Thử nghiệm máy cắt lục bình tại U Minh Hạ. Nhiều năm nay, việc cắt rong, lục bình, cỏ dại... trên kênh rạch và sông ở TPHCM chủ yếu được thực hiện bằng thủ công với năng suất thấp, chi phí cao. Trước thực trạng này, UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở KH-CN TPHCM xem xét ứng dụng hệ thống máy cắt lục bình do một nhóm nhà khoa học thuộc Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nghiên cứu và chế tạo. Nếu thành công, loại máy này sẽ giải quyết được bài toán về xử lý lục bình cho cả ĐBSCL.
Tốn hàng tỷ đồng vì lục bình
Theo các chuyên gia, lục bình là loại thủy sinh phát triển khá nhanh. Nếu không cắt triệt để tận gốc, lục bình sẽ nhanh chóng sinh sôi trở lại. Trong khi đó, công tác vệ sinh kênh rạch trong và ngoài TP vẫn diễn ra chủ yếu bằng sức người và các vật dụng thô sơ như vợt cá hay kể cả máy cắt cỏ... Hiện mỗi năm, TPHCM cấp kinh phí cho các đơn vị chuyên thu gom và xử lý lục bình như Sở NN-PTNT, các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi, công ty dịch vụ công ích tại quận, huyện... lên đến hàng chục tỷ đồng. Mới đây, UBND TP đã giao cho các quận, huyện tổ chức vớt lục bình trên 29 tuyến kênh với kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay hoạt động này vẫn diễn ra khá chậm do các đơn vị không có thiết bị chuyên dụng xử lý.
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác các công trình thủy lợi TPHCM cho biết, đối với việc xử lý lục bình tại TP, thông thường, các nhân viên vệ sinh sẽ dùng dây thừng chia cắt lục bình thành từng khối nhỏ rồi kéo vào bờ. Sau đó, huy động các xe múc đưa lục bình lên bờ rồi mới vận chuyển đến các bãi rác để chôn lấp. Với lượng rác thải nổi vừa cồng kềnh, vừa có khối lượng lớn nên năng suất và chất lượng công việc rất thấp, người lao động phải làm việc vất vả. Mặt khác, để dễ dàng dọn vệ sinh và cắt vớt rong, cỏ dại, lục bình... nhân viên phải đóng kín các cửa van cấp nước để làm cạn nước tại một số tuyến kênh, mương. Điều này, dễ gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dọc theo toàn bộ tuyến kênh mương đi qua khu dân cư.
Rong, cỏ, rác thải nổi, bèo, lục bình và các loại thực vật sinh sống chen nhau, phát triển lâu ngày dưới lòng kênh đã làm giảm tốc độ dòng chảy, cản trở giao thông đường thủy trên kênh, rạch. Bên cạnh đó, lục bình và rác thải bị giữ lại gây phát sinh muỗi và dịch bệnh liên tục tại các quận, huyện như Bình Thạnh, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn... Theo dự báo, tình trạng này sẽ còn diễn ra nghiêm trọng hơn khi TPHCM bước vào mùa mưa.
Thử nghiệm máy cắt tự động
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp bàn về xử lý lục bình trên kênh rạch do UBND TP chủ trì, giải pháp về sử dụng máy cắt lục bình tự động do Sở KH-CN TPHCM đề xuất được nhiều sở, ngành đặc biệt quan tâm. Mới đây nhất, trong lần thực địa tại huyện Bình Chánh vào ngày 29-6, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo ứng dụng thử nghiệm hệ thống máy cắt lục bình tại quận Bình Thạnh ngay từ đầu tháng 7.
Máy cắt tự động là sản phẩm do nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ - máy công nghiệp (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) nghiên cứu, chế tạo từ năm 2010. Theo TS Bùi Trung Thành, Giám đốc trung tâm, máy được thiết kế với 2 bánh xe nước lắp hai bên, giúp máy có thể đạp lên đống lục bình dày đặc mà không bị vướng so với các loại máy trang bị hệ thống đẩy bằng chân vịt. Phía trước có 2 hệ thống dao nằm dọc và ngang đảm bảo khả năng cắt lục bình thành từng khối nhỏ. Lục bình sau khi cắt lần lượt được nâng lên 3 băng tải rồi đưa thẳng vào bờ. Trong đó, mọi chuyển động của các cụm máy đều được hoạt động và điều khiển bằng hệ thống thủy lực nhằm đảm bảo máy hoạt động tốt trong điều kiện khắc nghiệt và phức tạp.
Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, máy đã được Công ty Quản lý khai thác các công trình thủy lợi thử nghiệm khá hiệu quả tại các con kênh tại huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Theo tính toán, mỗi giờ máy có khả năng dọn sạch từ 0,2 đến 0,4ha lục bình, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho công ty.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, hiện TP có 170 kênh, rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại bao phủ. Còn qua khảo sát ở một số tuyến kênh chính của TP như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, lượng lục bình vớt được hơn 4 tấn/ngày. Riêng 2 tuyến kênh Tân Hóa và Lò Gốm, lượng lục bình ước tính lên đến 10 tấn... như vậy phải đưa máy móc vào mới có thể đảm đương nổi. Hơn nữa, nếu thử nghiệm thành công máy cắt lục bình tự động, sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi cho cả ĐBSCL vì lượng lục bình cần dọn dẹp nơi đây cũng nhiều vô kể.
Theo Sài Gòn giải phóng
Theo Sài Gòn giải phóng