1. Đánh địch trên mặt trận giao thông
- Trên đường bộ: Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng nhiều người dân Hải Dương vẫn không quên “tiếng sấm đường 5”. Điển hình là trận đánh Ga Phạm Xá ngày 31/01/1954, trúng đoàn tàu diệt hàng ngàn tên lính viễn chinh Pháp sang tiếp viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trận tổng công kích đêm 03/02/1948, hàng ngàn mìn hộp nổ, chớp giật, sấm vang, phá tung 17,5 km đường sắt tại Kim Thành. Đặc biệt là trận tổng công kích đêm 11/3/1954, phối hợp với Điện Biên Phủ, kết hợp 3 thứ quân, diệt tan 72 đồn bốt, mở ra một vùng du kích lớn, uy hiếp đường giao thông chiến lược của địch tại Cẩm Giàng…
- Trên đường sông: Ta bắn cháy, bắn chìm 25 ca nô, tàu chiến địch, trong đó đội bazooka của đại đội 73 bắn được quá nửa số trên. Trận Đò Mép ngày 04/3/1950 tại xã Minh Đức (Tứ Kỳ) bắn chìm ca nô, thu súng trung liên và nhiều vũ khí khác. Trận Cự Đà ngày 24/6/1951 bắn chìm tàu LCT chở toàn sĩ quan, trong có một số quan ba - tư - năm người Pháp.
2. Đánh thắng nhiều trận “độn thổ phục kích”
Trận An Châu đường 17 ngày 17/12/1949 và trận Cẩm Khê đường 5 ngày 26/01/1950, quân ta dùng mã tấu áp đảo địch có đủ vũ khí, kể cả xe bọc thép, tiêu diệt từng tiểu đội, cướp vũ khí giữa ban ngày, ngay trong vùng địch kiểm soát. Trận toàn tiểu đoàn Quốc Tuấn đánh độn thổ trên đường 17 phía bắc cầu Ràm ngày 06/9/1953 diệt và bắt 1 đại đội đa số là Âu Phi, phá 2 xe tăng, 4 xe khác; trận Tất Lại Thượng đường 91 ngày 27/10/1953 tiêu diệt một đại đội quân liên hiệp Pháp, thu nhiều vũ khí. Đánh và thắng địch nhiều bằng độn thổ phục kích là một nét riêng của tỉnh ta.
3. Trận kỳ tập công đồn nổi tiếng
Đó là trận công đồn Cầu Ràm (Ninh Giang). Bên ta có một trung đội vừa lính đại đội 73 Quốc Tuấn vừa dân quân xã Nghĩa An. Đội quân này trà trộn với dân làm phu xây bốt cho địch. Theo lệnh chỉ huy đã nhất loạt dùng gậy gộc, cuốc xẻng sẵn trong tay xung phong diệt 28 tên địch, thu 3 khẩu trung liên và nhiều súng khác. Đúng là tay không vào công sự diệt địch như vào hang bắt cọp mà vẫn thắng đậm. Cho đến thời điểm trên, trong quân khu chưa có trận đánh nào hiệu quả cao thế. Nhờ vậy, bộ đội Quốc Tuấn đã được tặng Huân chương Quân công hạng nhì- Huân chương đầu tiên của tỉnh vì chiến công xuất sắc này.
4. Tập kích diệt GAMÔ, phá tan kế hoạch bình định của địch.
Cuối năm 1952, địch phái nhiều đội quân GAMÔvề Thanh Hà phối hợp với hệ thống đồn bốt, tề ngụy vừa nhằm tìm diệt cơ sở kháng chiến, vừa thực hiện mị dân và vơ vét của cải, thí điểm bình định đồng bằng theo kế hoạch của tướng Na-va.
Để phá tan âm mưu địch, tỉnh đã phân công đồng chí Tỉnh đội trưởng Tăng Bá Dụ trực tiếp chỉ huy đại đội 77 (tức Bảo Lộc) dựa vào cơ sở xã khẩn trương điều tra tình hình và quyết định đánh trận phủ đầu đội GAMÔ tại Lại Xá đêm 24/10/1952. Chiến thắng quân ta diệt và bắt sống cả đại đội địch. Đánh bất ngờ, nhằm chỗ hiểm yếu nên một chọi một mà ta chỉ bị thương 2 chiến sĩ. Thừa thắng, đại đội 77 cùng bộ đội Thanh Hà tiêu diệt tiếp GAMÔ An Lương, Cẩm Chế đánh một số trận càn diệt nhiều địch, đặc biệt tiêu diệt đại đội Hùm Xám ở Cổ Chẩm và nhổ mấy đồn bốt, phá tề. Chiến thắng của Hải Dương được khu ủy Tả Ngạn đánh giá có ý nghiã chiến lược. Từ đó, các đơn vị của Quốc Tuấn vận dụng hiệu quả chiến thuật tập kích, tiêu diệt nhiều đại đội địch ở khắp nơi…góp phần rất quan trọng đánh bại âm mưu bình định đồng bằng của thực dân Pháp./.
Bài của Thế Nguyễn
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6/2019