Rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt hết hạn, sữa bột nhiễm độc, gạo nhựa… là những bê bối đã tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng đối với các sản phẩm tại siêu thị. Khi người dân Trung Quốc chuyển dần sang lựa chọn thực phẩm hữu cơ và lành mạnh hơn thì việc tìm ra giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đã trở thành bài toán đối với nhà sản xuất và phân phối.
Theo khảo sát của PwC năm 2018, có tới 40% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp toàn cầu cho rằng cách tiếp cận chứng nhận truyền thống là không hiệu quả và 39% thừa nhận sản phẩm của họ có thể bị làm giả một cách dễ dàng. Blockchain với khả năng truy xuất nguồn gốc đáng tin cậy và không thể sửa đổi thông tin, có tiềm năng giải quyết các vấn đề sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm tại lĩnh vực này.
“Với quy mô của ngành công nghiệp thực phẩm, kết hợp sự sẵn sàng về công nghệ chung của đất nước, Trung Quốc là nơi thích hợp nhất để áp dụng blockchain giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm”, Billy Chan, Giám đốc điều hành Drop Chain, một công ty khởi nghiệp về giải pháp chuỗi khối cho biết.
Từ năm 2016, Alibaba, một trong những nhà cung cấp sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc đã ra mắt siêu thị kết nối Hema đầu tiên, đem tới điểm đổi mới nhất mà người tiêu dùng quan tâm. Chỉ với thao tác sử dụng điện thoại di động để quét mã QR của sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng hoặc khi nhận hàng giao trực tuyến, người mua hàng có thể biết chính xác các thông tin: vị trí và nhiệt độ của sản phẩm trong toàn bộ quá trình phân phối, nhà sản xuất với hình ảnh giấy cấp phép của cơ quan chức năng, các chứng chỉ và tiêu chuẩn thực phẩm cũng như hàm lượng thuốc trừ sâu và hoá chất được sử dụng trên sản phẩm.
Các sản phẩm có thể áp dụng hệ thống này bao gồm thịt, hải sản, gạo, đậu phụ, đậu nành, trái cây và rau quả, thịt gia cầm, trứng, sản phẩm từ sữa, dầu ăn và thực phẩm bổ sung. Mỗi sản phẩm được cấp một mã duy nhất, có nghĩa thông tin được cung cấp cụ thể đối với sản phẩm đó chứ không phải theo lô.
Hệ thống này đưa toàn bộ chủ thể tham gia ở các khâu như người nông dân, nhà sản xuất, công ty giao hàng, nhà phân phối, cơ quan chứng nhận và người tiêu dùng lên một nền tảng duy nhất, khiến thông tin trở nên minh bạch nhất có thể. Thông tin về việc chuyển giao hàng hoá giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng được tích hợp theo thời gian thực một cách rõ ràng và trung thực.
GoGoChicken là dự án nuôi gà thả rông hợp tác giữa chính quyền địa phương và công ty khởi nghiệp Lianmo Technology. Những con gà được gắn ở chân thiết bị theo dõi vị trí và số bước chân chúng di chuyển. Khi người tiêu dùng quét mã QR, thông tin về trọng lượng và hình ảnh của nó sẽ hiện ra. Lianmo đã sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo dữ liệu là bảo mật và nguyên gốc. Ngay trong năm ra mắt, dự án đã có 6.000 đơn đặt hàng và giá mỗi con gà có thể lên tới 40$ trên JD.com và các sàn thương mại điện tử khác.
Tháng 6/2019, Wal-Mart Trung Quốc chính thức ra mắt nền tảng truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm, sử dụng công nghệ blockchain cùng sự hợp tác của PwC và VeChain. Nền tảng của Wal-Mart tích hợp Internet vạn vật (IoT) và công nghệ theo dõi RFID (nhận dạng qua tần số vô tuyến), chia sẻ cổng dữ liệu với các bên tham gia chuỗi cung ứng, đồng thời mã hoá và lưu giữ dữ liệu bằng công nghệ sổ cái phân tán.
Trước đó, chuỗi siêu thị bán lẻ này đã hợp tác với Đại học Thanh Hoa và IBM sử dụng công nghệ blockchain Hyperledger vào quản lý và khai thác chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn (tại Trung Quốc) và xoài (tại Mỹ). Tháng 8/2017, 10 nhà cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn nhất thế giới, gồm Wal-Mart, Nestle, Dole và Golden Food đã đạt được quan hệ đối tác với IBM để tích hợp công nghệ chuỗi khối vào chuỗi cung ứng cải thiện khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù luôn tồn tại khả năng các hồ sơ giả mạo được đẩy vào hệ thống, nhưng hành vi gian lận rất có thể bị các bên tham gia khác trong mạng lưới từ chối do bản chất phi tập trung của công nghệ chuỗi khối.
Để blockchain trở nên hiệu quả và đáng tin cậy, càng nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ càng giúp việc truy xuất nguồn gốc trở nên chính xác hơn. Điều này dẫn tới xu hướng thành lập các liên minh, nhóm doanh nghiệp tại Trung Quốc (dẫn dắt bởi các nhà phân phối chính), các công ty vận chuyển và doanh nghiệp công nghệ cũng như các siêu thị để áp dụng công nghệ chuỗi khối quy mô quốc tế.
“Khuôn khổ niềm tin thực phẩm” (Food Trust Framework) do Alibaba khởi xướng là tập hợp các thành viên mong muốn giám sát các thực phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu quốc tế từ Australia và New Zealand.
JD.com, đối thủ của Alibaba trong mảng thương mại điện tử, tham gia “Liên minh An toàn thực phẩm công nghệ chuỗi khối”, ra mắt năm 2018, trong đó có Wal-Mart, Đại học Thanh Hoa và IBM – hãng công nghệ phát triển nền tảng IBM Food Trust, vốn đang được sử dụng trên toàn cầu bởi các thương hiệu và nhà sản xuất lớn như Nestle, Unilever, Carrefour, Kroger, Dole hay Tyson Foods.
Thực tế chuỗi khối vẫn là một công nghệ đang phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ tích hợp như AI và IoT, thúc đẩy bởi nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, blockchain đã cho thấy tiềm năng trở thành chìa khóa giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng quốc gia này.
Theo VietQ.vn