Triển vọng một bài thuốc dân gian

   Theo kinh nghiệm dân gian, 3 dược liệu: ý dĩ, bồ đề và xấu hổ được sử dụng để điều trị sỏi tiết niệu. Bài thuốc này có tác dụng làm tan sỏi và làm nhỏ kích thước của sỏi đường tiết niệu, bao gồm sỏi thận, sỏi bàng quang và sỏi niệu quản.
Triển vọng một bài thuốc dân gian
Từ những dược liệu đơn giản...
Sỏi tiết niệu là loại bệnh thường gặp. Tuy nhiên, việc điều trị nội khoa bệnh này vẫn còn hạn chế. Từ thực tế đó, năm 2012-2013, Trường Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu dược lý thực nghiệm và lâm sàng của bài thuốc gồm 3 dược liệu: ý dĩ, bồ đề và xấu hổ để ứng dụng trong hỗ trợ trong điều trị bệnh sỏi tiết niệu”.
Để có đủ dược liệu phục vụ nghiên cứu bào chế, ban chủ nhiệm đề tài đã về các vùng núi Chí Linh, Kinh Môn để tìm kiếm, thu hái dược liệu. Dược liệu thu về được làm sạch, cắt nhỏ, phơi, sấy khô và bảo quản trong túi ni-lông kín. Trước khi điều trị trên người, ban chủ nhiệm đề tài đã thử nghiệm trên chuột cống trắng. Đề tài sử dụng mô hình tạo sỏi tiết niệu invivo (là phương pháp nghiên cứu trên sinh vật sống ở trạng thái sinh lý bình thường). Chuột được gây sỏi bằng ethylen glycol 1% và amoni clorid 0,5%, quan sát tinh thể calci oxalat niệu tạo thành dưới kính hiển vi và sự lắng đọng của tinh thể này trong 28 ngày. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt rõ ràng về số lượng tinh thể niệu giữa hai nhóm: nhóm chuột được uống dịch chiết của bài thuốc và nhóm chuột uống nước. Ở lô chứng bệnh, tinh thể lắng đọng nhiều, tụ lại thành các đám lớn, nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong thận, trong khi ở lô uống dịch chiết của bài thuốc, tinh thể lắng đọng ít, chỉ tụ lại thành đám nhỏ nằm rải rác.
Đề tài đã xây dựng được quy trình chiết xuất các dược liệu. Từ việc chiết xuất toàn phần bài thuốc bằng nước và ethanol đến chiết xuất phân đoạn từng dược liệu phải sử dụng các dung môi có độ phân cực khác nhau đều bảo đảm đúng quy trình. Các kết quả nghiên cứu về độc tính cho thấy, cả 3 loại dược liệu ý dĩ, bồ đề và xấu hổ đều không có độc tính và có đủ các điều kiện để sử dụng trên người.
... tới "Viên nang tiết niệu"
Từ kết quả trên, ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương sản xuất thực phẩm chức năng từ 3 loại dược liệu trên. Công ty đã sản xuất 20 nghìn viên nang cứng, mỗi viên chứa 350 mg cao tiết niệu, được đóng trong lọ 100 viên, có tên “Viên nang tiết niệu”. Sản phẩm đạt yêu cầu về độ đồng đều khối lượng, độ rã, độ hòa tan, được áp dụng thực nghiệm ban đầu với 30 bệnh nhân mắc bệnh sỏi tiết niệu có kích thước sỏi nhỏ hơn 1 cm. Kết quả bước đầu cho thấy, cả 30 bệnh nhân có sự cải thiện rõ ràng về kích thước sỏi, bài thuốc có tác dụng tốt đối với các bệnh nhân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhài, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Các kết quả nghiên cứu khá toàn diện về một bài thuốc làm tan sỏi tiết niệu là cơ sở để đưa vào sử dụng trong lâm sàng cho việc điều trị các bệnh nhân sỏi tiết niệu ở trong và ngoài tỉnh. Thực tế, ý dĩ, xấu hổ có nhiều loài khác nhau, hàm lượng hoạt chất trong cây phụ thuộc vào thời gian thu hái. Vì thế, việc tiêu chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào của 3 vị dược liệu là hết sức cần thiết. Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn tiếp tục thử nghiệm trên bệnh nhân với số lượng lớn hơn. Qua đó, khẳng định tác dụng của bài thuốc nhằm tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Hải Dương có nguồn gốc thiên nhiên an toàn, hiệu quả.
Từ những dược liệu đơn giản, những nhà khoa học đã nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả và có tính khả thi. Đề tài vừa được nghiệm thu trong tháng 3 và được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá đạt loại xuất sắc. Tuy nhiên, để sản phẩm này sớm đến với đông đảo người bệnh, tỉnh cần quan tâm, tiếp tục đầu tư phát triển đề tài. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển nền y học cổ truyền với sự hỗ trợ của khoa học hiện đại.
Theo Báo Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây