Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2016

Hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp huyện được thực hiện thông qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Hải Dương và thị xã Chí Linh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển khoa học và công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

 

Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2016

1. Công tác hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp huyện

Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện đã được thành lập và tiếp tục được kiện toàn ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Hội đồng KH&CN là cơ quan tham mưu cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố về các vấn đề phát triển KH&CN, các biện pháp thúc đẩy và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống trên địa bàn.

Trong năm 2016, hoạt động chủ yếu của Hội đồng KH&CN cấp huyện bao gồm:

- Thảo luận, tư vấn, góp ý kiến đối với các Chương trình KH&CN trên địa bàn toàn tỉnh: Chương trình “Phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016-2020”, Chương trình “Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề giai đoạn 2016-2020”, Đề án “Quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao”, “Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới”, tư vấn cho UBND huyện chỉ đạo các ngành lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật cần triển khai.

- Hội đồng đã thông qua nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của kế hoạch KH&CN hàng năm của huyện với sự tham mưu của cơ quan giúp việc trực tiếp là phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố Hải Dương và thị xã Chí Linh. Đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và cấp bộ năm 2016-2017.

- Ở một số huyện, Hội đồng KH&CN cấp huyện tiến hành xét công nhận sáng kiến, đề tài, dự án của một số ngành và cá nhân trong huyện. Kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện khen thưởng các sáng kiến, các đề tài nghiên cứu, những tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội do cấp huyện quản lý.

- Xây dựng các biện pháp phối hợp trong việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ vào sản xuất và đời sống, phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các cơ quan của huyện xây dựng cơ chế phối hợp và tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ gồm Trung tâm Ứng dụng TBKH, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp các thông tin KHCN, quản lý các hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp với các Trung tâm Khuyến nông, khuyến công và các đơn vị khác nhằm tăng cường hoạt động KH&CN cấp huyện.

Hội đồng KH&CN hoạt động theo chế độ cuộc họp thường xuyên theo định kỳ, các thành viên trong Hội đồng là lãnh đạo các phòng, ban có liên quan trong huyện. Hoạt động của Hội đồng được đảm bảo về kinh phí từ kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm do tỉnh phân bổ cho huyện.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật KH&CN, các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống

- Phối hợp các đơn vị trong và ngoài địa bàn như Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Ứng dụng TBKH tỉnh, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Hội phụ nữ và các cơ quan, đoàn thể tiến hành tập huấn kiến thức về khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn. Nội dung chủ yếu của các lớp tập huấn đó là các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với các giống cây trồng và vật nuôi, quy trình sản xuất sạch, xử lý môi trường, rác thải…

- Tổ chức xây dựng và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất như các mô hình lúa chất lượng cao, lúa lai cho năng suất cao, các giống cây ăn quả và thủy sản đạt giá trị hiệu quả kinh tế cao, các loại phân bón mới, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới trong công nghiệp, giáo dục, y tế,…

- Tổ chức cho các hộ dân tham quan các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong và ngoài địa bàn huyện. Thông qua đó, các hộ dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

- Qua các chương trình, đề tài, dự án của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài địa bàn các hộ dân được tiếp cận thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, đặc biệt là các đề tài, dự án cấp tỉnh trong Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2016.

3. Lựa chọn và áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; phát huy phong trào lao động sáng tạo, các sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất

- Lựa chọn và áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trong các lĩnh vực:

+ Khoa học nông nghiệp

Trên địa bàn cấp huyện, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, với các nội dung chính: tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện với các đơn vị có liên quan xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, phân bón mới; tập huấn kỹ thuật cho người dân; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cây lúa tập trung vào các giống lúa thuần chất lượng cao như Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, N25, A133, Hoa ưu,…; các giống lúa lai mới như TH7-2, PHB71, 27P31, …; các giống cây ăn quả cho giá trị hiệu quả kinh tế cao như Thanh long ruột đỏ, Na, Bưởi,…; các giống thủy sản có hiệu quả kinh tế cao như cá rô phi lai xa đơn tính đực, cá Diêu hồng,..; một số giống rau màu như dưa hấu Super Hoàn Châu, ngô nếp lai HN88, ADI600 và một số dòng phân bón mới góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

+ Khoa học y, dược

Tích cực ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến để khám, chữa bệnh cho người dân, tăng cường củng cố mạng lưới y tế cơ sở.

+ Khoa học xã hội và nhân văn

Đẩy mạnh việc triển khai, phát động phong trào sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; áp dụng các phương pháp giáo dục mới như giảng dạy tích hợp trong giáo dục.

+ Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý môi trường, rác thải, tham gia Kế hoạch khung xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ sử dụng chế phẩm biomix RR của Trung tâm Ứng dụng TBKH tỉnh Hải Dương.

- Phát huy phong trào lao động sáng tạo, các sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất

Trong năm 2016, có 5 huyện, thị xã như: Thanh Hà, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang và TX Chí Linh tiến hành xét, công nhận đề tài, dự án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sáng kiến kinh nghiệm khoa học công nghệ của một số ngành và cá nhân trong huyện, cụ thể:

+ Thanh Hà: xét, công nhận sáng kiến kinh nghiệm 140 sáng kiến, kinh nghiệm, trong đó có 20 loại A, 20 loại B, 100 loại C; đồng thời chấm và xét duyệt 42 sáng kiến kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ các xã, thị trấn, các cán bộ công chức thuộc UBND huyện, trong đó 10 loại A, 15 loại B, 17 loại C.

+ Nam Sách: xét, công nhận sáng kiến kinh nghiệm 91 sáng kiến, kinh nghiệm, trong đó có 39 loại A, 44 loại B, 8 loại C.

+ Ninh Giang: xét và công nhận cho 35 sáng kiến, kinh nghiệm trong đó có 25 sáng kiến, kinh nghiệm lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, văn hoá xã hội, xây dựng nông thôn mới; 5 sáng kiến, kinh nghiệm lĩnh vực giáo dục, 03 lĩnh vực tư pháp và 02 lĩnh vực tài nguyên môi trường.

+ Gia Lộc: xét, công nhận 42 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm, trong đó 02 loại A, 14 loại B, 18 loại C.

+ Thị xã Chí Linh: xét và công nhận 248 sáng kiến kinh nghiệm của các cán bộ, giáo viên, trong đó 14 loại tốt, 84 loại khá, 150 loại trung bình và 56 sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.

4. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN

Năm 2016, một số huyện, thị xã, thành phố tham gia thực hiện đề tài, dự án thuộc Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2016 của UBND tỉnh Hải Dương:

Dự án: “Sản xuất một số giống gà chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm “Gà đồi Chí Linh” do UBND thị xã Chí Linh chủ trì thực hiện.

Đề tài: “Xây dựng mô hình trình diễn giống dưa hấu lai F1AD779 và F1 Sunny nhằm bổ sung cơ cấu giống cây rau màu trên địa bàn huyện Nam Sách” do Uỷ ban nhân dân huyện Nam Sách chủ trì thực hiện.

Đề tài: “Xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh trên vùng đất bãi thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương” do Hội Nông dân thị xã Chí Linh chủ trì thực hiện.

Đề tài: “Xây dựng mô hình trồng cam Vinh trên vùng đất bãi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Thanh Miện” do Ủy ban nhân dân huyện Thanh Miện chủ trì thực hiện.

Dự án: “Ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến cho các vùng sản xuất chuyên rau màu trên địa bàn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương” do Ủy ban nhân dân huyện Thanh Miện chủ trì thực hiện.

- Tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch của tỉnh như:

+ Đề án “Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giá trị kinh tế cao;

+ Chương trình “Phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016-2020”.

+ Chương trình “Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề giai đoạn 2016-2020”.

+ Đề án “Quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao”.

+ Đề án “Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới”.

+ Các đề tài, dự án khoa học và công nghệ theo Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2016 của UBND tỉnh Hải Dương, các chương trình của tỉnh và Trung ương thực hiện tại địa bàn huyện.

- Tham gia phối hợp tổ chức thực hiện với các công ty xây dựng các mô hình giống cây, con mới và phân bón mới trên địa bàn huyện.

5. Quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp, an toàn bức xạ hạt nhân, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

- Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, các quy định Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

- Phát huy các nhãn hiệu tập thể cho các nhãn hiệu trên địa bàn huyện như Sắn dây Kinh Môn, Bánh đa Hội Yên, Bánh gai Ninh Giang, Củ đậu Kim Thành; Bưởi Lập Lễ, Na Chí Linh, Ổi Thanh Hà, Giày da Hoàng Diệu, Rươi và Mắm cáy Tứ Kỳ.

- Phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Hải Dương triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Mô hình khung tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong các cơ quan hành chính tại các huyện, thị xã, thành phố; đề xuất danh sách các xã triển khai thí điểm xây dựng Mô hình khung ở cấp xã năm 2016.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và các đơn vị có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa. Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, … về nhãn mác và chất lượng hàng hóa; kiểm định đối với hệ thống cân tại các chợ và cửa hàng, taximet, đồng hồ điện…

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Công tác quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện hoạt động có kết quả tích cực. Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện đã tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện, thị xã, thành phố. Khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xử lý môi trường,vv…công tác quản lý tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng trên địa bàn huyện, thành phố, đồng thời kích thích phong trào lao động sáng tạo, nhiều sáng kiến, sáng chế được áp dụng trong sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

Công tác thống kê khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ. Nhiều dự án, đề tài khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, tạo công ăn việc làm cho người lao động tăng thêm thu nhập. Năng suất, chất lượng được năng lên rõ rệt nhất là cây trồng, vật nuôi. Hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện, thành phố trong những năm gần đây có đổi mới và đạt được kết quả trong đó có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện, thành phố và các cán bộ khoa học nhiệt tình, tâm huyết đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên hoạt động của Hội đồng KH&CN còn hạn chế, chưa có nề nếp, chưa có chương trình kế hoạch thực hiện cụ thể, việc ứng dụng các TBKH vào sản xuất và phục vụ đời sống còn chậm, chưa thường xuyên, phát triển nhân rộng còn nhiều giới hạn.

Có những mặt hạn chế trên là do trong những năm gần đây nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoa học và công nghệ luôn bị thay đổi do cơ cấu tổ chức… từ vị trí của phòng đến nhân lực quản lý. Hiện nay phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố biên chế ít cán bộ (nhất là cán bộ chuyên ngành về lĩnh vực KH&CN) song thực hiện chức năng, nhiệm vụ đa ngành. Mặt khác đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN của cấp huyện còn thiếu và hạn chế. Hội đồng Khoa học và Công nghệ luôn thay đổi do cơ cấu tổ chức nên việc duy trì, hoạt động của Hội đồng gặp nhiều khó khăn. Đây là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phòng Kế hoạch - Tài chính!

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây