Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo, lấy ý kiến xây dựng Thông tư bổ sung 1:2024 QCVN 126:2021/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G”.
Kinh nghiệm quốc tế và định hướng cho Việt Nam
Theo khảo sát của Vụ Khoa học và Công nghệ, các nước trong khu vực và trên thế giới có những quy định khác nhau về tốc độ tải xuống tối thiểu cho dịch vụ 5G. Cụ thể, tại Trung Quốc, mục tiêu đến cuối năm 2024 là tốc độ tải xuống trung bình đạt trên 200 Mbps và tốc độ tải lên trung bình đạt trên 40 Mbps. Đến cuối năm 2025, chỉ tiêu này tăng lên lần lượt là 220 Mbps và 45 Mbps.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc không có quy định cụ thể về tốc độ tải xuống tối thiểu nhưng sử dụng các biện pháp khác để thúc đẩy tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ giữa các nhà mạng. Ở Indonesia và Malaysia, các quy định về tốc độ tải xuống tối thiểu cũng được thiết lập, với Indonesia yêu cầu tốc độ tải xuống tối thiểu ít nhất là 100 Mbps và Malaysia là 100 Mbps cho 90% số lần kiểm tra.
Philippines và Singapore cũng có các chỉ tiêu tốc độ tải xuống tối thiểu cao hơn, với tốc độ tối thiểu ở Philippines là 500 Mbps trong môi trường ngoài trời và 50 Mbps trong nhà. Singapore có chỉ tiêu tương tự với yêu cầu tốc độ tải xuống tối thiểu là 500 Mbps.
Các chuyên gia đánh giá rằng mạng 5G với khả năng kết nối vượt trội và tốc độ truyền tải nhanh chóng không chỉ hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế số. 5G dự kiến sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.100 tỷ USD và 22,8 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2035, theo Tập đoàn công nghệ Qualcomm. Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 5G dự kiến mang lại giá trị kinh tế khoảng 113 tỷ USD vào năm 2030.
Tại Việt Nam, 5G được kỳ vọng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP khoảng 7,34% vào năm 2025, theo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông. Năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Bộ đã cấp giấy phép tần số triển khai mạng 5G cho hai nhà mạng là Viettel và VNPT, với các băng tần quan trọng như 2500-2600 MHz và 3700-3900 MHz đã và đang được đưa ra đấu giá.
Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm người dùng
Theo đó, Thông tư mới sẽ thiết lập các tiêu chí cao hơn cho tốc độ tải xuống và tải lên, đồng thời học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế. Đây là bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ 5G tại Việt Nam, đồng thời hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng trong bối cảnh công nghệ 5G đang được triển khai mạnh mẽ.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Thông tư số 07/2021/TT-BTTTT ngày 31 tháng 8 năm 2021 đã quy định các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động 5G, bao gồm tốc độ tải xuống trung bình ≥ 100 Mbit/s, tốc độ tải lên trung bình ≥ 30 Mbit/s và tỷ lệ mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng 30 Mbit/s ≥ 95%.
Dự thảo Thông tư bổ sung mới nhằm điều chỉnh và nâng cao các chỉ tiêu này để phù hợp với sự phát triển thực tế của mạng 5G tại Việt Nam. Việc bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ mẫu có tốc độ tải xuống cao hơn sẽ giúp các nhà mạng định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Việc đấu giá và phân bổ băng tần 5G là một điều kiện quan trọng để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ 5G của khách hàng. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ cần tối ưu hóa chi phí đầu tư và chi phí tần số để cung cấp các dịch vụ mới với giá thành cạnh tranh hơn. Hiện số lượng thiết bị đầu cuối 5G hỗ trợ các băng tần tầm trung 2 đang tăng lên, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng về các thiết bị di động.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), các băng tần tầm trung 2 (3700-3900 MHz) đang được 152 nhà mạng sử dụng, cao hơn nhiều so với băng tần tầm trung 1 (2600 MHz) với 18 nhà mạng. Điều này cho thấy sự phổ biến và lợi thế của dải băng tần 3700-3900 MHz trong việc triển khai mạng 5G.
Nguồn: Theo VietQ.vn