Theo các chuyên gia, Việt Nam cần coi trọng việc hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, chiến lược được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới, thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành đồng bộ hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh xây dựng các định chế trung gian như sàn giao dịch công nghệ, hình thành các điểm kết nối cung cầu công nghệ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu.
Nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo, chương trình đào tạo hỗ trợ các kỹ năng xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng thông qua các cuộc thi sáng tạo, trải nghiệm sáng tạo,…
Đồng thời, thực hiện hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh để xúc tiến kết nối, phát triển toàn diện các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh, gồm các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp lớn đầu tư vào khởi nghiệp trong tỉnh; thiết lập mối quan hệ hợp tác các tổ chức hỗ trợ, tổ chức thúc đẩy, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, mạng lưới tư vấn, cố vấn trong và ngoài tỉnh.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển.
Ngoài các hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ, Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần có các Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống, từ địa phương, trung ương, từ khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế.
Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia.
Năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần coi trọng thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tăng năng suất lao động.
Nguồn VietQ.vn