Cải thiện ‘kết nối số’ - động lực nâng cao năng suất chất lượng nền kinh tế

Tính kết nối và “kết nối số” là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng nền kinh tế, của doanh nghiệp, sản phẩm, của cá nhân và cải thiện kết nối số cũng chính là nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Cải thiện ‘kết nối số’ - động lực nâng cao năng suất chất lượng nền kinh tế

Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến cách mạng số - cuộc cách mạng giúp mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổ chức, công ty có cơ hội trở nên thông minh và tăng hiệu quả vượt bậc. Tuy nhiên, để biến cơ hội này thành thành quả lại không phải điều dễ dàng.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard - Asia Pacific cho biết, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây là chiến lược hoàn toàn đúng đắn trong thời kỳ số hóa, đặc biệt trong thời kỳ Covid khi nhiều hoạt động thay vì trực tiếp đã được chuyển thành “trực tuyến”.

Ngay sau đó, các Bộ ngành đã bám sát nội dung trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia để  xây dựng Chương trình chuyển đổi số của ngành mình, lần lượt trong các năm 2020 và 2021. Thế nhưng, tính thực tiễn của các Đề án trên đến đâu thì chúng ta cũng chưa có thông tin đầy đủ để đánh giá

Cổ nhân có câu “trăm đường không tránh khỏi số”. Trong quá khứ, chữ “số” được hiểu là số phận, còn hiện tại, “số” được hiểu là digital. Từ ý nghĩa trên, bà Thùy cho rằng: "Chúng ta không thể tránh khỏi con đường phải số hóa, bởi cuộc chơi này là cuộc chơi toàn cầu. Cuộc chơi này được dẫn đầu bởi những nước lớn. Số hóa nền kinh tế, số hóa doanh nghiệp và số hóa mỗi cá nhân là việc tất yếu".

 

Nếu làm tốt kết nối số sẽ giảm thiểu rất nhiều khâu không cần thiết trong một chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất kinh doanh. Hay cũng giống như cơ chế Một cửa Quốc gia, nếu tính liên thông của các bộ ngành tốt thì doanh nghiệp sẽ nhàn hơn, chỉ cần nộp giấy tờ tại 1 nơi.

Tuy nhiên, theo bà Thùy tính kết nối này đâu đó vẫn còn chưa tốt. Doanh nghiệp vẫn còn vất vả. Cụ thể, doanh nghiệp nộp giấy tờ 1 lần tại điểm này, nhưng vẫn có thể phải nộp giấy tờ nhiều lần khác cho cùng một vấn đề như nhau. Nộp càng nhiều giấy tờ thể hiện tính kết nối càng kém. Càng nhiều giấy tờ bằng giấy thì thể hiện tính kết nối số càng kém. Nếu doanh nghiệp chỉ cần xuất trình bản in một lần, thậm chí không phải in, chỉ cần đưa đầy đủ thông tin lên một cổng điện tử chung và các cơ quan hữu quan vào đó xem rà soát và phê duyệt thì kết nối số mới có thể hoàn thiện được. Hiện, nhiều nơi còn cùng lúc đòi giấy tờ gốc trong khi doanh nghiệp chỉ có một bản.

“Tôi cho rằng thời gian qua Chính phủ đã có rất nhiều chính sách đúng đắn, nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm, bỏ và số lượng giấy tờ phải nộp đã giảm trông thấy, đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục cũng đã tăng. Thế nhưng để bảo doanh nghiệp hài lòng lắm không thì chưa.

Tuy nhiên, như vậy cũng là cải thiện rất nhiều. Kết nối số vẫn còn kém giữa trung ương với địa phương, kết nối giữa các bộ trung ương với sở địa phương đâu đó vẫn còn đứt đoạn. Nói tóm lại, tính kết nối và “kết nối số” là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của một nền kinh tế, của doanh nghiệp, của sản phẩm, của cá nhân và cải thiện kết nối số cũng chính là nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế”, bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề nâng cao năng suất, TS. Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp.

Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Thực tế, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới sáng tạo là hiện tượng mang tính toàn diện, từ sáng chế về mặt khoa học mới nhất và những đổi mới sáng tạo mang tính bình dân hay hoạt động đổi mới sáng tạo dàn trải theo chiều ngang trong phát triển của nền kinh tế...

Đổi mới sáng tạo tạo ra giá trị mới, gia tăng giá trị lao động của con người, nhờ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đổi mới chi phối tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng việc làm, tiền lương thông qua chi phối tăng năng suất - trọng tâm của mọi vấn đề.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể, đã triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo TS Hà Minh Hiệp, nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống, tiêu chuẩn rõ ràng, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới sáng tạo có hệ thống.

Bộ tiêu chuẩn có thể áp dụng cho tất cả tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ - doanh nghiệp thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay60,076
  • Tháng hiện tại1,215,145
  • Tổng lượt truy cập3,920,349
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây