Tại khu Di tích Côn Sơn hầu hết là rừng thông nhựa đã trồng từ lâu đời xen lẫn keo, bạch đàn... được thay thế do cháy rừng dẫn đến chất lượng rừng không cao. Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình trồng 1,3 ha rừng đường lên cổng Tam Quan và lên Ngũ Nhạc Linh Từ với các loại cây lộc vừng, lim xanh, lim xẹt, giổi, chò chỉ, thông, muồng hoa vàng, sao đen.
Đề tài đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ mục tiêu phục hồi, bảo tồn, nâng cao giá trị và quản lý bền vững tài nguyên rừng di tích Côn Sơn, trên cơ sở điều tra hiện trạng rừng với quy mô 15 ô tiêu chuẩn; 15 tuyến; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ mục tiêu bảo tồn và quản lý bền vững rừng dẻ tự nhiên ở TP. Chí Linh với quy mô điều tra: 5 tuyến; 9 ô tiêu chuẩn. Xây dựng hệ thống bản đồ hiện trạng, phân bố rừng Dẻ ở 05 xã, phường Lê Lợi, Hoàng Tiến, Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm (TP. Chí Linh).
Xây dựng mô hình trình diễn cải tạo, phục hồi và nâng cao năng suất rừng Dẻ ăn hạt (3 ha), toàn bộ cây Dẻ trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng hạt Dẻ đã to, đều hơn mọi năm trung bình thu nhặt được khoảng 350 - 400 kg/ha thuộc khu vực mô hình, việc tác động biện pháp kỹ thuật vào diện tích rừng Dẻ đã tạo điều kiện cho những cây Dẻ được chọn để lại sinh trưởng, phát triển tốt, tạo ra nguồn hạt Dẻ nhiều, năng suất hơn góp phần vào bảo vệ nguồn nước, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp cũng như nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Tin của Bảo Châu
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2022