Thông báo số 314/TB-QLCL của Cục quản lý chất lượng hàng hóa vừa gửi tới cơ quan thông tin đại chúng có ghi rõ, theo chỉ đạo của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TC-ĐL-CL), cơ quan này đã phối hợp với Chi cụcTC-ĐL-CL, Sở KH-CN Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch – Công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, địa chỉ Km 9, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội (đường 32 rẽ vào Khu đô thị Mỹ Đình). Nhóm đã tiến hành lấy mẫu xăng không chì RON92 tại cửa hàng trên để kiểm định. Kết quả cho thấy mẫu xăng này không đạt chất lượng.
Methanol, Etanol càng cao càng dễ cháy
Xăng RON92 tại đây không phù hợp với QCVN1:2009/BKHCN. Lý do không đạt là vì hàm lượng oxy thực tế 8,8% khối lượng, cao vượt 3 lần quy định cho phép. Trong mẫu xăng này, hàm lượng methanol chiếm 15,3% thể tích, hàm lượng nước 366ppm. “Các hàm lượng này chưa được đăng ký và chấp thuận của Bộ KH-CN”, văn bản ghi rõ.
PGS.TS Lê Thị Hoài Nam cho biết, hàm lượng ethannol trong xăng chiếm tới 15,3% thể tích là quá lớn. Theo PGS Nam, nhiệt độ sôi của etanol là trên 70 độC, của methanol là 65 độ C. Nhiệt độ sôi thấp thì sẽ dễ bốc hơi, dễ bốc cháy hơn các loại khác. “Nếu hàm lượng etanol, methanol trong xăng càng cao thì sẽ càng làm tăng khả năng bay hơi, nếu gặp tia lửa sẽ dễ bốc cháy hơn. Nếu hàm lượng nhỏ thì sẽ không có vấn đề gì cả”, bà Nam nói.
PGS Nam cũng lưu ý, nếu 2 hàm lượng methanol và etanol quá lớn như vậy sẽ dễ dẫn đến cháy nổ. Hiện nhiều nước trên thế giới quy định xăng methanol chỉ có một số loại xe được sử dụng chứ không phải xe nào cũng có thể sử dụng.
Phỏng đoán nguyên nhân cháy xe
Một góc nhìn khác của chuyên gia về vật liệu, ông Đỗ Ngọc Huy, Giám đốc Công ty vật liệu Polymer phân tích về điều kiện gây cháy nổ xe. Theo ông Huy, người ta hướng đến điều kiện gây cháy; một là do chập điện, hai là do hở xăng. Riêng ông Huy cho rằng, nếu nghĩ đến nguyên nhân là do bình điện thì cần phải nghĩ đến dây dẫn điện. Các bó dây dẫn của ô tô và xe máy trước kia các hãng thường sử dụng dây dẫn được sản xuất ở Việt Nam thì có thể lớp vỏ nhựa cách điện không tốt. “Song hiện Việt Nam đã mua dây của các công ty liên doanh nên không thể nghĩ đến chuyện chảy dây dẫn đến chập điện. Tôi cho là do xăng nhiều hơn”, ông Huy nói.
Ông Huy cũng khẳng định, nếu xăng đạt tiêu chuẩn sẽ không sao, tuy nhiên rất có thể người bán xăng (kể cả xăng dành cho máy bay, ô tô hay xe máy) đã pha không đúng tỷ lệ một chất được gọi là chống kích nổ. “Chất này nếu pha sai tỉ lệ sẽ là dung môi làm hỏng các phớt của xe dẫn đến rò rỉ xăng. Nếu rò rỉ khiến xăng bốc hơi thì không cần có tia lửa điện (nghĩa là điện bị chập) mà chỉ cần xe ở nhiệt độ cao nhất định đã có thể bốc cháy”, ông Huy khẳng định.
Ông Huy cũng chỉ mặt các chất nếu pha sai tỉ lệ sẽ khiến xăng trở thành nguyên nhân dẫn đến cháy nổ đó là Methanol + Etanol, hay Teriary + Butin alcol (TBA), hay Methyl + Teryary butin ethe (MTBE). “Có thể hiểu xăng bay hơi rất nhanh nên người ta sẽ phải pha thêm chất để kìm hãm chống phát nổ để cân bằng, nhưng nếu pha quá tỷ lệ sẽ làm hỏng phớt, doăng của xe dẫn đến rò rỉ xăng, gặp nhiệt độ cao sẽ gây cháy, nổ”, ông Huy nhấn mạnh thêm.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TC-ĐL-CL cũng đưa ra nhận xét khả năng về vật liệu cao su trên xe bị ăn mòn. "Các vụ xảy ra vừa qua có điểm chung là khi xe cháy, thấy có khói, người chủ xe ra khỏi xe, sau đó mới thấy xe cháy bùng lên vì khi đó đường ống dẫn xăng bị thủng", ông Vinh cho biết.
Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã lấy một số mẫu xăng liên quan đến xe cháy nổ. Mục đích kiểm tra là để xác định xem xăng ethanol hay methanol có chất acetone hay phụ gia gây cháy nổ hay không. "Mẫu xăng lấy ngay từ chiếc xe cháy này sẽ cho kết quả chính xác hơn so với các mẫu trước, lấy từ các cây xăng liên quan", ông Vinh nói.
Xăng từ xe bị cháy đạt chất lượng Nguồn baodatviet.vn |