Bản tin TBT Hải Dương số 20 ngày 25.10.2018

Ngày 06 tháng 6 năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BKHCN về việc ban hành Sửa đổi 1:2018 QCVN 9:2012/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự.

Sửa đổi 1:2018 QCVN 9:2012/BKHCN sửa đổi, bổ sung một số quy định của QCVN 9:2012/BKHCN. TBT Hải Dương xin giới thiệu tóm tắt nội dung chính của Sửa đổi này như sau:

Yêu cầu về kỹ thuật

Bổ sung các Mục 2.1.3, Mục 2.1.4, Mục 2.1.5 như sau:

 - 2.1.3. Máy sấy tóc, máy xay thịt, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy đánh trứng theoTCVN 7492-1:2010 (CISPR 14-1:2009) Tương thích điện từ - Yêu cầu đối với thiết bị điện gia dụng, dụng cụ điện và các thiết bị tương tự - Phần 1: Phát xạ.

Bản tin TBT Hải Dương số 20 ngày 25.10.2018

- 2.1.4  Lò vi sóng (kể cả loại kết hợp) theo TCVN 6988:2006 (CISPR 11:2004) Thiết bị tần số radio dùng trong công nghiệp, nghiên cứu khoa học và y tế (ISM). Đặc tính nhiễu điện từ. Giới hạn và phương pháp đo.

- 2.1.5  Bếp điện (bao gồm bếp điện từ) theo CISPR 14-1:2016 Electromagnetic compatibility - Requirements for household appliances, electric tools and similar apparatus - Part 1: Emission (Tương thích điện từ - Yêu cầu đối với thiết bị điện gia dụng, dụng cụ điện và các thiết bị tương tự - Phần 1: Phát xạ).

          2. Yêu cầu về quản lý

Sửa đổi các Mục 3.1, Mục 3.2, Mục 3.3 như sau:

-  3.1. Điều kiện lưu thông trên thị trường: Các thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, kinh doanh và nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải thực hiện công bố hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- 3.2. Công bố hợp quy về EMC

+ 3.2.1  Việc công bố hợp quy phải dựa vào kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

+ 3.2.2. Chứng nhận hợp quy

a) Việc chứng nhận thực hiện theo phương thức 1 (thử nghiệm mẫu điển hình) quy định trong Phụ lục II của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/ 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư 02/2017/BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

b) Thử nghiệm phục vụ việc chứng nhận phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/ 2016 hoặc được thừa nhận quy định của Thông tư 27/2007/TT-BKHCN. Phạm vi thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chuẩn này.

c) Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy có giá trị không quá 3 năm.

+ 3.2.3. Sử dụng dấu hợp quy: Dấu hợp quy phải tuân thủ theo Khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN .

- 3.3. Trình tự, thủ tục và hồ sơ công bố hợp quy: Trình tự, thủ tục và hồ sơ công bố hợp quy đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước và nhập khẩu thực hiện theo Thông tư số 28/20127/TT-BKHCN và Thông tư 02/2017/TT-BKHCN.

3. Lộ trình áp dụng đối với các thiết bị điện, điện tử quy định tại Quy chuẩn này như sau:

-  Máy sấy tóc: kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2019 phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn này trước khi lưu thông trên thị trường.

-  Máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy xay thịt, máy đánh trứng: kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn này trước khi lưu thông trên thị trường.

-  Lò vi sóng (kể cả loại kết hợp), bếp điện (bao gồm bếp điện từ): kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 phải phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn này trước khi lưu thông trên thị trường.

4.Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Sửa đổi các Mục 4.1, Mục 4.2 như sau:

  • Mục 4.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:

+ Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

+ Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy  định của Quy chuẩn này.

+ Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp các bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo các quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.

+ Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi của các bộ phận liên quan đến EMC của các thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy.

+ Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 6 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã công bố hợp quy được xuất xưởng (đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước) hoặc được nhập khẩu (đối với thiết bị điện, điện tử nhập khẩu).

-4.2. Trách nhiệm của tổ chức chứng nhận hợp quy:

+ Tổ chức chứng nhận hợp quy phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP .

+ Tổ chức chứng nhận hợp quy phải tiếp nhận và xử lý thông báo của doanh nghiệp về thay đổi của sản phẩm hàng hóa liên quan đến EMC.

+ Tổ chức chứng nhận hợp quy phải lưu hồ sơ chứng nhận không ít hơn 6 năm kể từ ngày hết hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2018.

TBT Hải Dương.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây