Bản tin TBT số 11 ngày 10 tháng 6 năm 2021

GHI NHÃN HÀNG HÓA THEO PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ

Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, giao Bộ Khoa học và Công nghệ: “b) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa để kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo ghi nhãn, xuất xứ Việt Nam” Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bản tin TBT số 11 ngày 10 tháng 6 năm 2021

Dự thảo nghị định này đã bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh gồm cả hàng hóa xuất khẩu. Nội dung quy định cụ thể đối với nhãn hàng hóa xuất khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Một điểm quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là dự thảo đã bổ sung nhiều quy định mới trong đó có quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử.

Trên thực tế, việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Trước đó, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được sử dụng việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử. Chính vì vậy cần phải bổ sung thêm nội dung này tại Nghị định số 43 để tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Việc ghi nhãn theo phương thức điện tử là tự nguyện áp dụng, không bắt buộc đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện áp dụng công nghệ. Nghị định giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết đối với việc thực hiện ghi nhãn bằng phương thức điện tử.

Quy định này của dự thảo được cho là sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nội dung đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định 43 ngoài việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, giúp cơ quan chức năng làm tốt hoạt động quản lý nhà nước về sản phẩm hàng hóa còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ví dụ như trong Dự thảo Nghị định có quy định miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong các dịch vụ sửa chữa, bảo hành chính hãng mà không nhằm mục đích mua bán trên thị trường. Hay quy định miễn ghi nhãn phụ đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nội bộ (không phục vụ việc mua bán trên thị trường). Đó là điểm mới mà Nghị định 43 đưa ra so với trước đây. Ví dụ như trước đây bất kể hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, nếu không có nhãn Tiếng Việt thì bắt buộc phải ghi nhãn phụ. Việc này khiến doanh nghiệp tốn kém trong việc tổ chức ghi nhãn, in ấn, tốn kém chi phí, thời gian…

Còn điểm mới nữa là đối với hàng hóa không xuất khẩu được ra nước ngoài (có thể do không đáp ứng chuẩn xuất khẩu) nhưng nếu vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước (đảm bảo chất lượng, an toàn) thì vẫn được sử dụng nhãn cũ nhưng được phép gắn thêm nhãn phụ lên để thể hiện rằng hàng đó là hàng xuất khẩu quay lại thị trường trong nước. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều

Dự thảo Nghị định 43 còn cho phép doanh nghiệp tự xác định ghi nhãn hàng hóa theo quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Về nguyên tắc, Nhà nước rất tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực.

Toàn văn Dự thảo Nghị định có tại website https://www.most.gov.vn

Tin TBT Hải Dương


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập171
  • Hôm nay51,672
  • Tháng hiện tại1,155,587
  • Tổng lượt truy cập3,860,791
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây