Bếp tiết kiệm nhiên liệu của anh nông dân

Bếp tiết kiệm năng lượng của anh Thân Văn Trường (Ảnh: Phương Hoàn)        Năm 2004, anh Thân Trường Giang trở về quê hương với một số vốn ít ỏi sau một năm đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Với số vốn ít trong tay, anh loay hoay không biết làm gì để sinh lợi. Sau bao đêm trăn trở, anh mở cửa hàng nhôm kính và các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất khung nhôm kính, anh chợt nảy sinh ý đi định sẽ sáng chế ra "một loại bếp gì đó" để phục vụ gia đình đun nấu mà tiết kiệm nhiên liệu.
Bếp tiết kiệm nhiên liệu của anh nông dân
Cái khó ló cái khôn
Vào khoảng năm 2004, giá than tổ ong cũng như than bùn mà nhà anh vẫn dùng đun nấu bỗng tăng cao, dùng bếp điện thì phập phù lo cháy vì điện áp không ổn định. Đặc biệt, Tân Yên - Bắc Giang lại là vùng Trung du với các nguyên liệu như vỏ lạc, mùn cưa, củi hay vỏ trấu rất sẵn nhưng bà con thường chưa biết tận dụng đun nấu.
Từ đó, anh bắt tay vào mày mò nghiên cứu, sau mấy tháng thì cái bếp từ ý tưởng của anh cũng dần hình thành. Bếp làm bằng tôn mạ, đất chịu nhiệt, nhỏ gọn và cơ động. Khi đun, nhiệt độ có thể lên cao tới 7.000 độ C. Những chiếc bếp ban đầu được mang đi cho là chính. Anh đem cho bà con, họ hàng dùng thử. Những người được anh cho bếp dùng thử đều có những đánh giá tốt về bếp.
Tiếp đó, anh mang chiếc bếp mang đi ký gửi ở một số cửa hàng tại địa phương. Tin vui lại đến khi có một số bếp do anh sáng chế đã được khách hàng mua về dùng. Đến năm 2007 – 2008, sản phẩm bếp tiết kiệm nhiên liệu của anh nông dân Thân Trường Giang chính thức được bán trên thị trường. Lúc đầu, chỉ là thị trường trong huyện Tân Yên, rồi tỉnh Bắc Giang và đến 2012 sản phẩm của anh đã có mặt trên hầu hết các tỉnh trong cả nước, như Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, TP.HCM, Nam Định..., trong đó nhiều nhất 28 tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Giúp nông dân bớt nhọc nhằn
Anh Thân Trường Giang cho biết, bình quân 3 năm trở lại đây mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường khoảng 10.000 chiếc bếp tiết kiệm nhiên liệu với giá từ 90.000 – 130.000 đồng/bếp (tùy loại), trong khi một chiếc bếp kiềng 3 chân truyền thống cũng đã có giá từ 150.000 – 200.000 đồng). Dùng bếp tiết kiệm nhiên liệu do anh sáng chế thì có thể tiết kiệm tới 50% thời gian dùng cho việc đun nấu so với các loại bếp dùng củi hay trấu thông thường. Ngoài ra, bếp còn tận dụng được các loại phụ phẩm có sẵn tại địa phương, giá rẻ. Hiện xưởng sản xuất bếp tiết kiệm nhiên liệu của anh có 20 thanh niên địa phương tham gia sản xuất với mức lương ổn định.
Mới đây, anh đã đầu tư một dây chuyền trị giá 2 tỷ đồng cho xưởng sản xuất bếp. Trong thời gian tới anh sẽ cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng của bếp tiết kiệm nhiên liệu đã có, giảm giá thành ở mức thấp nhất để bếp có thể đến được với nhiều người dùng hơn. Kỳ vọng của anh là chiếc bếp tiết kiệm nhiên liệu mang tên Trường Giang một ngày không xa sẽ có mặt trên toàn quốc.
Sản phẩm bếp tiết kiệm nhiên liệu của anh nông dân Thân Trường Giang đã nhận được nhiều giấy khen, chứng nhận của nhiều đơn vị, tổ chức trong nước.
Theo Báo Đất Việt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây