TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG MÃ SỐ, MÃ VẠCH
Ngày 30 tháng 12 năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BKHCN Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về sử dụng mã số, mã vạch
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch; Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giải pháp liên quan đến mã số, mã vạch; Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến sử dụng mã số, mã vạch.
Tại số bản tin này, TBT Hải Dương xin tóm tắt một số nội dung về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng mã số, mã vạch được quy định tại Thông tư này như sau:
1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng mã số, mã vạch có tiền tố mã quốc gia Việt Nam “893”
-Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa .
-Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch tại Bộ phận một cửa của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ.
-Sau khi được cấp tiền tố mã doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai báo, cập nhật và cung cấp thông tin liên quan về tổ chức, cá nhân sử dụng mã số, mã vạch vào cơ sở dữ liệu do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quản lý tại địa chỉ http://vnpc.gs1.gov.vn, bao gồm tối thiểu các nội dung sau:GTIN; Tên sản phẩm, nhãn hiệu; Mô tả sản phẩm; Nhóm sản; Tên doanh nghiệp; Thị trường mục tiêu; Hình ảnh sản phẩm.
-Thực hiện ghi/in mã số, mã vạch trên bao bì sản phẩm, hàng hóa bao đảm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO/TEC 15426-1 và ISO/IEC 15426-2 hoặc các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận chất lượng mã số, mã vạch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 15426-1 và ISO/IEC 15426-2 hoặc các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng thì tổ chức, cá nhân thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
-Tổ chức, cá nhân không sử dụng mã số, mã vạch cho các mục đích làm sai lệch thông tin với thông tin đã đăng ký.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng mã số, mã vạch không theo chuẩn của tổ chức Mã số, Mã vạch quốc tế GS1
-Tổ chức, cá nhân sử dụng mã số, mã vạch không theo chuẩn của tổ chức Mã số, Mã vạch quốc tế GS1 thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.
-Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật cần thiết đối với tổ chức, cá nhân sử dụng mã số, mã vạch không theo chuẩn của tổ chức Mã số, mã vạch quốc tế GS1 không trái với quy định của Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2021.
Toàn văn của Thông tư xem tại đây.
Tin TBT Hải Dương