Luật chuyển giao công nghệ sẽ chặn rác thải công nghiệp vào Việt Nam

Theo chuyên gia, để tiếp tục ngăn công nghệ lạc hậu, cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm “made in Việt Nam”.

Luật chuyển giao công nghệ sẽ chặn rác thải công nghiệp vào Việt Nam

Trong buổi trình dự thảo luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 13/9, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho biết: Thực trạng tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng, …) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

"Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta." - Ông Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Phạm Trung Hiếu, giám đốc Công ty Song Nam (công ty chuyên sản xuất các sản phẩm bulong, ốc, vít…) cho rằng: Nền công nghiệp của Việt Nam chưa phát triển là bởi: Thứ nhất, người Việt chưa phát minh được máy móc mới. Thứ hai, doanh nghiệp Việt không đủ tiền để mua hàng loạt máy móc xịn.

Theo ông Hiếu, các cơ chế về mặt tín dụng phải chuẩn, vay vốn 10 đồng thì phải dùng cho đầu tư công nghệ 10 đồng, đừng vay vốn 10 mà bỏ cho máy móc, thiết bị công nghệ chỉ 2 – 3 đồng là vứt đi hết. Nhà nước cần có hành lang pháp lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn tình trạng công nghệ lạc hậu này.

Cũng theo ông Hiếu, để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, Nhà nước sẽ phải tạo ra môi trường mở hơn nữa cho doanh nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp bớt các khoản đầu tư vào những lĩnh vực khác như mặt bằng để họ chỉ phải chuyên tâm tập trung về công nghệ, kỹ thuật.

Ông Hiếu đưa ra ví dụ: “Doanh nghiệp đầu tư thuần túy về máy móc thiết bị như chúng tôi, nếu về quê thì mặt bằng chẳng tốn bao nhiêu, nhưng ở tỉnh lẻ, công nghiệp hỗ trợ như hóa chất, dịch vụ sửa chữa, điện, chi tiết về tự động hóa… nhiều thứ lại phải vòng ra Hà Nội hoặc TP. HCM mua, rất tốn thời gian trong khi máy móc dừng 1 ngày đã tốn chục triệu đồng. Vì vậy, buộc các doanh nghiệp phải kinh doanh, sản xuất quanh địa bàn Hà Nội, Sài Gòn. Nhưng nếu ở Hà Nội, doanh nghiệp lại phải đầu tư hết vốn liếng vào mặt bằng, chúng tôi sẽ chẳng còn tiền cho công nghệ”.

Một trong những ngành liên quan đến công nghệ được nhiều chuyên gia nói nhiều nhất là công nghiệp ô tô, vốn được xem là ngành trọng điểm và luôn được hưởng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với những "ưu ái" trên, ngành sản xuất ô tô trong nước lại đang có quy mô khá nhỏ so với các nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia, quy hoạch của ngành ô tô đến nay có thể được đánh giá là chưa thành công. Còn nhớ, năm 2014, khi chiếc xe ô tô điện tự chế điều khiển bằng smartphone Angkor EV 2014 do công dân Campuchia - ông Nhean Phaloek - sáng chế đã khiến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phải “giật mình”. Bởi công nghệ sản xuất ô tô tại Việt Nam đi trước Campuchia từ rất lâu nhưng lại tụt hậu trong việc tự chế ô tô điện – đó là điều rất đáng buồn.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã từng tỏ ra nuối tiếc khi cho rằng: Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã đánh mất đi “tuổi xuân” nhiều quá khi không trưng dụng được các kỹ sư giỏi.

Cũng theo ông Hùng, sở dĩ ngành công nghệ ô tô của Việt Nam tụt hậu vì mới chỉ tập trung chủ yếu vào lắp ráp, chứ chưa ưu tiên sản xuất loại ô tô chất lượng cao. 

Trong buổi trình dự thảo luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi trước UB Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã khẳng định: Việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.

Theo vietq.vn

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay37,884
  • Tháng hiện tại1,116,735
  • Tổng lượt truy cập3,821,939
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây