Cảnh báo thuốc trị cảm có thể làm giảm trí nhớ

Kháng cholinergic trong thuốc cảm cúm có thể làm giảm trí nhớ khi lớn tuổi.

Cảnh báo thuốc trị cảm có thể làm giảm trí nhớ

Nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Indiana mới đây cho thấy một vài loại thuốc kháng histamine và thuốc trị cảm có chứa kháng cholinergic có thể làm giảm trí nhớ khi lớn tuổi.

Thuốc kháng cholinergic là các thuốc được sử dụng để chữa các chứng bệnh nhẹ như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, mất ngủ, say xe, ợ chua…

Theo nghiên cứu, một số người trên 70 tuổi được xem xét các chức năng của não bằng nhiều phương pháp quét não và kiểm tra nhận thức. Những người sử dụng thuốc kháng cholinergic được nhận thấy có não nhỏ hơn và bị hư hại nghiêm trọng hơn, kết quả kiểm tra nhận thức của họ cũng thấp hơn người không dùng thuốc.

Người dùng thuốc kháng cholinergic cũng có mức độ chuyển hóa glucose thấp hơn, đây là biểu thị sinh học cho hoạt động của não, ở bộ phận đi liền với trí nhớ thường bị ảnh hưởng sớm khi mắc bệnh Alzheimer.

Các nhà khoa học cho biết có hơn 100 loại thuốc chứa thành phần kháng cholinergic. Các hóa chất này ngăn chặn acetylcholine, một dẫn truyền thần kinh liên lạc từ tế bào thần kinh đến các tế bào khác. Trong não, acetylcholine rất quan trọng để học hỏi và ghi nhớ. Với các phần khác của cơ thể, chất này khởi động việc co thắt của cơ.

Trước đây, đã từng có nhiều nghiên cứu về việc thuốc kháng cholinergic ảnh hưởng đến não. Các loại thuốc này có liên hệ đến các vấn đề về suy nghĩ và ghi nhớ ở người lớn tuổi. Người già sử dụng thuốc này thường có vấn đề về trí nhớ, bao gồm mất trí. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy chức năng não của người lớn tuổi thay đổi chỉ sau hai tháng dùng thuốc loại này.

Não của người mắc Alzheimer thường bị thiếu acetylcholine, và thuốc có thể khiến tình trạng này tệ hơn, thậm chí làm teo não. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng thuốc kháng cholinergic trong ít nhất ba năm có thể làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer đến 54%, và càng dùng lâu thì nguy cơ càng cao.

Ngay cả nhiều loại thuốc phổ biến khác cũng có thể chứa thành phần kháng cholinergic, bao gồm thuốc chống trầm cảm, Parkinson, kiểm soát bàng quang, hay sirô trị ho…

7 nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm trí nhớ

Trầm cảm

Khi một người đang chán nản, sẽ rất khó khăn để tập trung và nhớ lại nhiều thứ vì mối bận tâm của họ hiện tại là những cảm xúc tiêu cực kia. Trên thực tế, không ai có thể miễn nhiễm với trầm cảm. Trầm cảm có thể xảy ra ngay cả với trẻ con nếu chúng phải thường xuyên tiếp xúc với các tình huống căng thẳng.

Một số trường hợp có thể làm cho con người bị trầm cảm, chẳng hạn cái chết của người thân yêu, thiếu sự quan tâm từ gia đình và một vài lý do khác. Cảm xúc tiêu cực bao gồm cả sự giận dữ, sợ hãi và lo âu cũng có thể làm cho bạn mau quên, mất khả năng tập trung.

Làm nhiều việc cùng lúc

Đa phần chúng ta có thói quen làm nhiều việc cùng lúc với hy vọng hoàn thành được nhiều việc càng nhanh càng tốt. Trong khi nhiều người nghĩ điều này là tốt nhưng thói quen này về lâu dài có thể dẫn đến rối loạn tâm thần, căng thẳng và giảm trí nhớ. Thậm chí, vào thời điểm tâm trí của bạn bị quá tải với những việc cần làm có thể dẫn đến rối loạn tâm thần.

Che giấu cảm xúc thật

Có những người luôn rèn luyện bản thân để che giấu cảm xúc thật của mình khỏi sự sợ hãi, xấu hổ hay tự hào. Họ có xu hướng bỏ qua khía cạnh tình cảm trong cuộc sống, vì vậy họ không còn gắn kết cảm xúc với suy nghĩ của bản thân. Như thế sẽ giúp người đó thực hiện tốt công việc hoặc nghiên cứu ngay cả khi cuộc sống của họ đang ở trong tình trạng hỗn độn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với trí nhớ của chính họ.

Lạm dụng chất gây nghiện (đặc biệt là ma túy)

Một số loại thuốc bị đưa vào danh mục cấm bởi một lý do rõ ràng là chúng không mang lại bất kỳ lợi ích nào mà còn gây hại cho sức khỏe. Có những người đã bị nghiện sau vài lần dùng thử chất ma túy. Một khi cơ thể đã trở nên quen với những chất này, họ dần đánh mất những thói quen tốt của mình.

Bên cạnh vấn đề về thể chất và tâm lý, lạm dụng chất gây nghiện có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ vì các chất này ảnh hưởng đến vùng hippocampus và một phần của não đảm nhận chức năng nhận thức. Kết quả là trí nhớ sẽ kém dần đi.

Uống quá nhiều rượu

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy lạm dụng rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và tâm thần, bao gồm suy giảm trí nhớ. Nghiện rượu có thể dẫn đến trí nhớ kém hoặc mất trí nhớ tạm thời bởi khi rượu được hấp thụ vào cơ thể sẽ ngăn chặn khí oxy lưu thông lên não, đặc biệt là ở khu vực có chứa cồn. Theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra tác động tiêu cực trên toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương.

Thiếu Thiamine (sinh tố B1)

Theo các chuyên gia, một lượng lớn vitamin B1 nằm trong bộ não, chúng duy trì việc sản xuất các dẫn truyền thần kinh có tác động đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người.

Những người không nhận được đủ lượng thiamin từ chế độ ăn uống có thể bị hội chứng Wernicke-Korsakoff, một loại rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.

Thiếu ngủ

Giấc ngủ giúp "refresh" cơ thể và tâm trí của bạn, là thời gian cho các tế bào và mô được phục hồi. Bên cạnh đó, sóng não được tạo ra khi bạn ngủ, đây là cơ chế quan trọng trong việc lưu trữ những kỷ niệm trong bộ não. Các sóng não cũng có thể chuyển những kỷ niệm này đến vỏ não trước trán, đó là nơi lưu trữ giống như các “cửa hàng ký ức” trong thời gian dài.

Khi bạn không ngủ đủ giấc, những ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán, tình trạng này dẫn đến sự lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. 

Theo vietq.vn


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập232
  • Hôm nay44,603
  • Tháng hiện tại1,123,454
  • Tổng lượt truy cập3,828,658
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây