Vai trò của khoa học và công nghệ đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương

Trong nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương luôn quan tâm và ưu tiên công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Sở đã tích cực với hợp tác với các trường đại học, các cơ quan, tổ chức khoa học trong và ngoài tỉnh thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm các kỹ thuật mới về giống cây trồng và vật nuôi, về biện pháp canh tác để đưa vào áp dụng trong sản xuất và bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thể hiện rõ vaitrò quan trọng không thể thiếu đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực trồng trọt:

Tổ chức nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật như: sử dụng công cụ sạ hàng để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo thời vụ, an toàn dịch bệnh, tăng hệ số sử dụng đất; thực hiện gieo cấy theo phương thức một vùng, một giống, một thời gian; mô hình tổ chức và quản lý sản xuất lúa tập trung, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; xây dựng và phát triển các mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến khâu thu hoạch làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 6-7 triệu đồng/ha. Triển khai mở rộng hàng ngàn ha các giống lúa mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cũ từ 7-15%. Chuyển giao các kỹ thuật trồng ngô mật độ cao không làm đất kết hợp đặt bầu, chỉnh tán lá giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trồng ngô so với biện pháp canh tác truyền thống lên 20%; kỹ thuật phục tráng giống, cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả bằng công nghệ ghép chồi nhằm góp phần rải vụ thu hoạch cho cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế; kỹ thuật nhân giống cây trồng chủ động sản xuất cung cấp giống chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích...

Từ năm 2013 đến nay đã tiếp nhận và làm chủ được công nghệ sản xuất giống một số giống lúa mới như: giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, lúa lai TH 7-2, Hương cốm 4. Khảo nghiệm, sản xuất thử đã kết luận và lựa chọn được 20 giống lúa mới phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh cho năng suất và hiệu quả kinh tế để đưa vào vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Sản xuất thử, lựa chọn được 15 giống cây rau màu, 8 giống cây ăn quả mới đưa vào cơ cấu cây trồng của tỉnh; tổ chức nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng côngnghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất các cây rau màu trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản:

Tổ chức nghiên cứu phát triển một số giống lợn đực ngoại để tạo các con lai 3-4 máu ngoại cho phẩm chất, năng suất, chất lượng thịt tốt đưa vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng thịt cho đàn lợn của tỉnh, tỷ lệ thịt nạc đạt 58-62% và cho hiệu quả kinh tế cao hơn các dòng nái khác trên 10%. Sản xuất thử thành công và sản xuất mở rộng được 11 giống gia cầm, thủy cầm, phổ biến cho hàng ngàn hộ nông dân áp dụng, mở rộng sản xuất hàng hóa tại các huyện trong tỉnh; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu “Gà đồi Chí Linh”, góp phần ổn định chăn nuôi gia cầm của tỉnh.

Nghiên cứu, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu sản xuất cá giống rô phi đơn tính đực lai tạo bằng công nghệ lai xa, các giống cá chép V1 và các giống cá truyền thống để chủ động cung cấp giống cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay các giống cá rô phi đơn tính đực, cá rô phi từ Diêu Hồng, chép lai 3 máu, chép V1, cá đặc sản như cá chiên, cá lăng… đã phát triển mở rộng ở 12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh; chuyển giao cho người dân xử lý môi trường ao nuôi thủy sản bằng công nghệ sinh học, kết quả đã góp phần duy trì diện tích nuôi thủy sản của tỉnh ở mức trên 11 nghìn ha, sản lượng trên 71 nghìn tấn (năm 2017).

Về xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề:

Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011-2015”, Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020” hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã nông nghiệp,... xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm... Đối với lĩnh vực nông nghiệp: đến năm 2018 đã xây dựng được 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà và 20 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản và làng nghề như: Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Gà đồi Chí Linh, Cà rốt Đức Chính, Củ đậu Kim Thành, Sắn dây Kinh Môn, Bánh đa Hội Yên, Bánh gai Ninh Giang, Na Chí Linh, Bưởi Lập Lễ, Ổi Thanh Hà, Nhãn Chí Linh, Rau Gia Lộc, v.v…

Trong xây dựng nông thôn mới:

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Chương trình Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2017-2020. Chương trình đã được Sở thực hiện tại 73 xã, phường trên địa bàn 12 huyện, thị xã và thành phố với các mô hình: ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đã đem lại giá trị sản xuất cao cho các hộ nông dân như: đối với trồng trọt 02 vụ lúa, 01 vụ màu cho hiệu quả kinh tế, thu nhập bình quân đạt trên 232 triệu đồng/1ha; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ doanh thu đạt trên 480 triệu đồng/ha (năm thứ tư); mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính với cá truyền thống doanh thu đạt từ 495,4 - 608,9 triệu đồng/1 ha; thực hiện thành công mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật kết hợp với cơ giới hóa các khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến thu hoạch trên cánh đồng có diện tích lớn. Đã thực hiện có hiệu quả mô hình gắn kết giữa vai trò quản lý của Nhà nước với nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất lúa, cây rau màu tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong nghiên cứu ứng dụng khác:

Nghiên cứu sử dụng hiệu quả hệ thống các hồ chứa, kênh mương, trạm bơm tưới, tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt đó là ứng dụng hệ thống tưới nước tiên tiến tại huyện Thanh Miện là cơ sở cho việc áp dụng, nhân rộng trên toàn tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ từng bước đưa vào Kế hoạch KH&CN các đề tài, dự án áp dụng công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất các giống hoa, cây dược liệu, khoai tây sạch bệnh, dưa lưới,... và sản xuất cây giống trong hệ thống nhà màng, nhà lưới.

Công tác tuyên truyền, phổ biến ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, xây dựng những trang trại, gia trại, cánh đồng có hiệu quả kinh tế cao được đẩy mạnh góp phần quan trọng vào những thành tựu của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các đề tài, dự án khoa học đã tổ chức tập huấn hàng trăm lớp về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, xử lý môi trường,...

Hoạt động KH&CN trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ nét, tạo được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nhiều giống lúa, giống gia súc, gia cầm, thủy cầm; giống thuỷ sản đã được khảo nghiệm, sản xuất thử thành công để bổ sung vào cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và đã được mở rộng sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh. Ứng dụng thành tựu KH&CN để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu, đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao chất lượng hàng hoá phục vụ nhu cầu xã hội và xuất khẩu; ứng dụng khoa học và công nghệ khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học và công nghệ tiết kiệm năng lượng, vật tư, nhiên liệu trong sản xuất; Hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, v.v… Kết quả đã cho thấy KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bài của Phạm Văn Bình

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2018

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây