Tính đến tháng 4/2021 đã có 54/63 tỉnh/thành phố tiến hành các hoạt động triển khai Quyết định 100 QĐ-TTg (Đề án 100) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
Trong đó: 48 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; 41 địa phương đã tổ chức một số hội thảo tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về truy xuất nguồn gốc (TXNG); 37 địa phương đã tổ chức một số hội thảo tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về TXNG cho các đối tượng liên quan.
Theo Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, 23 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động TXNG như: Trà Vinh, Cà Mau, Gia Lai, Tây Ninh, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Ninh… Một số tỉnh đã triển khai hệ thống TXNG, nhưng đang lo ngại vấn đề về dữ liệu lưu trữ sau này có thể khó cập nhật tập trung vào Cổng Thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh…
Đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, theo thống kê hiện có 25 địa phương đã triển khai TXNG hoặc đã áp dụng tem TXNG cho một số sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, đa phần hiện chỉ ghi nhận thông tin sản phẩm và nơi sản xuất, chưa theo TCVN về TXNG mà cơ bản là chỉ hỗ trợ dán tem.
Trước yêu cầu thúc đẩy hoạt động TXNG tại các địa phương, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã tham mưu cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và trực tiếp đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai Đề án.
Cụ thể, ngày 15 tháng 9 năm 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có công văn số 3038/TĐC-MSMV đôn đốc các Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 100; ngày 11/01/2021 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục gửi công văn số 68/TĐC-MSMV tới các Sở Khoa học và Công nghệ về việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc…
Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hoạt động TXNG, phổ biến nội dung TXNG kết hợp trong các khóa đào tạo phổ biến kiến thức về mã số, mã vạch. Riêng năm 2020 đã tiến hành tại các tỉnh như Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Thái Nguyên, Đồng Tháp, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Thái Bình, Cao Bằng, Gia Lai, Bắc Ninh, Sơn La…
Về hoạt động tư vấn triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện Đề án 100 của các địa phương, tính từ tháng 1- 4/2021, Trung tâm MSMVQG đã tư vấn trực tiếp cho hơn 20 địa phương. Trong đó, một số địa phương đã rất tích cực tham vấn ý kiến chuyên môn từ Trung tâm, như: Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Gia Lai, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận; Tham gia cùng các Sở KH&CN tổ chức hội thảo tập huấn về TXNG tại 3 địa phương là Quảng Ninh, Gia Lai và Phú Yên.
Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia hiện đang nỗ lực triển khai, phối hợp với các địa phương xây dựng phương án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 100. Theo đó, đảm bảo mục tiêu xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước.
Theo vietq.vn