Tham vọng của 2 SV tay ngang làm công nghệ nhận diện vân tay

Trần Thanh Long và Đoàn Nguyễn Đăng Khoa (Khoa CNTT- ĐH mở TP.HCM) đã “dám” thực hiện một đề tài nghiên cứu trong khi không hề có bất cứ một kiến thức nào về công nghệ sinh trắc học. Đến khi kết thúc đề tài và nhận giải thưởng, hai em vẫn nói vui với nhau: “Công nhận lúc đó chúng em liều thật”.
Tham vọng của 2 SV tay ngang làm công nghệ nhận diện vân tay
Theo nhóm Long, ngày nay, công nghệ Sinh trắc học đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Vân tay là đặc trưng sinh trắc học được sử dụng phổ biến nhất trong hệ thống bảo mật bởi tính phố biến và sử dụng dễ dàng. Gần đây, công nghệ này được ứng dụng trong điện thoại thông minh cao cấp.
Với một chiếc điện thoại thông minh có định vị GPS, chỉ với vài thao tác đơn giản, người sử dụng có thể dễ dàng điểm danh, chấm công dù ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Sau khi quét qua hệ thống nhận diện vân tay, thông tin người sử dụng sẽ được đưa về hệ thống máy chủ phân tích và định danh thông qua các thuật toán được xây dựng trên ngôn ngữ lập trình C sharp. Hệ thống GPS sẽ xác định vị trí của người dùng.
 “Hiện nay một số trường ĐH hay các công ty đều có hệ thống quét dấu vân tay. Tuy nhiên, các hệ thống đó lại mang tính dữ liệu cục bộ và không thể áp dụng cho nhiều trường hợp. Ví dụ, nhân viên làm việc tại nhiều nơi khác nhau thì hệ thống này sẽ không đáp ứng được. Do vậy, chương trình nhận diện dấu vân tay trên thiết bị di động sẽ giải quyết được tồn tại đó” - Đoàn Nguyễn Đăng Khoa, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Sau khi thực nghiệm trên 2000 trường hợp đối sánh giữa các cặp ảnh vân tay khác nhau để kiểm nghiệm tính đúng đắn của thuật toán, nhóm nghiên cứu đã xác định được độ chính xác của hệ thống lên đến hơn 98%. Ngoài ra, hệ thống này còn cung cấp đầy đủ dữ liệu về thông tin sinh viên, thông tin điểm danh của các lớp học. Dựa vào cơ sở dữ liệu này, bộ phận quản lý của nhà trường có thể dễ dàng theo dõi tình hình đi học của sinh viên, hỗ trợ kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện tại, hệ thống này hoạt động trên hệ điều hành di động Windows phone.
Để hoàn thành đề tài, ít ai biết rằng nhóm Long đã mất quãng thời gian 2 năm trời mày mò nghiên cứu, từ tìm kiếm kiến thức bởi chương trình học không hề có công nghệ Sinh trắc học, nhận diện ảnh vân tay. Để có được kiến thức về lĩnh vực mới mẻ đó, Khoa và Long đã phải tìm kiếm tài liệu trên Internet rồi dịch lại. Khi bắt tay vào thực hiện, hình ảnh vân tay trên điện thoại lại không cho hiển thị. Khánh và Long phải hy sinh những giấc ngủ tròn, những buổi đi chơi với người yêu để mày mò tìm cách giải quyết.
Đến khi sản phẩm hoàn thành, nhóm dự thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa, khó khăn vẫn chưa “buông tha” hai em. Trước khi dự thi nhóm đã demo (chạy thử) ứng dụng tương đối trơn tru. Song, đến trước thời điểm thuyết trình, hệ thống lại “trở chứng”, phát sinh lỗi. Hai cậu sinh viên phải “mướt mồ hôi” làm lại gần như toàn bộ phần lập trình hệ thống.
Rất may mắn là khi chúng em làm vừa xong cũng kịp đến phần thi thuyết trình. Đây là bài học để chúng em rút kinh nghiệm xương máu và cẩn thận hơn trong những đề tài nghiên cứu tiếp theo” - Thanh Long, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Sản phẩm của nhóm đã đạt điểm cao nhất tại hai vòng chấm khối kỹ thuật 3: công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông của hơn 100 trường đại học trong cả nước tham gia giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến thuật toán để quá trình xử lý được nhanh hơn. Đồng thời, tiếp tục cải tiến công nghệ xử lý ảnh vân tay để nâng cao độ chính xác của hệ thống. Tham vọng của nhóm, có thể ứng dụng công nghệ xử lý ảnh vân tay vào các hệ thống bảo mật trong nhiều lĩnh vực như: quản lý nhân khẩu, quản lý xuất nhập cảnh, hệ thống ATM…
Nguồn: vusta.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây