Ứng dụng KHCN sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Năm 2020 các nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung vào sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị đã góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống có hiệu quả không cao của nông dân, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người nông dân yên tâm sản xuất. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp đều có sự tham gia của doanh nghiệp trong khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đưa các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo hướng công nghệ cao phục vụ sản xuất quy mô vùng tập trung có năng suất chất lượng cao. Hỗ trợ các địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, hướng tới phục vụ chương trình mỗi xã một sản phẩm, lồng ghép, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ sinh học. Phát triển ngành tài nguyên môi trường trong định hướng chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu trong đất sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trí thức tỉnh; phòng ngừa sự phát triển, lây lan của sinh vật ngoại lai đến nông, lâm ngư nghiệp và sức khỏe con người; cải tạo, phát triển và quản lý hệ thống cây xanh, hoa đô thị phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Năm 2020 của 45 nhiệm vụ, trong đó khoa học nông nghiệp có 24 Đề tài, 9 Dự án, chiếm 77,67%; Khoa học xã hội 2 Đề tài, 1 Dự án, chiếm 5,37% tổng kinh phí các Đề tài; Khoa học kỹ thuật công nghệ 03 Đề tài, chiếm 7,88% tổng kinh phí các Đề tài; Khoa học y dược 4 Đề tài, chiếm 7,07% tổng kinh phí các Đề tài; Khoa học tự nhiên có 1 Đề tài, chiếm 1,05% tổng kinh phí các Đề tài; Khoa học nhân văn 1 Đề tài, chiếm 0,94% tổng kinh phí các Đề tài.

1. Lĩnh vực Khoa học nông nghiệp

Bổ sung vào bộ giống lúa chất lượng, khắc phục nhược điểm của các giống lúa đang sản xuất đại trà, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa gạo hàng hóa trên địa bàn tỉnh, các nhiệm vụ KH&CN đã nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống mới TH6 - 6, Hồng Đức 9, M1 - NĐ, HD11, Gia Lộc 37, Đài thơm 8, BC15 - 02. Giống lúa TH6 - 6 có năng suất ổn định và cao hơn BT7, chất lượng cao, có mùi thơm, phù hợp với cơ cấu mùa vụ của tỉnh; giống lúa Hồng Đức 9 thích hợp với trà xuân muộn, có thể dần thay thế giống BT7, Thiên ưu 8 và P 6 trên địa bàn huyện Ninh Giang và các địa phương có điều kiện canh tác tương tự; giống Đài thơm 8 có khả năng chống chịu đạo ôn, bạc lá và có năng suất cao hơn BT7. Mô hình sản xuất lúa gạo có giá trị cao như “Gạo hữu cơ bãi rươi”, gạo nếp Quýt đặc sản Kim Thành; phát triển vùng nguyên liệu lúa SHPT3 phục vụ sản xuất bún, bánh. Các mô hình sản xuất lúa đều có quy mô tập trung 10 ha/điểm, có liên kết tiêu thụ sản phẩm (có nơi đạt 85% tổng sản lượng mô hình). Huyện Tứ Kỳ với mô hình sản xuất “Gạo hữu cơ bãi rươi” là sản phẩm đầu tiên của Hải Dương có chứng nhận sản phẩm hữu cơ; huyện Ninh Giang với mô hình sản xuất tập trung “1 vùng, 1 giống, 1 thời gian” kết hợp với cấy máy, có quy mô 80 ha giống lúa Hồng Đức 9 tại liên xã Hưng Thái - Hồng Phúc; huyện Kim Thành phục tráng thành công giống lúa đặc sản nếp Quýt, xây dựng - vận hành nhãn hiệu tập thể “gạo nếp Quýt Kim Thành” và thành lập được “Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp Quýt Kim Thành” để quản lý, phát triển sản phẩm.

Các nghiên cứu trên cây rau màu tập trung nghiên cứu về giống mới như cà chua cao sản T15, chống chịu bệnh do virus và bệnh héo rũ tốt, chịu vận chuyển; 2 giống ngô nếp tím VNUA 141và ngô nếp trắng VNUA 69 cho năng suất cao hơn giống đối chứng khoảng 10%, trong đó giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA 141 có thể sử dụng làm chất tạo màu tự nhiên, chiết xuất chất anthocyanin làm thành phần của thực phẩm chức năng giàu chất chống oxy hóa; giống khoai lấy ngó phát triển tốt trên đồng đất huyện Thanh Miện, cho năng suất trung bình đạt 1,3 - 1,5 tấn/sào/năm, được nhiều người dân ưa chuộng và cho lợi nhuận trung bình đạt 17 triệu đồng/sào/năm; 2 giống dưa hấu mới Ngọt Giai Nhân và Hoàng Khôi có ruột vàng, được đánh giá chưa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng nên người dân chưa đầu tư chăm sóc dẫn đến hiệu quả chưa cao. Nghiên cứu ứng dụng thành công chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh; làm chủ được công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng dâu tây trong nhà màng, nhà lưới. Các nghiên cứu về nguyên nhân dưa lê, dưa hấu chết đồng loạt tại các vùng chuyên canh, về ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phát triển cây hành củ tại Hải Dương tiếp tục được nghiên cứu ở những năm tiếp theo. Trong nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất cây rau màu có mô hình sản xuất khoai lấy ngó của huyện Thanh Miện. Từ thành công của nghiên cứu ứng dụng này, huyện Thanh Miện đã, đang đưa cây “Ngọc môn Thanh Miện” vào nhóm cây trồng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để từng bước giải quyết bài toán hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp và người nông dân ngày càng có xu hướng bỏ ruộng hoang hóa.

Hải Dương là 1 trong 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng được quy hoạch phát triển vùng dược liệu, vì vậy việc xây dựng thành công mô hình trồng, sơ chế dược liệu thiên môn đông gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ là tiền đề cho việc hình thành vùng nguyên liệu dược liệu theo GACP-WHO, góp phần thúc đẩy nghiên cứu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người nông dân Hải Dươngđể tăng giá trị hiệu quả kinh tế.

Đối với các nghiên cứu sản xuất cây ăn quả, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng vùng và thương hiệu cho cây bưởi Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách; cây nhãn tại TP. Chí Linh. Về các giống mới trồng ở tỉnh, có các nghiên cứu trồng thử nghiệm các giống vải chín sớm PH40, hồng xiêm ruột đỏ, bưởi da xanh, na dứa Đài Loan và các mô hình này tiếp tục được theo dõi đánh giá ở những năm tiếp theo. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây ăn quả là: huyện Thanh Hà bảo tồn thành công cây vải tổ và 2 cây thế hệ 2; đồng thời phát triển nguồn gen quý cây vải tổ thông qua nhân giống 20 cây bằng phương pháp chiết cành từ cây vải tổ; huyện Nam Sách bình tuyển được 10 cây đầu dòng làm nguồn cung cấp mắt ghép để nhân giống phát triển bưởi Tân Thắng thành sản phẩm OCOP của tỉnh.

Với mục đích phát triển chăn nuôi và xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát xuất xứ, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, quy trình sản xuất rõ ràng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm chất lượng cao, kết nối với các doanh nghiệp đưa sản phẩm gà thịt Mía lai Sasso, “gà đồi Chí Linh” vào chuỗi cửa hàng nông sản sạch; Phát triển mô hình nuôi vịt chuyên trứng Đại Xuyên TC và TsC theo chuỗi giá trị; Nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi lợn bằng việc sử dụng một số thảo dược bổ sung vào khẩu phần thức ăn; hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật vỗ béo bê lai hướng thịt kết hợp với sử dụng thức ăn tự phối trộn thức ăn tinh và thô đảm bảo vệ sinh an toàn, làm chủ kỹ thuật động dục đồng loạt và giải quyết tình trạng chậm sinh của bò cái trong đàn bò của tỉnh đồng thời giới thiệu đến các hộ chăn nuôi giống bò lai hướng thịt được tạo ra từ công thức lai giữa đực giống Blanc Bleu Belge (BBB) với cái lai Zebu.

Nghiên cứu nuôi thủy sản chủ yếu hỗ trợ hộ dân tiếp nhận kỹ thuật sản xuất con giống cá Nheo Mỹ để chủ động nguồn giống trong nuôi trồng thủy sản; thử nghiệm một số mô hình mới trên địa bàn tỉnh như nuôi thương phẩm cá Ngạnh, tôm đồng.

2. Lĩnh vực Khoa học y,dược

Tập trung nghiên cứu các phương pháp điều trị, sản xuất các dược phẩm mới hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính trong cộng đồng nhưthuốc “cao lỏng tiêu viêm HD”; thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hoá lipid máu từ hạt tía tô; thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng chủ trị với trường hợp viêm gan, vàng datừ diệp hạ châu đắng; ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan.

3Lĩnh vực Khoa học xã hội

Là một trong những lĩnh vực khó nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn đã được các cấp, các ngành quan tâm nghiên cứu, thực hiện 3 đề tài, dự án là: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền ở cơ sở trong đối thoại, tiếp xúc trực tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trí thức tỉnh Hải Dương; Nhân rộng mô hình cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới.

Dự báo tình hình, xây dựng hệ thống quy trình, tiêu chí và kỹ năng trong đối thoại trực tiếp và các kỹ năng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi thay thế Quy chế số 08 - QC/TU, ngày 03/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá thực trạng năng lực và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của trí thức tỉnh Hải Dương, từ đó đề xuất được các giải pháp làm cơ sở khoa học để tham mưu xây dựng chính sách nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trí thức tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Xây dựng và duy trì 40 mô hình tăng cường cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn tại 40 xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ các địa phương thành lập và tổ chức hoạt động của Tổ thông tin tuyên truyền có hiệu quả.

4. Lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu có giá thành rẻ hơn, thời gian phân hủy nhanh hơn, ít gây ô nhiễm môi trường hơn; Đánh giá hiện trạng và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu số về hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh làm cơ sở đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm cũng như sử dụng hợp lý đất sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm; Xây dựng Atlas điện tử đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và thương mại dịch vụ; đến sức khỏe cộng đồng, nghèo đói và dự báo, cảnh báo các biến đổi khí hậu…

5. Lĩnh vực Khoa học tự nhiên và lĩnh vực Khoa học nhân văn

Có 2 nhiệm vụ đã được tuyển chọn từ năm 2019, đó là: Đề tài “Điều tra hiện trạng, đánh giá khả năng ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất giải pháp phòng ngừa, kiểm soát” và Đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và lựa chọn một số tác phẩm nghệ thuật, công trình tiêu biểu gắn với phát triển du lịch tỉnh Hải Dương”. 2 nhiệm vụ đã sưu tầm, nhân bản các tác phẩm, công trình nghệ thuật tiêu biểu thuộc các loại hình nghệ thuật; xây dựng danh sách, lý lịch chi tiết các tác phẩm, công trình nghệ thuật tiêu biểu để lưu giữ, bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch; Điều tra, thống kê trên địa bàn tỉnh có 20 loài sinh vật ngoại lai và đề xuất các giải pháp để kiểm soát, giảm thiểu hoặc diệt trừ một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh, đồng tiến hành kiểm soát, diệt trừ thử nghiệm một số loài ngoại lai xâm hại quy mô hộ gia đình đối với 4 đối tượng: ốc bươu vàng, cây mai dương, bèo Nhật Bản, ốc sên.

Trong năm 2021, Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh đã thông qua Nghị quyết đại hội với 19 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, 3 khâu đột phá, 3 công trình trọng điểm cùng với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng tỉnh Hải Dương đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngành khoa học xác định: Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống, vào các ngành KT - XH của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong việc nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cơ sở có sự quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, công nghệ tiếp cận cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên nghiên cứu, giải quyết những vấn đề có tính cấp bách của tỉnh như: bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng nông thôn mới nâng cao, khuyến khích khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, ô nhiễm môi trường.

Hải Ninh


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập207
  • Hôm nay35,319
  • Tháng hiện tại1,114,170
  • Tổng lượt truy cập3,819,374
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây