Các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang giới thiệu công nghệ mới. (Nguồn: NTU) Công nghệ năng lượng Mặt Trời đang có một bước đột phá sau khi các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore vừa phát hiện ra một cách thức mới để sản xuất pin Mặt Trời hiệu quả hơn và có giá thành rẻ hơn.
Trước đây, perovskite vốn được biết đến là vật liệu để làm pin Mặt Trời hiệu quả bởi nó có thể biến đổi 15% năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời thành điện năng, gần với mức 20% của các tấm pin Mặt Trời làm từ silicon trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không giải thích được quá trình diễn ra như thế nào để từ đó cải thiện hiệu quả của vật liệu perovskite trong sản xuất pin Mặt Trời. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu NTU chính là các nhà khoa học đầu tiên trên thế giới đã tìm ra lời đáp cho vấn đề này.
Theo đó, điện tử được tạo ra trong quá trình hấp thụ ánh sáng Mặt Trời có thể di chuyển rất xa trong vật liệu pervovskite.
Phó Giáo sư Sum Tze Chien - thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học có thể cải tiến pin Mặt Trời, khiến chúng hấp thụ được nhiều ánh sáng hơn và tạo ra điện năng nhiều hơn.
Tiến sỹ Nripan Matthews, một thành viên khác, cũng cho rằng từ đây các họ có thể tạo những tấm pin Mặt Trời mới, ngang bằng và thậm chí hiệu quả hơn các tấm pin Mặt Trời làm từ silicon.
Theo nhóm nghiên cứu, với vật liệu perovskite hỗn hợp vô cơ-hữu cơ, thế hệ tấm pin Mặt Trời tiếp theo sẽ có giá thành sản xuất rẻ hơn 5 lần so với các tấm pin làm từ silicon hiện nay./.
Việt Hải/Singapore (Vietnam+)