Với mong muốn giảm thiểu thiệt hại cho người dân do lũ gây ra, em Nguyễn Ngọc Đông (học sinh lớp 11A2, trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã sáng tạo ra mô hình hệ thống báo lũ tự động.
Ở thôn Nam Đường Tây (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương) ai cũng biết đến hoàn cảnh của gia đình Đông. Đông là con út trong gia đình có 3 chị em. Bố Đông là anh Nguyễn Ngọc Đãi (sinh năm 1954), thương binh hạng 1/4. Bố Đông bị liệt tay, sức khỏe yếu nên gần như không làm được gì, mọi công việc kiếm sống nuôi cả gia đình đều do mẹ Đông gánh vác.
Ngoài việc đồng áng, thời gian rảnh mẹ Đông đi làm thuê hái chè cho các chủ vườn trong xã, nuôi con ăn học và chữa bệnh cho chồng. Biết hoàn cảnh gia đình nên Đông thường chăm sóc bố những lúc mẹ vắng nhà. Dù nhà nghèo nhưng cậu học trò nhỏ bé ấy vẫn theo đuổi đam mê với những công trình sáng tạo.
Đông kể, khi học Trung học cơ sở nhiều lần em được nghe trên tivi, đài báo thông tin về những trận lũ quét kinh hoàng cuốn trôi nhà cửa, người dân, gây ra thiệt hại lớn, từ đó, em nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình cảnh báo lũ.
Em đã mạnh dạn trình bày ý tưởng với thầy giáo Nguyễn Việt Bắc (Giáo viên dạy Mỹ thuật Công nghiệp, trường Trung học cơ sở Nam Cao). Sau khi nghe ý tưởng của Đông, thầy ủng hộ và hai thầy trò bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức xung quanh phục vụ việc chế tạo mô hình.
Mới đầu việc làm mô hình cũng gặp khó khăn vì điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép, hơn nữa bố mẹ Đông lo ngại Đông sẽ chểnh mảng học hành nếu tập trung quá nhiều thời gian vào ý tưởng này.
Với việc sắp xếp thời gian hợp lý không ảnh hưởng đến kết quả học tập, dần dần Đông đã tạo được niềm tin với bố mẹ, cùng vun đắp cho đam mê khoa học, công nghệ của mình.
Mô hình báo lũ tự động do Đông sáng tạo là tổng hợp của 5 hệ thống, gồm hệ thống kiểm tra mức nước và tốc độ nước; đo tốc độ nước và cấp điện; hệ thống đèn báo, Barie và Hệ thống Âm báo động. Hệ thống kiểm tra mực nước và tốc độ nước là bộ phận quan trọng nhất trong mô hình này.
Khi lũ về, nước dâng cao làm đẩy phao nước lên, tác động đến hệ thống đóng mở tín hiệu, truyền tín hiệu các mức độ khác nhau đến các hệ thống cảnh báo. Đồng thời, nước chảy dẫn đến làm quay tuốc bin dẫn trục đến mô tơ, sinh ra điện. Nước chảy càng nhanh tuốc bin quay càng nhanh dẫn đến mức điện thế phát ra càng cao, vì vậy, có thể biết được tốc độ nước chảy đến mét/giây.
Điểm đặc biệt là trong điều kiện thiên tai bão, lũ, các hệ thống cung cấp điện năng có thể bị sự cố thì chính hệ thống sẽ tự phát điện thông qua tốc độ dòng chảy, quay tuốc bin, bảo đảm tín hiệu cảnh báo luôn liên tục. Khi mực nước ở mức độ nguy hiểm, hệ thống đèn chuyển sang màu đỏ, barie tự động đóng chặn đường giao thông và hệ thống loa âm thanh cũng hoạt động, cảnh báo cho người tham gia giao thông và một số khu vực dân cư thuộc khu vực hạ lưu.
Mô hình này áp dụng cho khu vực miền núi, trung du, những nơi có địa hình cao thường xảy ra lũ và các tuyến đường giao thông thường cắt ngang qua các con sông. Với sự biến đổi khí hậu, cường độ các trận lũ xảy ra càng nhiều, thất thường và mức độ nguy hiểm lớn như hiện nay, mô hình của Đông càng có ý nghĩa.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình cho biết, trong số 61 mô hình, giải pháp vào vòng chung khảo Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thái Bình lần thứ II năm 2014-2015, giải pháp của em Nguyễn Ngọc Đông được Hội đồng chấm giải đánh giá rất cao.
Mô hình này đã dự báo được mức độ, thời gian lũ lụt để người dân vùng lũ chủ động trong đời sống sinh hoạt, từ đó giúp người dân và chính quyền địa phương có biện pháp phòng tránh, di dân kịp thời.
Vượt lên hoàn cảnh gia đình khó khăn và tiếp tục niềm đam mê khoa học, em Nguyễn Ngọc Đông vẫn ấp ủ những dự định mới. Đặc biệt, Đông mong muốn hệ thống báo lũ tự động do mình và thầy giáo Nguyễn Việt Bắc sáng tạo ra sớm được triển khai áp dụng trên thực tế, góp phần giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và tài sản do lũ gây ra./.
Nguồn: vusta.vn