QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ CHĂN NUÔI
Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2021. So với các quy định cũ, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là các quy định về chế tài xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Để tăng tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm về chăn nuôi, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định một hình thức xử phạt chính duy nhất là phạt tiền, không còn quy định về hình thức xử phạt cảnh cáo như quy định trước đây. Ngoài ra, Nghị định này cũng sửa đổi, bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi; hủy bỏ thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; buộc cải chính thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;…
Theo quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP, đối với hành vi mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời, bị đình chỉ hoạt động mua bán thức ăn chăn nuôi từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc chuyển đổi mục đích sử dụng lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Đối với các vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi thì bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức, buộc thu hồi và tái chế lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi; trường hợp không thể tái chế thì buộc chuyển đổi mục đích sử dụng; trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy.
So với các vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi thì các vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có chế tài xử phạt cao hơn, cụ thể: Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với cá nhân, từ 06 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với tổ chức và buộc tái chế lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi; trường hợp không thể tái chế thì buộc chuyển đổi mục đích sử dụng; trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy.
Đối với mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi thì bị phạt tiền từ 200 trăm nghìn đồng đến 40 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi; trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tái xuất hoặc tiêu hủy.
Đáng chú ý, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về các chức danh có thẩm quyền xử phạt phù hợp với cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng Quản lý thị trường. Ngoài ra, Nghị định này cũng mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi của lực lượng Quản lý thị trường. Trong đó, bổ sung thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường đối với các vi phạm về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi. Nếu trước đây, Quản lý thị trường chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam thì nay, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP cho phép Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với tất cả các vi phạm về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi quy định tại Điều 18 của Nghị định này.
Cụ thể, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi của Quản lý thị trường như sau: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính như: Vi phạm quy định về chất lượng giống vật nuôi trong sản xuất, mua bán; vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi; mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm dưới 70 triệu đồng; không ghi hoặc ghi không đúng ngày sản xuất trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi…
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính như thẩm quyền của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường. Ngoài ra, Cục trưởng, Tổng cục trưởng còn có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính khác như: Mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 70 triệu đồng trở lên; sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự…
Nghị định này bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; bãi bỏ điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Tin TBT Hải Dương