc sẽ hạn chế sự phát tán của mầm bệnh qua khâu trung gian, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm nâng cao sức khỏe vật nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái. Người làm việc trong trại không tiếp xúc với vật nuôi ở các trại khác. Phải rửa chân tay và khử trùng chân tay, giày dép khi ra vào trại hoặc sau khi tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Ngăn ngừa không để động vật khác hoặc động vật hoang dã tiếp xúc với vật nuôi.

Chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin: Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin.

+ Đối với trâu, bò, dê: Cần tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

+ Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng, Lở mồm long móng.

+ Đối với gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn.

+ Vịt, ngan: cần tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt, cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 (thể độc lực cao)

+  Đối với chó, mèo tiêm phòng vắc xin dại.

Những loại vắc xin kể trên  là những loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng cho vật nuôi. Các hộ chăn nuôi có thể tiêm phòng thêm những loại vắc xin khác theo lịch của trại.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm đông vật vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Kiên quyết tiêu huỷ và xử phạt các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không thực hiện đúng các quy định của Luật Thú y. Tuyên truyền và nâng cao ý thức của mọi người dân: Về giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật trong dịp Tết không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn không làm lây lan dịch bệnh.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, nhất là vào vụ Đông - Xuân, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khác tăng cường chấp hành các quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi và cơ quan Thú y, cùng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Góp phần việc thực hiện. Đề án phát triển sản xuất Nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn  2016 - 2020. của tỉnh Hải Dương./.

Bài của Vũ Văn Hoạt

Chi cục trưởng Chi cục Thú y

 Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,103,157
  • Tổng lượt truy cập3,808,361
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây