Ngày 18/7, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã có buổi làm việc với Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông về xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn đo lường chất lượng năm 2025.
Tham dự buổi làm việc, về phía Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban, cùng đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban.
Về phía Bộ Thông tin & Truyền thông có ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Vụ trưởng Vụ KHCN, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông đã trình bày về tình hình triển khai công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đề xuất kế hoạch công tác năm 2024, định hướng xây dựng kế hoạch TCĐLCL năm 2025.
Theo đó, khoảng thời gian từ năm 2023 đến nay, Bộ TT&TT đã tổ chức xây dựng và ban hành QCVN và đề nghị Bộ KH&CN công bố TCVN như sau: 05 QCVN cho sản phẩm, hàng hóa (thiết bị đầu cuối; thiết bị trạm gốc; thiết bị trạm lặp thông tin di động; thiết bị vô tuyến cự ly ngắn; và bộ phát đáp ra đa tìm kiếm cứu nạn): giúp nâng cao chất lượng, an toàn của sản phẩm (về yêu cầu vô tuyến, tương thích điện từ); bổ sung các yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người sử dụng (yêu cầu về hỗ trợ VoLTE trong thiết bị điện thoại di động mặt đất 4G).
Đồng thời đang triển khai xây dựng một số bộ QCVN phục vụ công tác quản lý của Bộ TTTT như QCVN về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người; QCVN về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất; Sửa đổi QCVN 126:2021/BTTTT về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc hỗ trợ đồng thời mạng thông tin di động NR và E-UTRA.
Về TCVN, năm 2023 hoàn thành 07 TCVN về Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã được công bố. Đến nay đang tiếp tục đề nghị Bộ KH&CN công bố thêm 06 TCVN về an toàn thông tin; đô thị thông minh; đặc tả tập dữ liệu mở cho cổng dữ liệu. Đang tiếp tục tổ chức lấy ý kiến TCVN về IoT, và trí tuệ nhân tạo, Phát thanh số DAB+ theo quy trình tiến tới công bố thành TCVN.
Về triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001: Ngày 30/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch tổng thể xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Bộ Thông tin và Truyền thông (Quyết định số 2208/QĐ-BTTTT). Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có 11 đơn vị/khối đơn vị thuộc nhóm bắt buộc phải xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và 11 đơn vị thuộc nhóm khuyến khích xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001.
Trong năm 2023, có 10/11 đơn vị, khối đơn vị có thủ tục hành chính thuộc Bộ đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; Có 09 đơn vị không có thủ tục hành chính (nhóm khuyến khích) đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Còn 02 đơn vị không có thủ tục hành chính (nhóm khuyến khích) đang xây dựng, áp dụng và dự kiến công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Cao đẳng Thông tin và Truyền thông);
Trong năm 2023, Bộ TTTT thành lập Đoàn kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến và chuyển đổi số Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Hoạt động kiểm tra tại trụ sở 20 đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tốt, cách làm hay, giải đáp các đề xuất, kiến nghị và hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của các đơn vị trong Bộ để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh, góp phần cải cách hành chính theo hướng ngày càng hiện đại.
Về hoạt động đánh giá sự phù hợp, công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường: Tổ chức chứng nhận được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định (tổ chức thuộc Cục Viễn thông) tiếp tục thực hiện; hoạt động chứng nhận hợp quy, quản lý chứng nhận hợp quy. Hoạt động CBHQ, KTCL hàng hóa trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được triển khai đối với Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2);
Về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình được triển khai thông qua các quy định về công bố chất lượng dịch vụ, kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ. Việc công bố chất lượng do doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ; việc kiểm tra, giám sát được thực hiện theo kế hoạch hàng năm hoặc kiểm tra đột xuất do các cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử) thực hiện;
Hoạt động đăng ký hoạt động, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp được triển khai theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ; hoạt động thừa nhận các phòng thử nghiệm viễn thông được triển khai trong khuôn khổ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau TEL MRA trong APEC và ASEAN do Bộ TTTT chủ trì.
Tới nay đã chỉ định 31 phòng thử nghiệm trong nước trong các lĩnh vực đo kiểm tương thích điện từ (EMC), đo kiểm vô tuyến, phơi nhiễm trường điện từ, an toàn điện, tiếp đất, chống sét, kiểm định phần mềm, chất lượng dịch vụ viễn thông, truyền hình; đã triển khai thừa nhận 79 phòng thử nghiệm nước ngoài (Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, Singapore) đo kiểm thiết bị viễn thông trong khuôn khổ TEL MRA. Bộ TTTT đã chỉ định 01 tổ chức chứng nhận lĩnh vực viễn thông và bắt đầu xã hội hóa công tác đo kiểm phục vụ kiểm định thiết bị trạm gốc thông tin vô tuyến (BTS) và đài truyền hình;
Về kết quả công tác quản lý nhà nước về đo lường trong sản xuất, kinh doanh: Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng liên quan luôn tuân thủ quy định hiện hành và đóng góp vào việc quản lý các phương tiện đo nói riêng, hoạt động quản lý nhà nước về đo lường nói chung trong lĩnh vực liên quan. Các phòng thử nghiệm đã đăng ký, phòng thử nghiệm được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định đều đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, phương tiện đo được sử dụng (các quy định về đăng ký phương tiện đo, hiệu chuẩn về phương tiện đo).
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia Hà Minh Hiệp cho biết, về cơ bản Bộ TTTT có sự phối hợp tốt với Ủy ban trong công tác xây dựng, triển khai các văn bản QPPL; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quản lý nhà nước về đo lường; triển khai áp dụng TCVN ISO 9001; công tác đánh giá sự phù hợp, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; công tác TBT; triển khai Chương trình NSCL 132.
Cũng theo ông Hiệp, đối với đề xuất phối hợp giữa Bộ TTTT và Ủy ban, về cơ bản Ủy ban nhất trí với đề xuất về việc phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bao gồm: Phối hợp triển khai sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tăng cường phổ biến, trao đổi thông tin hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động TCĐLCL; Bổ sung TCVN về Trung tâm dữ liệu trong kế hoạch TCVN năm 2024.