Ngày 11/10 tại Hà Nội, Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ (BQL Khu CNC Hòa Lạc) đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương năm 2019: Chia sẻ thông tin - Kết nối mạng lưới” nhằm tạo điều kiện kết nối những người làm truyền thông tại các tỉnh thành với mạng lưới nhà báo, phóng viên tại các cơ quan thông tin trung ương, cũng như với các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tham gia Đề án 844.
Xuất phát từ chương trình trải nghiệm “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” dành cho người làm truyền thông từ hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước để tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp tại các hệ sinh thái lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã phối hợp với Văn phòng Đề án 844 và Rehoboth Việt Nam tổ chức hội thảo “Tổng kết hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương năm 2019” với chủ đề “Chia sẻ thông tin - Kết nối mạng lưới” ngày 11/10 vừa qua. Hội thảo nhằm mục tiêu nhìn lại những kết quả của chương trình và những sự thay đổi trong cách nhìn nhận về “khởi nghiệp sáng tạo” của người làm truyền thông mà đặc biệt là tại các cơ quan thông tin địa phương, cũng như kết nối người làm truyền thông với các chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức hỗ trợ trong hệ sinh thái. Chương trình là một trong các hoạt động thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Việt An từ Văn phòng Đề án 844 cho biết: “Truyền thông là yếu tố then chốt để nâng cao nhận thức của công chúng về KNST, cả xã hội có cái nhìn đúng đắn về các startup để từ đó có các hành động thiết thực góp phần ủng hộ, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa khởi nghiệp sáng tạo. Tuy có vai trò thiết yếu như vậy song truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn hạn chế về chủ đề truyền tải, chưa thực sự được đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển của các lĩnh vực, cũng như chưa chạm được đến vấn đề cốt lõi mà những người quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo muốn biết.”
Khai thác sâu hơn về vấn đề này, “Truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh hiện tại”, ông Hoàng Quốc Lê- Chuyên gia truyền thông khởi nghiệp tại Trung tâm tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về cách mà nhà báo cần thích ứng với bối cảnh bùng nổ thông tin về khởi nghiệp hiện tại. Ông đã đưa ra lời khuyên: “Ngày nay, chúng ta thật sự cần giao tiếp nhiều hơn giữa nhà làm truyền thông và các startup. Suy cho cùng, startup hay nhà làm truyền thông cũng chỉ là người đi buôn. Một bên là khởi nghiệp sản phẩm còn một bên là khởi nghiệp nội dung. Và chính vì thế, giữa startup và người làm truyền thông sẽ là mối quan hệ hợp tác, đôi bên đều có lợi.” Ông cũng cho rằng những người làm truyền thông cần phải phân rõ các độc giả là ai: học sinh, sinh viên, các startup,....và cũng phải viết sao cho phù hợp với địa phương của mình chứ đừng mang những câu chuyện xa vời để bắt theo phong trào, cũng như khó định hướng được cho các nhóm dự án tại địa bàn.
Từ góc độ là đại diện tổ chức thúc đẩy kinh doanh Vietnam Silicon Valley mà đặc biệt là trực tiếp quản lý chương trình Art Cozy Accelerator về hỗ trợ các nhóm dự án khởi nghiệp phong cách sống, bà Hạnh Trần đánh giá: “Hiện tại chúng ta có rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp với nền tảng là công nghệ, tuy nhiên chúng ta dường như đang bỏ lỡ các dự án mà chúng tôi gọi là doanh nghiệp “lifestyle” (phong cách sống). Những doanh nghiệp này có sản phẩm/mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và tinh thần, mà trong đó đặc biệt có nhiều dự án xuất phát từ đặc thù của các địa phương, hướng đến tạo ra những thay đổi tích cực cho văn hóa và đời sống ở đây.” Theo bà, những mô hình này hoàn toàn có khả năng tăng trưởng nhanh như đánh giá là một “startup” (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), cái họ cần là sự tư vấn về chiến lược, định hướng phát triển, quản trị và đặc biệt là việc gọi vốn, thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy mô hình này mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.
Minh chứng cho nhận định này, chị Lê Na đến từ doanh nghiệp khởi nghiệp Cam Vinh Kỳ Yến - mô hình liên kết nông dân trồng cam Vinh tại Quỳ Hợp, Nghệ An dựa trên những nghiên cứu về Quy trình canh tác Cam Sinh thái hoàn toàn không hóa chất - cũng nhấn mạnh câu chuyện chị đã thay đổi mô hình kinh doanh của mình nhiều lần từ ý tưởng “bán quả cam” thuần túy ban đầu. Hiện tại, Cam Vinh có khả năng tăng trưởng cao và “xuất khẩu” mô hình ra nhiều địa phương khác cũng như bán sản phẩm ra nước ngoài, tạo hàng nghìn việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân lên gấp nhiều lần so với hiện tại, và tăng khả năng làm chủ cho thanh niên nông thôn. Từ đây, chị mong muốn những thông điệp về tư duy đổi mới sáng tạo và sự tham gia của các vườn ươm, tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh hay các cố vấn khởi nghiệp sẽ được truyền thông nhấn mạnh hơn nữa, góp phần thúc đẩy những sự thay đổi tích cực cho khởi nghiệp tại địa phương mình.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Trần Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ) cũng cho biết vai trò chủ động của truyền thông cần được đánh giá cao: “Chúng ta những năm vừa rồi đề cập đến truyền thông cho những câu chuyện startup nhưng ngược lại các startup cũng cần thông tin về các quỹ hỗ trợ, cơ chế chính sách, hướng dẫn thủ tục, cố vấn chiến lược,... do đó truyền thông cần thực hiện hiệu quả cả các mục tiêu trên để phục vụ cộng đồng”. Bên cạnh đó bà chia sẻ cần triển khai các khóa đào tạo truyền thông cho địa phương vì hiện nay người làm truyền thông về startup, mà đặc biệt là ở tại các địa phương, thường bị thiếu hụt kiến thức về khởi nghiệp nên dễ bị truyền thông sai, truyền thông chưa đi vào cốt lõi, dẫn đến chỉ nói được câu chuyện bề nổi, tạo nên các “phong trào” ảo cho cộng đồng.
Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện 3 startup: Cam Vinh Kỳ Yến, Ella Study Vietnam và Lala Land. Các startup đã có cơ hội chia sẻ sản phẩm của mình với báo chí cũng như thể hiện góc nhìn của mình trong việc kết nối với truyền thông. Trong đó, anh Nguyễn Duy từ Ella Study Vietnam - startup với nền tảng trực tuyến giúp kết nối học viên với các Du học sinh và các trường Đại học hàng đầu trong và ngoài nước - đã chia sẻ rằng truyền thông như “một con dao hai lưỡi”, đặc biệt là với các sản phẩm chưa tạo ra những giá trị đích thực và nguồn lực chưa đáp ứng được cho mức độ tăng trưởng.
Đồng quan điểm này, từ góc độ người nhiều năm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Trung từ Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết các startup rất e ngại truyền thông. Nguyên nhân chính là bởi các đài truyền hình, báo địa phương thường khiến câu chuyện về dự án bị “thổi phồng” để nâng giá trị startup lên và cũng có những trường hợp doanh nghiệp lo sợ bị lộ bí quyết kinh doanh.
Ông Nguyễn Việt An - Đại diện BTC Hội thảo cũng như chủ trì của các đoàn “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” phát biểu: “Đề án 844 mong muốn rằng thông qua các chương trình đào tạo, kết nối mạng lưới, chúng ta có thể tìm ra những phương thức truyền thông cho các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, cũng như tăng cường hàm lượng chuyên sâu và tính đa dạng cho các nội dung giai đoạn tới, vừa góp phần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước đi vào thực chất, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình vươn ra quốc tế của doanh nghiệp Việt.”
Kết thúc “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” năm 2019 sẽ là các chương trình tiếp nối về đào tạo truyền thông cho nhà báo, phóng viên tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc do Trung tâm Ứng dụng và Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ thực hiện trong khuôn khổ Đề án 844, tiến tới mở rộng hơn nữa mạng lưới truyền thông chuyên sâu cho khởi nghiệp sáng tạo năm 2020./.
Kim Dung