Muốn biết chất lượng sản phẩm điều tiên quyết là phải thông qua hoạt động đo, kiểm, thử. Hoạt động này đều phải thực hiện thông qua phương tiện đo, chuẩn đo lường, phương pháp đo và hệ thống đo,... Như vậy, để đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm phải đảm bảo về đo lường.
Trải qua các giai đoạn khác nhau, hoạt động đo lường ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội. Đo lường gần như tham dự vào toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất, sử dụng và bảo hành...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng nâng cao. Từ đó càng cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động đo lường đối với sự phát triển đời sống xã hội.
Cụ thể, muốn biết chất lượng sản phẩm điều tiên quyết là phải thông qua hoạt động đo, kiểm, thử. Hoạt động này đều phải thực hiện thông qua phương tiện đo, chuẩn đo lường, phương pháp đo và hệ thống đo,... Như vậy, để đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm phải đảm bảo về đo lường.
Mặt khác, việc đảm bảo đo lường đối với hàng hóa không chỉ giúp doanh nghiệp tạo được niềm tin với người tiêu dùng, mà ngay bản thân doanh nghiệp cũng đạt được nhiều lợi ích thiết thực.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp thuộc “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 sẽ thấy rõ ý nghĩa của việc xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường thông qua mục tiêu đạt được, có thể kể đến như:
Giúp tiết kiệm vật tư, tài nguyên, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ (Ví dụ: Sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng; khai thác, chế biến, cung cấp xăng, dầu, khí; khai thác, xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; sản xuất, kinh doanh than, sản xuất, kinh doanh thép; sản xuất, kinh doanh xi măng; dịch vụ logistics…);
Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; kiểm soát phát thải ra môi trường; ô nhiễm môi trường (Ví dụ: Sản xuất dược phẩm; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón và hợp chất Nitơ; chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; hoạt động quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường... );
Góp phần bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (Ví dụ: Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác trực tiếp giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân...);
Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa toàn cầu...
Có thể nói, đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện, Việt Nam đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường như: Thành viên chính thức của Chương trình đo lường châu Á – Thái Bình Dương (APMP) năm 1992; Thành viên hợp tác của Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế (OIML) năm 1994; Thành viên chính thức của Diễn đàn Đo lường hợp pháp châu Á – Thái Bình Dương (APLMF) năm 1995; Thành viên hợp tác của Hội nghị Cân đo quốc tế (CGPM) năm 2003...
Nguồn:Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)