Những cơ sở cố tình tái phạm sản xuất nước đóng bình không đảm bảo vệ sinh sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Các cơ sở vẫn cố tình vi phạm ATVSTP
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Bên cạnh những cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thì vẫn có những đơn vị chưa đăng ký cấp phép, sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, vi phạm chủ yếu là những cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn chưa được đầu tư thỏa đáng.
Trong tháng 8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội tổ chức đợt cao điểm tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở nước uống đóng bình từng có vi phạm, thẩm định lại các cơ sở đã được cấp phép, đồng thời thanh tra đột xuất tại một số nơi, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường.
Khi kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Trọng Thái số 6, ngõ 318, phố Ngọc Trì, Thạch Bàn, Long Biên, đoàn kiểm tra đã phát hiện tại khu vực đựng vỏ bình của cơ sở vẫn sắp xếp lộn xộn, mặt bằng lênh láng nước do hệ thống xử lý nước chưa hiệu quả. Cơ sở này từng 2 lần bị phạt vì vi phạm ATTP.
Tại huyện Gia Lâm, đoàn kiểm tra đã đến hậu kiểm Công ty CP Sản xuất & Thương mại Ngọc Hải. Tại thời điểm kiểm tra, chưa phát hiện lỗi vi phạm ATTP. Đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước tại công ty này.
Nói về thực trạng trên, bà Khuất Thị Dung - Phó Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn quận đã kiểm tra 26 lượt/23 cơ sở. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở, yêu cầu 4 cơ sở ngừng hoạt động để hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất và giấy tờ pháp lý theo quy định.
Xử lý nghiêm các cơ sở xuất nước đóng bình bẩn
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình trên địa bàn, ông Trần Ngọc Tụ cho biết, thanh tra Chi cục ATVSTP đang tiếp tục tiến hành hậu kiểm đối với các cơ sở có vi phạm nói trên. Những cơ sở cố tình vi phạm, tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm và danh tính sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc tăng cường hậu kiểm là vô cùng quan trọng. Bởi hiện nay, không chỉ có cơ sở hoạt động “chui” mới đưa ra thị trường những sản phẩm mất an toàn, ngay cả những cơ sở được cấp phép cũng có sai phạm. Một số cơ sở thực hiện tốt quy định khi cơ quan chức năng thẩm định để cấp giấy phép, nhưng khi có được quyền sản xuất rồi thì không tuân thủ nghiêm túc nữa.
Theo khuyến cáo của Cục ATTP (Bộ Y tế), người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các sản phẩm nước uống đóng bình, nước tinh khiết đã được công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Khi mua hàng cần lưu ý nhãn mác với đầy đủ các nội dung như tên sản phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm.
Ngoài ra, để thắt chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho đối tượng sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để cơ sở không đạt yêu cầu điều kiện an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo vietq.vn