Trong khi nhiều nơi gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh vì đầu ra xuất khẩu tạm thời bị ngưng trệ, thì nhiều hình thức sản xuất chuỗi vẫn giữ được chỗ đứng nhờ tập trung thị trường trong nước và đảm bảo chất lượng nhờ sản xuất theo chuỗi cung ứng.
Một điển hình tại Chúc Sơn
Đến với hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn (ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) những ngày này có thể thấy rõ không khí phát triển sản xuất rất khẩn trương. Không khí này có được sau tiền đề mùa dịch Covid -19 vừa qua HTX đã kết nối được với các hệ thống siêu thị lớn như Big C và các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu chung cư…
Trước đây, đầu ra chính của HTX là cung cấp trực tiếp cho các trường học, bệnh viện nhưng trong thời điểm dịch các địa chỉ này hầu như “đóng băng”. Cho đến nay, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, các khách hàng cũ này lại quay trở lại, cùng với những khách hàng mới khiến lượng đơn hàng tăng vọt sau dịch.
Năm 2016, được sự hướng dẫn và hỗ trợ của Liên minh HTX TP.Hà Nội, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn được thành lập với 26 thành viên, 5ha đất sản xuất và 225 triệu đồng tổng số vốn đóng góp từ các thành viên HTX. Nhiệm vụ của lãnh đạo HTX là xây dựng kế hoạch sản xuất và thu mua 100% sản phẩm cho xã viên. Ngược lại, xã viên có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất đã hoạch định.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn hiện có gần 40 thành viên canh tác hơn 15ha rau, quả VietGAP. Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn - ông Hoàng Văn Khảm cho biết: "Hiện nay, HTX cung cấp rau theo chuỗi cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 6 trường học. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều HTX nông nghiệp lao đao tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng HTX Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn tiêu thụ thuận lợi nhờ sản xuất theo chuỗi và xây dựng được thương hiệu rau, quả sạch Chúc Sơn".
Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường 2,2 - 2,5 tấn rau, trong đó riêng hệ thống siêu thị Big C đặt hàng HTX 1,5 tấn rau/ngày.
Theo ông Hoàng Văn Khảm cho biết: "Xác định rõ rằng sản xuất gắn phải gắn với thị trường, ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư khu nhà sơ chế đóng gói theo quy trình khép kín và trang bị thêm máy móc cho các công đoạn sơ chế như máy giải nhiệt, máy ép bao bì… Vì có kế hoạch sản xuất bài bản nên khi rau ngoài chợ giá rẻ đến mức thấp như "đổ đi" thì HTX vẫn thu mua cho bà con theo đúng giá đã cam kết".
Sau 3 năm xây dựng và phát triển, HTX rau quả sạch Chúc Sơn đã đạt được những kết quả rất tích cực và khả quan. Hiện nay, HTX có diện tích rau được chứng nhận VietGAP là 15ha, trong đó 10ha rau VietGAP được trồng ở Chúc Sơn, 5ha rau VietGAP ở Mộc Châu (Sơn La). Sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 600 tấn/năm, doanh thu của HTX tăng 14,6%/năm.
Riêng năm 2019 doanh thu HTX rau quả sạch Chúc Sơn đạt trên 12 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ HTX và người lao động đạt 6,5 triệu đồng/tháng.
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm TP.Hà Nội. Theo đó, 100% sản phẩm của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất đã đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Vì những bữa ăn an toàn
An toàn thực phẩm rất quan trọng với sức khỏe của con người, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới quan tâm. An toàn thực phẩm càng quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng rau xanh. Rau không thể thiếu trong bữa ăn, là thực phẩm sử dụng hàng ngày và tiêu thụ trong ngày với số lượng lớn. Người tiêu dùng quan tâm an toàn thực phẩm với rau chủ yếu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó phụ thuộc phần lớn vào kiến thức kỹ năng canh tác, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV của người sản xuất.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2083/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015” và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong đề án tại Quyết định số 5975/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 và Quyết định số 3085/QĐ-UBND ngày 02/7/2015.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2015 đạt 5.000 - 5.500 ha RAT. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, được sự chỉ đạo sát sao của UBND Thành phố, sự cố gắng, nỗ lực của Sở NN & PTNT và các Sở, ngành của Thành phố, các địa phương cơ sở; Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được các ngành, các cấp, các tỉnh và nông dân đánh giá cao.
Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tư vấn lập 31 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng RAT tập trung với diện tích 2.197 ha, có 10 dự án đã được đầu tư và đưa vào sử dụng; phối hợp chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất: đến năm 2014 đạt 4.931 ha, năm 2015 khả năng đạt 5.100 ha, trong đó: 171 ha rau VietGAP và 21 ha rau hữu cơ.
Để đáp ứng an toàn thực phẩm trong sản xuất, Chi cục Bảo vệ thực vật tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và truyền thông. Đến nay Chi cục đã tổ chức 818 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 24.540 nông dân và 825 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất RAT cho 66.000 người. Cùng với đó liên tục tiến hành chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật …
Nguyễn Duy Hồng Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, từ các hoạt động trên đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm.
Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, tem nhận diện RAT, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Hà Nội” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 9258/QĐ-SHTT ngày 09/2/2015. Đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiêu. Rau an toàn Hà Nội hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng). Rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng).
Ông Hồng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đề xuất xây dựng ”Dự án chuỗi cung cấp rau an toàn cho thành phố Hà Nội” để từng bước đáp ứng nhu cầu RAT cho người tiêu dùng Thủ đô.
Theo vietq.vn